Để có được 3 sào lúa xuân xanh tốt, bà Hoàng Thị Khương – Xóm 6 xã Diễn Lộc đã phải đổ rất nhiều công sức trên đồng ruộng. Không chỉ túc trực trên đồng để đuổi chuột, bà còn mua hàng trăm m nilon vây kín toàn bộ hơn 1500 m2 ruộng. Xung quanh bờ ruộng bà tìm được hàng chục hang chuột và trực tiếp bỏ thuốc ở cửa hang. Cùng với đó, nắm bắt được mùa ốc bươu vàng đang mùa sinh sản, bà Khương thu gom trứng và bắt ốc hàng ngày.
Bà Hoàng Thị Khương bắt ốc bươu vàng trên đồng ruộng |
Bà Khương chia sẻ: "Năm nay việc phòng trừ chuột, ốc bươu vàng phát sinh rất mạnh trên đồng ruộng nên việc phòng trừ rất vất vả. Ngày nào cũng phải ra để kiếm soát coi chuột có cắn phá chỗ nào để tìm cách diệt nó. Còn ốc bươu thì cũng huy động cả nhà bắt được cả chục kg rồi. Nhờ tích cực nên ruộng lúa đang thời kỳ đẻ nhánh cơ bản được an toàn".
Các ruộng lúa đều được bà con vây nilon để phòng chống chuột. |
Cùng với sự nỗ lực của những nông dân thì đợt này, ngành nông nghiệp từ huyện đến cơ sở đã có cách làm sáng tạo để bảo vệ lúa xuân. Với nguồn phân bổ của Sở Nông nghiệp hơn 11,6 tấn thuốc diệt chuột về tận 35 xã. Lần này thuốc không phát trực tiếp cho từng hộ dân mà giao về HTX, huy động hàng ngàn người gồm lực lượng tổ thủy nông, tổ bảo vệ thực vật, tổ sản xuất khảo sát những địa điểm chuột gây hại mạnh để bỏ thuốc đồng loạt cùng thời điểm ở tất cả các địa phương. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đánh giá tính hiệu quả của đợt ra quân để có biện pháp tăng cường.
Ốc bươu vàng với mật độ trung bình từ 3 – 5 con trưởng thành/m2. |
Ông Phạm Đình Thái – Đội trưởng Đội Sản xuất Thôn 2 xã Diễn Kỷ cho biết: "Bước vào gieo cấy sau tết Nguyên đán nên 116 ha lúa xuân của Diễn Kỷ đang thời kỳ đẻ nhánh. Tuy nhiên tình trạng cắn phá trên đồng ruộng diễn ra phổ biến khiến cho bà con nông dân vô cùng lo lắng. Cùng với dặm tỉa diện tích bị mất, HTX cũng phát động bà con dùng các biện pháp như đặt bẫy, đào bắt thủ công, tiếp đến bỏ thuốc đồng loạt. Chúng tôi đặt thuốc ở cửa hang, đường đi của chuột hoặc nơi chuột hay cắn phá để bỏ thuốc. Sau đó 2-4 ngày là kiểm tra lại nến chuột ăn hết là bổ sung lượng thuốc cho đến khi chuột không ăn nữa thì thôi. Trong trường hợp đất bị ấm ướt, mưa phùn thì phải lót nilon hoặc rải trấu trước khi đặt thuốc và phủ trấu lên trên để tránh mưa ẩm làm giảm chất lượng thuốc. Qua kiểm tra thuốc bỏ tại các bờ vùng bờ thửa thì chuột ăn tương đối nhiều và chết trong hang nên diện tích lúa bị căn hại đã giảm đáng kể, hiện lúa đang phát triển tốt".
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện kiểm tra tình hình diệt chuột trên đồng ruộng. |
Theo điều tra của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, hơn 9000 ha lúa xuân năm nay chịu ảnh hưởng nặng của nạn chuột và ốc bươu vàng. Ốc bươu vàng với mật độ trung bình từ 3 – 5 con trưởng thành/m2. Riêng ốc con, mật độ tương đối nhiều, tại một số điểm hơn 20 con/m2. Tỷ lệ chuột gây hại trung bình từ 2 - 3% số dảnh. Trước nguy cơ mất mùa do chuột và ốc bươu vàng phá hoại, UBND các huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia diệt chuột bảo vệ sản xuất theo 04 phương châm: “Diệt chuột sớm, ngay từ đầu vụ”, “Diệt chuột thường xuyên, liên tục”, “Diệt chuột bằng nhiều biện pháp” và “Cộng đồng cùng tham gia diệt chuột”. Đồng thời trong giai đoạn ốc trẻ trứng đồng loạt tiến hành thu gom, khuyến khích thu mua ốc, đuôi chuột cho nông dân…
"Qua hơn 2 tuần triển khai đồng bộ, quyết liệt diệt chuột, ốc bươu vàng, lúa xuân ở Diễn Châu cơ bản được bảo vệ, phát triển tốt. Tuy nhiên việc phòng trừ vẫn được Diễn Châu triển khai thêm 2 đợt nữa để đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời chủ động phòng trừ các đối tượng bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu và rầy lưng trắng" - Chị Phạm Thị Điệp, Trưởng bộ phận Trồng trọt BVTV – Trung tâm Dịch vụ NN huyện Diễn Châu trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin