Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại hội trường Quốc hội sáng 1-6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cho biết, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để bảo đảm vận hành thị trường xăng, dầu theo cơ chế thị trường. Bởi thực tế, đây là quỹ ngoài ngân sách, được hình thành từ tiền trích trên mỗi lít xăng, dầu người dân mua.
Hiểu một cách đơn giản, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu tại Việt Nam là hình thức người dân nộp tiền trước để được bình ổn giá cho mình. Chẳng hạn, khi giá xăng, dầu xuống thấp, đáng lẽ giá bán là 10 đồng thì người dân phải mua 13 đồng do 3 đồng được trích vào Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Ngược lại, khi giá xăng, dầu tăng cao thì sử dụng 3 đồng từ quỹ này để giảm giá bán lẻ, song thực tế vẫn là lấy tiền của dân. Như vậy có thể hiểu, giá xăng, dầu tăng hay giảm không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến thị trường mà phụ thuộc một phần vào ý chí của nhà điều hành. Đây cũng là cách để góp phần giúp cơ quan điều hành bình ổn giá cả hàng hóa, duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô.
Một điểm kinh doanh xăng dầu |
Ở chiều ngược lại, trước đó, thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu bởi quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng, dầu trong nước. Đây là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính. Đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) phân tích, trong điều kiện hiện nay, khi thị trường xăng, dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật của thị trường, có sự điều hành của Nhà nước thông qua giá cơ sở; cùng với đó, lượng dự trữ xăng, dầu của Việt Nam còn mỏng thì việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là cần thiết. Đây sẽ là công cụ nhằm thực hiện tốt vai trò điều hòa, góp phần giảm biên độ biến động giá... từ đó giảm những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Giai đoạn vừa qua, khi giá xăng, dầu thế giới nhiều biến động, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả, tạo bước đệm bình ổn giá và không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc. Tuy nhiên, điều chưa phù hợp hiện nay, đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý, sử dụng theo điều hành của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này dẫn tới sự thiếu minh bạch trong quản lý quỹ. Theo đó, để vận hành quỹ minh bạch, có ý kiến đề nghị quỹ này giao Bộ Tài chính quản lý. Về dài hạn, đề nghị Chính phủ có lộ trình để sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin