Ngay từ sau Tết Nguyên đán, tại Nghệ An liên tục rét đậm, rét hại kéo dài, rau màu, vật nuôi sinh trưởng kém, chi phí sản xuất tăng khiến các loại thực phẩm, rau xanh tăng giá vùn vụt.
Theo lý giải của các hộ kinh doanh, một trong những nguyên nhân đẩy giá rau củ tăng là do thời tiết bất lợi, mưa rét kéo dài gây khó khăn cho việc sản xuất. Hiện nay, nguồn cung rau củ tại các vùng chuyên canh tại các địa phương giảm đáng kể.
Hiện các loại rau xanh ở chợ truyền thống tại Nghệ An đều tăng giá, có loại tăng gấp đôi, gấp 3 thậm chí gấp 4-5 lần so với trước. |
Tại cửa hàng thực phẩm ở đường Lê Hồng Phong (TP. Vinh), chị Nguyễn Hương Giang cũng cho biết, giá các loại rau xanh tại chợ đầu mối đã tăng lên 4-5 lần. Các loại rau, củ cũng tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.
"Sáng nay, tôi lấy rau gia vị mà thấy hoảng với mức tăng giá 4-5 lần, Ví như húng quế từ 20.000 đồng tăng lên 100.000 đồng/kg, loại ngon; Hành, thì là, rau mùi 200.000 đồng/kg. Tuần trước cà chua, cà rốt chỉ 13.000 đồng/kg nay tăng lên 25.000 đồng/kg”.
Khảo sát của PV tại một số chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, các loại rau xanh tăng giá rất mạnh và không dồi dào do rét đậm, rét hại khiến rau tăng trưởng kém.
Cụ thể, giá rau cải các loại hiện 8.000 - 10.000 đồng/bó (tăng gấp đôi); rau cải cúc 5.000 đồng/bó (tăng gấp 3); khoai tây, cà rốt 18.000 – 20.000 đồng/kg (tăng gấp rưỡi); súp lơ 20.000/bông (tăng gấp đôi), cá biệt một số loại rau như rau khoai lang tăng gấp 3 lần lên 40.000 đồng/kg so với trước đó 1 tuần.
Ở các địa phương khác như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Lò...(Nghệ An) hoạt động khai thác hải sản của ngư dân cũng đình trệ, dẫn đến tình trạng khan hiếm tạm thời hải sản tươi sống ở các chợ dân sinh. |
“Giờ ăn rau đắt hơn ăn thịt. Một bó rau cải có giá 10.000 đồng/kg, đắt gấp đôi ngày thường. Một mớ rau cần cũng 20.000 đồng/kg. Riêng tiền mua rau, mỗi ngày gia đình tôi phải chi tới 50.000 đồng” – chị Hoàng Hà – Phường Vinh Tân TP. Vinh – Nghệ An chia sẻ.
So với rau xanh thì các mặt hàng như hải sản đông lạnh khá bình ổn như, cá thu 190.000 - 210.000 đồng/kg, cá chim từ 130.000-150.000đồng/kg, tôm thẻ chân trắng 150.000-180.000 đồng/ kg; mực ống có giá 180.000 – 200.000 đồng/kg.
Riêng giá hải sản tươi sống tăng cao, cụ thể như, tôm biển 400.000 đồng/kg (tăng 100.000 đồng/kg), mực 400.000 đồng/kg (trước là 300.000 đồng/kg), cá thu 300.000 – 350.000 đồng/kg (trước là 250.000 – 270.000 đồng/kg), cá bạc má 150.000 đồng/kg (trước là 100.000 đồng/kg); ghẹ xanh 600.000-700.000 đồng/kg (tăng 200.000 đồng/kg)…
Nguyên nhân các loại hải sản tăng giá thời gian gần đây được chị Thu Hà - một tiểu thương TX Cửa Lò chuyển kinh doanh tôm, cá, mực tươi… cho hay, “do tàu thuyền ít ra khơi nên nguồn hàng khá khan hiếm. Mấy hôm nay đều không có hàng tươi để bán cho khách. Từ mai phải bán hàng đông lạnh, hàng khô thay thế...”.
Nguồn cung rau khan hiếm cùng với giá cước vận chuyển tăng nên tác động lên giá rau nhập từ các tỉnh, thành khác về cũng “đội giá” theo. |
Lý giải cho việc rau xanh tăng giá cao trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Nga tiểu thương ở chợ đầu mối TP. Vinh cho biết, do mưa rét nên rau chậm phát triển, một số vùng trồng rau ở địa phương trong tỉnh giảm đáng kể. Trong khi đó, nguồn rau nhập về từ Đà Lạt hay các tỉnh phía Bắc cũng tăng do chi phí vận chuyển tăng khiến giá bán lẻ rau tại các chợ dân sinh buộc phải tăng theo.
Ông Hồ Mậu Tuấn - Giám đốc HTX Dịch vụ nông, ngư, diêm Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) cũng cho biết: “Một phần do thời tiết bất lợi, mưa rét kèm sương muối gây khó khăn trong sản xuất; phần nữa, vừa mới thu hoạch xong lứa Tết và sau Tết nên hiện bà con đang gieo trồng vụ mới, chưa có thu hoạch. Rét đậm, rét hại khiến cây rau phát triển chậm, cà chua cũng không chín và sương muối gây hại khiến rau bị dập, dễ hỏng nên lượng rau cung ứng ra thị trường giảm sút mạnh”.
Theo dự báo tại Nghệ An, rau xanh sẽ neo giá cao trong vòng ít nhất 1 tháng nữa, đến khi diện tích rau ở các vùng chuyên canh phát triển và cho thu hoạch thì giá rau sẽ “hạ nhiệt”.
Theo Sở Công Thương Nghệ An: Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, một số mặt hàng tươi sống như: thủy hải sản, rau củ có hiện tượng tăng giá. Cùng với đó giá xăng dầu trong nước ở mức cao nhất trong vòng 17 năm qua đã kéo theo chi phí khai thác, vận chuyển hàng hóa tăng theo.
Thời gian tới, Ngành Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT nắm bắt nguồn cung một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu trong tỉnh, trong đó thủy hải sản, rau củ quả nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm của người dân. Sở Công Tthương sẽ nắm bắt thông tin về diễn biến cung - cầu thị trường, giá cả, khả năng cung ứng, quá trình lưu thông hàng hóa của từng đơn vị, địa phương. Từ đó, báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh để có giải pháp kịp thời điều tiết hàng hóa thiết yếu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin