Sau tuyên bố cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới tăng liên tục trong hai tuần qua. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tính đến ngày 10.8, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng so tuần trước đó. Cụ thể, giá gạo 5% tấm Việt Nam xuất khẩu tăng 20 USD/tấn, lên mức 638 USD/tấn; gạo Thái Lan 5% tấm tăng 10 USD/tấn, lên 651 USD/tấn. Đối với gạo 25% tấm, giá xuất khẩu của nước ta cũng đã tăng 20 USD/tấn, lên 618 USD/tấn. Như vậy, trong 1 tháng trở lại đây, giá gạo xuất khẩu đã liên tục tăng lập kỷ lục so với các đối thủ cạnh tranh.
Giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới tăng liên tục trong hai tuần qua - Ảnh: IT |
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhìn nhận việc Ấn Độ, nhà cung cấp tới 40% sản lượng cho toàn thế giới, cấm xuất khẩu đã khiến lo ngại mất an ninh lương thực ngày càng trở nên sâu sắc. Tình thế này buộc các nước nhập khẩu đẩy mạnh tích trữ. Giá gạo do đó càng được đẩy lên mức cao và thậm chí vẫn còn dư địa tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm nay.
Bộ Công Thương ước tính, đến hết tháng 7.2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, biến động giá gạo xuất khẩu đang tác động tới giá lúa, gạo tiêu dùng trong nước. Cụ thể, từ ngày 20.7 đến 3.8, giá lúa trung bình tại ruộng tăng 518 đồng/kg, lên mức 7.214 đồng/kg; lúa tại kho tăng gần 700 đồng/kg, đạt 8.729 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh 2.101 đồng/kg, lên 13.638 đồng/kg; gạo 5% tấm cũng vọt lên mức 13.650 đồng/kg, tăng 2.100 đồng/kg; gạo 15% và 25% tấm lần lượt đạt mức 13.350 đồng/kg và 13.075 đồng/kg, tăng 2.042 đồng/kg và 2.009 đồng/kg.
Từ nay đến cuối năm, giới chuyên gia dự báo các doanh nghiệp vẫn có nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu cả về lượng lẫn giá. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố sản lượng gạo thế giới năm 2023/2024 dự báo đạt 520,8 triệu tấn, tăng 8 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượng tiêu thụ trên toàn cầu năm 2023/2024 dự kiết đạt mức kỷ lục 523,9 triệu tấn, cao hơn 2,5 triệu tấn so với năm 2022, vượt sản lượng gạo dự kiến 3,1 triệu tấn. Thương mại toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 56,3 triệu tấn, tăng hơn 1% so với năm trước.
Nhu cầu lúa gạo toàn cầu tăng, nhưng lượng gạo tồn kho năm 2023/2024 được USDA dự báo đạt 170,4 triệu tấn, thấp hơn 1,8% so với năm trước và là mức tồn cuối vụ thấp nhất kể từ niên vụ 2017/2018 do nhiều quốc gia tăng xuất khẩu đặc biệt tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia...
Ngay khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, các quốc gia như: Indonesia, Philippines..., vốn phụ thuộc đáng kể vào nguồn gạo nhập khẩu cho biết sẽ tăng cường tìm kiếm nguồn cung gạo từ Việt Nam để bổ sung cho nguồn hàng dự trữ trong nước.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, thiếu hụt nguồn cung do tác động từ Lệnh cấm xuất khẩu gạo, lạm phát tiếp diễn, biến đổi khí hậu El Nino,... sẽ là những yếu tố tác động lên hoạt động xuất khẩu gạo của những tháng cuối năm 2023.
Trong tổng số lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu năm 2023 là 7,5 triệu tấn, theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau khi trừ đi phần đã bán, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu 5 tháng còn lại trong năm 2023 là khoảng 2,66-2,67 triệu tấn.
Trước bối cảnh trên, ông Trần Duy Đông khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có những định hướng điều hành xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm 2023.
Về kế hoạch an ninh lương thực năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, tổng diện tích lúa cả nước năm nay khoảng 7,1 triệu ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng hơn 452.000 tấn so với 2022. Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và yêu cầu xuất khẩu.
Nguồn cung giảm, khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, song theo Bộ trưởng Hoan, đảm bảo an ninh lương thực không chỉ là đủ lượng lúa gạo, còn gồm các sản phẩm lương thực, thực phẩm (thịt cá, rau quả, cây lương thực khác).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin