Toàn cảnh hội nghị. |
Theo kết quả cập nhật, hiện nay độ che phủ rừng của Nghệ An chiếm 58,41%, với tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh gần 962.900ha. Trong đó, diện tích có rừng tự nhiên là 789.000ha, rừng trồng 174.000ha.
Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã thực hiện xong việc rà soát số liệu 3 loại đất rừng và nhu cầu sử dụng đất, sử dụng rừng giai đoạn 2021-2030, đồng thời tổng hợp, báo cáo với cấp có thẩm quyền tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Một số công tác liên quan đến quản lý sử dụng, phát triển rừng, quản lý giống cây lâm nghiệp, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên đã được thực hiện hiệu quả, đúng quy định.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại hội nghị. |
Với yêu cầu đặt ra trong công tác lâm nghiệp năm 2022, hội nghị đã tập trung thảo luận về sự cần thiết trong việc triển khai Luật Lâm nghiệp, cũng như đưa ra các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng giá trị của rừng trồng. Cùng với đó, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc, khai thác rừng trồng đúng quy định; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác quy hoạch lâm nghiệp gắn với phân chia 3 loại rừng theo chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá cao kết quả trong công tác lâm nghiệp năm 2021, trong đó công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Hơn nữa, công tác phối hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự, chủ rừng, chính quyền các cấp trong bảo vệ, phát triển rừng ngày càng chặt chẽ, sát thực tế của các địa bàn có rừng.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. |
Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị các địa phương, chủ rừng tăng cường hơn đối với công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; Thực hiện tốt nhất các cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng để người dân được thụ hưởng quyền lợi từ các chính sách của nhà nước. Cùng với đó, chú trọng trong việc tạo sinh kế, việc làm cho người dân để giảm tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, quản lý giống cây lâm nghiệp, chế biến, bao tiêu sản phẩm cho người dân và xây dựng Chứng chỉ quản lý bảo vệ rừng bền vững.
Phó Chủ tịch UBND Hoàng Nghĩa Hiếu cũng yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương chú trọng hơn đến công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về Lâm luật; Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, chủ rừng, hộ nhận khoán trong bảo vệ rừng tại gốc; Tổ chức hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đấu tranh ngăn chặn chặt phá, săn bắn, quản lý chặt lâm sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng đúng quy định của pháp luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin