Gia đình ông Trần Văn Đường ở thôn 3 xã Thạch Sơn là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng trên sông Lam ở địa phương. Hơn 10 năm nuôi cá lồng trên sông, những chiếc lồng ban đầu chỉ được làm bằng gỗ, đến nay ông Đường đã đầu tư làm lồng sắt để sử dụng được lâu dài. Hiện ông Đường có 2 lồng cá chủ yếu là cá trắm cỏ, bình quân mỗi lồng nuôi thả từ 150 - 200 con cá giống với kích cỡ từ 0,3 kg đến 0,5 kg.
Nhiều hộ nông dân ở Anh Sơn đầu tư phát triển chăn nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao |
“Ngay từ khâu chuẩn bị cá giống đã được sàng lọc kỹ, chỉ lấy những con khỏe mạnh, ít dấu hiệu bệnh tật. Cùng với chăm sóc cẩn thận, sau một năm nuôi trọng lượng mỗi con đạt từ 3- 5 kg, là có thể xuất bán được, với giá bình quân 100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm cho gia đình ông thu nhập từ 30-35 triệu đồng/lồng”, ông Đường chia sẻ.
Nói về ưu điểm của mô hình này, ông Đường cho biết thêm, nuôi cá lồng trên sông dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao. Ngoài ra, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ được nuôi ở môi trường tự nhiên, thức ăn sẵn có nên chất lượng cá của gia đình ông săn chắc, thơm thịt, dễ tiêu thụ. Người dân có nhu cầu hoặc thương lái đều đến tận lồng để mua.
Nghề chăn nuôi cá lồng của huyện Anh Sơn những năm gần đây đã mang lại thu nhập khá cho người dân. |
Toàn huyện Anh Sơn hiện có hơn 1.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 30 hộ đầu tư nuôi cá lồng trên sông và hồ đập tại các xã Đức Sơn, Thạch Sơn, Thị trấn, Tào Sơn, Tam Sơn, từ đó đã góp phần làm tăng sản lượng cá trên địa bàn trong năm 2021 đạt 1.500 tấn.
“Để giúp người nông dân tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả, Hội Nông dân huyện đã thành lập 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng tại thị trấn và 1 tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt tại xã Đức Sơn, hoạt động theo hướng liên kết sản xuất từ khâu chọn giống, đến chăm sóc, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra còn hỗ trợ người dân kinh phí làm lồng nuôi theo cơ chế phân vùng”, ông Nguyễn Đăng Khoa, chủ tịch hội nông dân huyện Anh Sơn cho biết thêm.
Toàn huyện Anh Sơn hiện có hơn 1.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 30 hộ đầu tư nuôi cá lồng trên sông và hồ đập. |
Nghề chăn nuôi cá lồng của huyện Anh Sơn những năm gần đây đã mang lại thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm mùa mưa lũ và mùa khô, thời tiết rất thất thường, mực nước không ổn định. Theo khuyến cáo của các ngành chức năng người dân không đặt lồng cá ở khu vực gần đầu nguồn nước; chủ động nắm tình hình thời tiết để di chuyển lồng cá kịp thời; phối hợp với các cơ quan chuyên môn rà soát các địa điểm có mực nước ổn định để bà con đặt lồng cá; hướng dẫn điều chỉnh mật độ nuôi và lựa chọn giống cá nuôi phù hợp theo mùa vụ; thường xuyên xử lý lồng bè, phòng, chống dịch bệnh cho đàn cá nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin