Kinh tế

Sáng nay tàu Cát Linh - Hà Đông lăn bánh sau 10 năm xây dựng

07:43, 06/11/2021
Sau 10 năm khởi công xây dựng và nhiều lần lỡ hẹn sáng nay, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được vận hành.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, sau lễ bàn giao, tiếp nhận, từ 9h, Hanoi Metro tổ chức vận hành các đoàn tàu để chở người dân lên trải nghiệm toàn tuyến.

Theo phương án được duyệt, hành khách đi tàu sẽ lên tầng 2 của 12 ga trên dọc tuyến, lấy thẻ từ ở quầy vé để vận hành hệ thống kiểm soát, như mở cửa kiểm soát ra vào, cửa lên tàu, khai báo thông tin điện tử.

Hiện Hanoi Metro chuẩn bị hơn 200.000 vé 0 đồng (thẻ từ cứng) để phát cho hành khách trải nghiệm tàu trong 15 ngày đầu vận hành. Kết thúc hành trình, hành khách trả lại vé này cho đơn vị vận hành ở cửa ra.

Như vậy, từ ngày 6/11, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào chở khách sau 10 năm đầu tư, xây dựng với nhiều lần điều chỉnh tiến độ.

13 km đường sắt, 10 năm xây dựng

Theo ông Trường, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt từ 2008, bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Từ 9h00 ngày 6/11, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chở những hành khách đầu tiên.
Từ 9h00 ngày 6/11, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chở những hành khách đầu tiên.

Dự án có tổng chiều dài 13,05km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu depot tại Phú Lương – quận Hà Đông, với 13 đoàn tàu.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm. Tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác là 35km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút, khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h - 23h hàng ngày.

Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.

Tháng 10/2011, dự án chính thức được khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.

Từ tháng 12/2018, dự án thực hiện căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm. Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đến cuối tháng 12/2020, dự án mới hoàn thành công tác chạy thử liên động toàn hệ thống.

Trong thời gian chạy thử 20 ngày Tổng thầu EPC đã thực hiện vận hành hơn 5.740 chuyến tàu chạy, với tổng số hơn 70.000km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi các đơn vị tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn, các cơ quan chức năng và Hội đồng kiểm tra Nhà nước.

Theo ông Trường, là công trình trọng điểm với công nghệ mới áp dụng vào Việt Nam, nên ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án đã được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước, Bộ GTVT, các bộ ngành và các cơ quan liên quan của Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ đã kiểm tra, theo dõi và chỉ đạo sát sao.

“Các công việc xây dựng đã được thi công đầy đủ theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng và dự án đã được đơn vị đánh giá an toàn cấp chứng nhận an toàn hệ thống”, ông Trường cho hay.

Nhiều bài học quý

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông để lại nhiều bài học cho việc triển khai các dư án đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Trước hết, ông Đông đánh giá công tác chuẩn bị đầu tư của dự án chưa tốt, các cơ quan chưa lường hết nhiều vấn đề phát sinh nên phải điều chỉnh bổ sung thiết kế, hay việc chậm tiến độ. Theo tính toán ban đầu, mặt bằng của dự án sẽ hoàn thành trong năm 2015 và hoàn thành xây dựng trong năm 2017 nhưng không được như kỳ vọng.

"Những điều này khiến dự án đáng lẽ hoàn thành năm 2017, song công tác giải phóng mặt bằng chậm và thiết kế kỹ thuật thay đổi làm thời gian thực hiện dự án bị kéo dài", ông Đông nói.

Thứ nữa, tại thời điểm triển khai xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế của Việt Nam về đường sắt đô thị chưa có, mới có thông tư về khai thác. Trong khi thực hiện, khung tiêu chuẩn của dự án được áp dụng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, nước này lại dựa theo quy chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, giữa các tiêu chuẩn cũng chưa đồng bộ, phía Trung Quốc phải tiếp tục biên soạn hoàn thiện từ năm 2013 đến 2018. Việc chưa đồng bộ ngay từ đầu có thể là bài học rút ra sau này, để tránh mất nhiều thời gian.

"Tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng dựa trên hệ tiêu chuẩn của châu Âu, nhưng tùy thuộc điều kiện mỗi quốc gia có tiêu chí áp dụng khác nhau. Tuy vậy, đây cũng là bài học cho Bộ GTVT, các đô thị lớn trong việc triển khai các dự án đường sắt đô thị sau này", ông Đông cho biết.

Đặc biệt, hệ thống quy định pháp luật chưa được đồng bộ, đặc biệt với hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng) khiến các bên vừa làm phải vừa điều chỉnh. Trong tương lai, dự án giao thông phức tạp trong đô thị thì phải tách riêng dự án giải phóng mặt bằng, sau đó mới triển khai đầu tư xây lắp thì sẽ đẩy nhanh tốc độ, hiệu quả. Thêm nữa là thời gian nghiệm thu kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Giá vé đi tàu Cát Linh – Hà Đông

Dự kiến giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.

Giá vé ngày là 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng.

Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện