Năm nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do môi trường, dịch bệnh, rét đậm kéo dài tôm nuôi chậm lớn. Song, xác định đây cũng là cũng cơ hội để người nuôi tôm có lãi, bởi nhu cầu thị trường tăng, giá bán cao nên bà con nuôi tôm Diễn Châu khắc phục khó khăn mở rộng diện tích.
Thời điểm này, trên các khu nuôi tôm thương phẩm của Diễn Trung nhiều chủ đầm tích cực chăm sóc tôm vụ đông, chờ ngày thu hoạch. Anh Hồ Hoàn Kiếm ở xóm 9 Diễn Trung đang nuôi thả 1 ha ao tôm vụ đông, cho biết: Nuôi tôm vụ đông rất khó khăn đòi hỏi kỹ thuật nuôi phải thành thạo. Tổng diện tích 2 ha nhưng anh chỉ thả nuôi 1ha còn 1 ha để làm ao lắng để đảm bảo nguồn nước nước sạch, gia đình thường xuyên có người trông coi 24/24h để theo dõi tình trạng của tôm, đồng thời cho tôm ăn đủ chất dinh dưỡng để trọng lượng lớn hơn.
Anh Hồ Hoàn Kiếm thường xuyên kiểm tra, chăm sóc cho diện tích tôm vụ đông. |
"Vụ đông thì nuôi gối, tháng chạp một vụ và ra giêng một vụ nữa. Xưa nuôi bằng tảo vi sinh nhưng nay dùng sinh học nuôi công nghệ không tảo để khống chế dịch. Năng suất tôi nuôi bình quân thì 1000m2 đạt sản lượng từ 2 tấn- 2,5 tấn" - anh Kiếm cho biết thêm.
Diễn Trung là xã có diện tích nuôi tôm nhiều nhất huyện với trên 60 hécta. Nhờ khéo léo trong chuyển đổi mùa vụ, nên Diễn Trung đã thả nuôi thành công tôm vụ đông. Để đảm bảo an toàn trong vụ nuôi, bà con chỉ thả nuôi một nửa diện tích so với vụ chính.
Ông Hồ Công Thắng- Phó chủ tịch UBND xã Diễn Trung cho biết: "Để giúp bà con chăn nuôi an toàn, trước khi bước vào vụ đông, xã tổ chức tập huấn về phương pháp nuôi, hỗ trợ bà con trong việc tìm nguồn giống, xử lý ao đầm, phòng chống dịch bệnh. Giá tôm vụ đông ổn định,mang lại thu nhập cao nên bà con Diễn Trung rất thích nuôi tôm vụ đông".
Mô hình nuôi tôm bể nổi trong vụ đông ở xã Diễn Kim |
Bắt đầu từ năm 2018, anh Nguyễn Văn Hòa, xóm Xuân Châu, xã Diễn Kim thuê hơn 3 ha đất cát ven biển xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với hệ thống ao nuôi, ao ươm, ao xử lý nước đều được bê tông hóa bờ, đáy. Ao nuôi được làm mái che hình chóp nón, sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni lông che phủ. Áp dụng công nghệ mới giúp ao nuôi chống rét, giữ ấm về mùa đông và chống nắng vào mùa hè, nhiệt độ ao luôn đảm bảo cho con nuôi sinh trưởng, phát triển. Do vậy ngoài sản xuất 2 vụ chính như các hộ nuôi quảng canh khác, anh Hòa còn sản xuất thêm 1 vụ tôm thẻ trong vụ đông. Qua hơn 3 năm sản xuất cho thấy đây là mô hình phù hợp và cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Anh Hòa chia sẻ: “Tôi sử dụng công nghệ lắng lọc đảm bảo tiêu chuẩn nguồn nước trong suốt quá trình ươm và nuôi tôm đồng thời áp dụng công nghệ đẩy cao khí na nô để đẩy cao nhiệt độ môi trường và phủ kín ao nuôi để đảm bảo cho tôm vụ đông phát triển an toàn".
Nuôi tôm vụ đông gặp rất nhiều rủi ro do thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao cùng với bề dày kinh nghiệm của người nuôi thật chuẩn. Bên cạnh đó, thời gian nuôi tôm vụ đông kéo dài hơn các vụ khác khoảng 1,5 tháng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, huyện khuyến kích người dân đầu tư nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi trong nhà màng, bể nổi, công nghệ nuôi tôm 2, 3 giai đoạn. Vụ đông này, ngoài 10 ha ao đầm trong nhà lưới, Diễn Châu còn có khoảng 90 ha ao đầm ngoài trời được nuôi thả tôm thương phẩm. Do người dân có kinh nghiệm với nghề nuôi tôm, bà con không thả một lần, mà rải vụ, nên thường xuyên có tôm bán với giá cao hơn nhiều so với tôm vụ chính.
Tăng cường quạt nước để tạo nguồn oxi cho tôm. |
"Các mô hình nuôi tôm vụ đông đang phát huy hiệu quả rất tốt, sản lượng tương đương nhưng thu nhập cao gấp 2 lần so với sản xuất tôm vụ chính. Áp dụng công nghệ nuôi tôm vụ đông đã giúp người nuôi tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng và sẽ là hướng phát triển chính trong thời gian tới tại vùng ven biển Diễn Châu" - ông Phan Xuân Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin