Muốn đón DN FDI quy mô phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Nhân lực chất lượng cao: Thiếu quá nhiều
Ngay từ đầu năm 2022, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (DN FDI của Italia) đã lên kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự để đáp ứng yêu cầu khi đơn hàng đang nhiều lên.
Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Datalogic Việt Nam, cho biết sẽ tuyển thêm khoảng 15% nhân sự ở khối sản xuất và khoảng 20 kỹ sư trong trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Theo ông Chung, nhân sự trong khối sản xuất không khó tuyển, nhưng kỹ sư cho mảng R&D không đơn giản. Người lao động có chất lượng hiện đang có nhiều lựa chọn, nên để tuyển dụng họ công ty sẽ phải có những chính sách thực sự hấp dẫn.
Tương tự, Bosch Việt Nam (DN FDI của Đức) cũng đang có nhu cầu cấp bách tuyển dụng nhân sự trong những năm tiếp theo. Cụ thể, Công ty công nghệ phần mềm toàn cầu Bosch sẽ mở chi nhánh trung tâm phần mềm mới tại Hà Nội vào tháng 2, với mục tiêu nâng đội ngũ kỹ sư phần mềm ở Việt Nam lên hơn gấp đôi vào năm 2025, đạt 6.000 người.
Ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, cho biết chế độ đãi ngộ và phúc lợi tại Bosch luôn được đặt lên hàng đầu để đảm bảo tính cạnh tranh, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho các nhân sự về mọi mặt. Công ty cũng không ngừng xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn.
“Thị trường lao động tại Việt Nam có tính cạnh tranh cao xuất phát từ nhu cầu nhân lực lớn từ các DN trong nước và FDI. Với sự đa dạng về ngành nghề hoạt động và nhu cầu phát triển nhanh trong những năm qua của Bosch tại Việt Nam, chúng tôi gặp thách thức lớn khi lực lượng nhân sự tuyển dụng trực tiếp từ thị trường chỉ đáp ứng được khoảng 60-80% về số lượng và chất lượng. Đặc biệt với mảng kỹ thuật cao (AI, Machine Learning, Big Data…), hay công nghệ ô tô, tỷ lệ này còn thấp hơn” - ông Guru Mallikarjuna chia sẻ.
Nói về thực trạng này, tại một tọa đàm cuối năm 2021, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, bày tỏ sự tiếc nuối khi kể lại câu chuyện Foxconn muốn mở rộng cơ sở 2 sản xuất máy tính bảng tại Bắc Ninh, nhưng không tìm đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nên đã chuyển sang Mỹ.
“Trong số 4,7 triệu lao động trực tiếp làm việc trong các DN FDI, có đến 980.000 người là chuyên gia nước ngoài. Còn theo điều tra về nguồn lực lao động, 80% chưa có bằng cấp chứng chỉ đào tạo, 60% các DN FDI khi được hỏi nói rằng rất khó để tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao. Và thực tế chất lượng nguồn nhân lực không phải thất bại của riêng Bắc Ninh mà của cả nước” - ông Thắng nhấn mạnh.
Giải pháp nào cho bài toán nhân lực?
Trong số 4,7 triệu lao động trực tiếp làm việc trong các DN FDI, có đến 980.000 người là chuyên gia nước ngoài. Còn theo điều tra về nguồn lực lao động, 80% chưa có bằng cấp chứng chỉ đào tạo, 60% các DN FDI khi được hỏi nói rằng rất khó để tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh các chính sách, chế độ đãi ngộ hấp dẫn để hút nhân lực, một trong những giải pháp được nhiều DN FDI lựa chọn là kết hợp cùng các cơ sở đào tạo, trường đại học để có được đội ngũ nhân sự địa phương đáp ứng đúng yêu cầu.
Thí dụ, Bosch phối hợp với Trường Cao đẳng LILAMA2 cung cấp chương trình học nghề kỹ thuật công nghiệp (chương trình TGA) theo tiêu chuẩn của Đức, nơi học viên vừa học vừa làm với sự tài trợ từ Bosch. Các học viên sẽ được học và thực hành trong môi trường chuyên nghiệp, đảm bảo phát triển đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm (tiếng Anh, làm việc nhóm).
Họ cũng nhận được trợ cấp hàng tháng và hưởng chế độ như nhân viên trẻ tại Bosch, đồng thời được đảm bảo nghề nghiệp tại Bosch sau khi tốt nghiệp.
Bosch Việt Nam cũng hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong nước tổ chức các cuộc thi, chương trình đào tạo nhằm phát triển năng lực về công nghệ ô tô, internet vạn vật, AI… trong sinh viên và doanh nhân trẻ.
Không chỉ DN, các địa phương cũng đang rốt ráo chuẩn bị nguồn nhân lực để thu hút vốn FDI. Như tỉnh Nghệ An ngay từ đầu năm 2022 đã lên kế hoạch thu hút nguồn nhân lực chất lượng.
Ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Đông A Solutions, một trong những người được mời xây dựng dự án phát triển nguồn nhân lực cho Nghệ An, cho biết đặt hàng của lãnh đạo tỉnh là làm sao duy trì, phát triển lực lượng lao động địa phương, đồng thời thu hút lao động Nghệ An trở lại quê hương.
Theo ông Việt, sự chuẩn bị của các địa phương là cần thiết, nhưng chúng ta cần có mô hình phát triển nguồn nhân lực cho cả xã hội. “Nhân lực không chỉ là vấn đề của DN FDI mà tại DN nội cũng đang rất nóng” - ông Trần Bằng Việt cho biết.
Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định vấn đề nhân sự thời gian tới sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt, ngược lại còn nóng hơn vì nhu cầu của các DN đang ngày một tăng. Số lượng nhân sự thiếu, chất lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu đẩy nhiều DN vào thế khó.
Có DN đã phải thừa nhận rằng trong thị trường có quá nhiều cơ hội việc làm, nhân sự Việt cũng thường xuyên thay đổi công việc, dẫn đến sự thiếu ổn định trong tổ chức và gia tăng chi phí tuyển dụng.
Một vài khảo sát cũng chỉ ra rằng hiện chi phí cho quản lý cấp trung ở Việt Nam đang khá cao so với mặt bằng chung của một số quốc gia, trong khi chất lượng lại chưa được như kỳ vọng. Điều này có thể khiến chúng ta mất lợi thế cạnh tranh.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt: “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chiến lược thể hiện rõ quan điểm, phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hy vọng chiến lược này sẽ góp phần giải bài toán nhân lực đang rất nóng hiện nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin