Từ một chương trình về nông nghiệp trên truyền hình, năm 2019, sau khi tìm được nguồn giống uy tín, Nguyễn Văn Huấn đầu tư hệ thống ô nuôi và bắt đầu triển khai nuôi dế mèn Thái. Trên khoảng đất trống ở vườn nhà, với nguồn vốn khởi nghiệp vẻn vẹn 10 triệu đồng, Huấn bắt tay đóng các thùng gỗ, phía trên có lưới che thông thoáng để nuôi dế. Lúc đầu nuôi cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại về quy cách chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nhất là thời điểm dế đẻ trứng, nở con, tách đàn nên hiệu quả chưa cao. Sau đó, Huấn rút kinh nghiệm và đọc thêm nhiều tài liệu hướng dẫn, nhờ vậy đã vượt qua những trở ngại ban đầu và nắm vững kỹ thuật từ khâu ấp trứng, gây đàn cho đến lúc xuất chuồng.
Nguyễn Văn Huấn với mô hình nuôi Dế mèn Thái. |
Đến nay, mô hình nuôi dế của Nguyễn Văn Huấn có tổng cộng 8 thùng, với diện tích 25m2. Thời gian nuôi dế mèn Thái từ lúc bé đến lúc trưởng thành khoảng 34 ngày, chu kỳ này thường kéo dài hơn vào mùa lạnh. Sau 45 - 50 ngày là khoảng thời gian dế trưởng thành sinh sản, 10 ngày tiếp theo sẽ nở con. Đối với Dế sữa nuôi 30 ngày có thể xuất bán với giá 120 ngàn đồng/kg; Dế trứng nuôi từ 37 - 40 ngày, bán với giá 150 - 180 nghìn/kg. Trung bình, một thùng, mỗi tháng thu hoạch từ 25 - 28kg. Với 8 thùng Dế, mỗi tháng sau khi trừ các chi phí, Huấn thu về trên 20 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của Huấn, dế là loài vật sống thành đàn, thích nghi với môi trường tự nhiên. Vì thế, muốn cho đàn dế phát triển nhanh, năng suất chất lượng cao, tránh được dịch bệnh, người nuôi phải chú ý đến chuồng trại, đặt nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh nơi mưa gió. Loài dế rất mẫn cảm với thời tiết. Khi trời quá nóng hoặc quá lạnh chúng sẽ phát triển chậm, đẻ ít. Đặc biệt, mỗi chuồng cần bố trí thêm nhánh, lá cây khô, thùng giấy hoặc thùng phế liệu để tạo môi trường hoang dã cho dế ẩn trú hoặc bay nhảy một cách tự nhiên.
Nuôi dế mèn Thái vốn bỏ ra ít, nhưng hiệu quả kinh tế cao. |
Nguồn thức ăn cho dế khá đơn giản và đa dạng như bí đỏ, lá sắn, rau mồng tơi, cám gạo… Tuy nhiên, để dế sống khỏe và phát triển đồng đều, nguồn thức ăn cung cấp phải thật sạch, không sử dụng các chất bảo vệ thực vật. Mặc dù dễ nuôi nhưng dế thường hay mắc bệnh đường ruột, nếu không chăm sóc tốt có thể bị chết hàng loạt. Nguyên nhân chính do mật độ nhiều, chuồng nóng ẩm hoặc thức ăn bị ẩm mốc. Vì vậy, trong một chu kì thu hoạch (từ 45 ngày), người nuôi dế phải dọn vệ sinh khoảng 2 - 3 lần.
“Dế mèn Thái rất thích ăn lá sắn, lá sắn để lâu sẽ bị khô, không còn nước, khi rơi xuống đáy chuồng cũng không gây ẩm mốc. Đây là nguồn thức ăn có sẵn, dễ trồng nên tiết kiệm được chi phí nuôi dế. Để bổ sung dinh dưỡng, tôi còn cho dế ăn thêm bí đỏ và cám gạo”, Huấn cho biết thêm.
Cùng với nuôi dế thịt, Huấn còn chịu khó tìm hiểu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và tạo môi trường phù hợp cho dế sinh sản, nhằm chủ động nguồn con giống, chuẩn bị cho việc đầu tư mở rộng diện tích thả nuôi và nhân đàn, thay vì phải đặt mua con giống ở các tỉnh phía Bắc như trước đây. “Hiểu được tập tính, chu kỳ sinh sản của dế và tìm tòi thêm qua sách báo, internet… hiện tôi đã biết cách lựa chọn những con dế to, khỏe tách riêng để cho chúng sinh sản. Nhờ vậy mà đã chủ động hoàn toàn về con giống, chi phí đầu tư cũng giảm so với trước”, Huấn cho biết.
Đoàn viên thanh niên đến thăm mô hình nuôi Dế mèn Thái. |
Điểm đặc biệt của mô hình nuôi dế mèn Thái là đầu tư ít, hiệu quả kinh tế rất cao và không gây ô nhiễm môi trường. Ông Hoàng Văn Chuân, phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết: “Mô hình nuôi dế mèn Thái có nhiều tiềm năng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thực phẩm sạch từ đầu vào, gắn với việc bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới xã Nghĩa Yên sẻ tích cực tuyên truyền, giới thiệu để giúp đỡ vấn đề đầu ra sản phẩm; đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương”.
Thành công của mô hình nuôi Dế Thái của Nguyễn Văn Huấn đã mở ra hướng đi mới, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư, đưa các cây con giống mới vào sản xuất để phát triển, làm giàu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin