Vụ khai thác cá Bắc của bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu bắt đầu từ tháng 10 âm lịch năm này kéo dài đến tháng 2 âm lịch năm sau. Ông Nguyễn Văn Hải chủ tàu cá NA 90589 TS ở thôn 8, xã Sơn Hải chia sẻ: Vụ Bắc, cá mực thường to, béo ngậy. Tàu chỉ đánh bắt trong phạm vi cách bờ 120 - 130 hải lý, bởi mùa này thời tiết thường có mưa lớn, nước từ sông ngòi chảy ra biển mang theo phù du nên các cá loại bơi ngược dòng nước để tìm kiếm nguồn thức ăn. Trong chuyến biển đầu tiên của vụ cá Bắc, tàu của ông Hải đã đánh bắt được 1,5 tạ mực khô, 1 tấn cá ù, cá ngừ. Bình quân 1 kg mực khô có giá bán 900 đến 1,2 triệu đồng, tăng từ 200 - 500 nghìn đồng/ kg so với 3 tháng trước, cho thu nhập 150 triệu đồng.
Trong 11 tháng năm nay, toàn huyện đã khai thác được gần 63.000 tấn hải sản. |
Xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu có 110 phương tiện khai thác xa bờ, với tổng công suất 22.000 CV. Nghề khai thác hải sản ở Sơn Hải chiếm 60% tổng thu nhập ở địa phương. Nhờ tích cực vươn khơi bám biển, từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác của toàn xã đạt 2.300 tấn, trong đó chủ yếu là mực khô, cá hố, cá thu, cá bạc má, tôm... với tổng giá trị 170 tỷ đồng.
Nghề khai thác hải sản ở Sơn Hải chiếm 60% tổng thu nhập ở địa phương. |
Ông Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Bước vào vụ khai thác cá Bắc, để chủ động về nguồn nhân lực, xã đã vận động số lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 trở về địa phương tham gia làm nghề trên các tàu thuyền. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho ngư dân khi ra khơi phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật thủy sản. Xã tăng cường kiểm tra công tác an toàn thực phẩm của các tàu cá; đồng thời khuyến khích các chủ tàu làm hầm bảo quản lạnh bằng vật liệu PU, nhằm cấp đông sản phẩm tươi sống sau khai thác.
Cá trong vụ Bắc thường to hơn và có giá trị kinh tế cao hơn. |
Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có gần 1.200 tàu thuyền thì có 800 phương tiện khai thác xa bờ. Hiện tại, 100% tàu khai thác xa bờ của Quỳnh Lưu đều được trang bị đồng bộ máy dò cá, máy thông tin tầm xa, thiết bị quản lý lưới khi hoạt động trên biển. Trong 11 tháng năm 2021, toàn huyện đã khai thác được gần 63.000 tấn hải sản/kế hoạch 69.400 tấn. Riêng 5 tháng của vụ cá Bắc, Quỳnh Lưu phấn đấu đánh bắt được 25.000 - 30.000 tấn.
Để giúp ngư dân làm nghề an toàn và hiệu quả trên biển, huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức sắp xếp, bố trí lại lực lượng, phương tiện khai thác phù hợp với từng vùng biển. Cùng với đó, hướng dẫn ngư dân chuyển đổi từ những nghề kém hiệu quả sang nghề mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh công tác vận động hỗ trợ ngư dân xây dựng các tổ, đội hợp tác khai thác và liên kết dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.
Ngư dân Sơn Hải tu sửa lại ngư lưới cụ sau mỗi chuyến biển |
“Huyện vận dụng các mô hình khuyến nông về hỗ trợ khai thác để lắp đặt hệ thống đèn Lead cho tàu; Đồng thời cũng đề xuất với Sở NN & PTNN một dự án ứng dụng công nghệ cao về bảo quản hải sản sau khai thác bằng khí Ni tơ lỏng để Sở xem xét, quyết định đầu tư trong thời gian tới”. Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm.
Theo kinh nghiệm của ngư dân huyện Quỳnh Lưu, vào thời gian này gió Đông Bắc thổi, cá sẽ tập trung nhiều ở khu vực phía Nam. Vì vậy nhiều tàu thuyền của huyện di chuyển vào vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị... để câu mực, đánh cá. Đầu năm nay đánh bắt gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, nhưng từ khi bước vào vụ cá Bắc đầu tháng 10 âm lịch, ngư dân khai thác đạt sản lượng và giá hải sản tăng cao. Nhiều thuyền viên đạt thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng trên một chuyến đi biển./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin