Nông dân Quỳnh Lưu vào mùa thu hoạch dứa chính vụ. |
Gia đình anh Phan Văn Trung xóm 13 Tiến Thành, xã Quỳnh Thắng hiện tại có 2,5 ha dứa Cayen. Trong đó có 1,5 ha dứa được trồng xen kẽ trong vườn cây ăn quả đang bắt đầu cho thu hoạch. Anh Trung cho biết: Trong quá trình hơn 1 năm trồng dứa, nhờ lượng mưa phù hợp, nhất là từ lúc cho quả đến khi dứa chín thời tiết phần lớn mát mẻ, ít nắng nên quả không bị cháy sém. Hơn nữa, với việc chăm sóc tốt, bón phân cân đối nên cây dứa cho quả to, mắt rạn, đều và đẹp, mọng nước, đồng thời, trọng lượng quả đạt theo yêu cầu, từ 0,5 – 1,2 kg/ quả.
Với 1.5 ha dứa trồng xen anh Trung sẽ thu hoạch kéo dài từ nay cho đến hết tháng 5. Dự kiến sau hái quả trong 4 trà, tổng sản lượng đạt 40 tấn, hiện tại anh Trung bán với giá là 4.000 đồng/ kg.
Theo nhận định của anh Trung, mặc dù có ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nhưng dứa thời điểm này rất dễ bán, dễ tiêu thụ. Bên cạnh đó, với lợi thế đầu tư đầy đủ các loại phương tiện, máy móc nông nghiệp vào tận ruộng, vì vậy khi thu hoạch gia đình anh không phải bốc vác nên đã giảm được sức lao động và rút ngắn thời gian thu quả.
Đối với gia đình anh Nguyễn Công Thắng ở đội 1, Tổng đội TNXP xã Tân Thắng, trong 20 năm nay anh đều sản xuất dứa trên diện tích 2 ha. Anh Thắng chia sẻ: Gia đình từ khi trồng đến khi thu hoạch luôn đủ 18 tháng. Bởi khi đạt thời gian này, dứa sẽ có độ già, ngọt thắm và đảm bảo chất lượng. Để dứa đủ tiêu chuẩn nhập vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch thì trong những năm qua, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân qua lá và ngừng bón phân cho cây trước thu hoạch 6 tháng. Nhờ cách chăm bón khoa học nên sản lượng đạt từ 30 – 35 tấn/ ha. Với việc sản xuất sạch nên từ đầu năm đến nay, gia đình thường bán cho các cửa hàng với giá từ 8.000 – 10.000 đồng/ kg, cho gia đình nguồn thu nhập tương đối cao.
90% diện tích dứa được bà con trồng giống dứa nữ hoàng (hay còn gọi là dứa Queen). |
Toàn huyện Quỳnh Lưu có 1.164 ha dứa được trồng chủ yếu ở các xã: Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu. Trong đó, riêng xã Tân Thắng có đến 873 ha. Ở địa phương này, 90% diện tích được người dân trồng chủ yếu giống dứa nữ hoàng hay còn gọi là dứa Queen, 7% dứa cayen và 3% còn lại là dứa siêu ngọt – giống của Mỹ. Trong tổng diện tích của Tân Thắng có 310 ha dứa vụ 2, nghĩa là sau khi người dân thu hoạch dứa vụ 1 thì để lưu gốc lại chăm sóc. Một gốc có thể nảy từ 4 – 5 chồi nhưng người dân chỉ chọn 1 chồi khỏe nhất để lại cho ra quả. Cách làm này tuy sản lượng không đạt cao bằng những diện tích trồng mới nhưng bù lại giảm được rất nhiều chi phí đầu tư. Tại địa phương này còn có 70 ha người dân trồng dứa phủ ni lông nên giữ được độ ẩm trong đất, đỡ cỏ và nhất là khi bón phân dễ dồn vào gốc hơn, giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt, sinh trưởng, phát triển nhanh.
Vụ dứa năm nay, đa phần diện tích cho quả to đều, năng suất bình quân đạt 37 – 38 tấn/ ha. Đến tại thời điểm này Tân Thắng đã có 160 ha đã hoàn thành việc thu hái quả, với giá bán đầu năm cao nhất là 9.000 đồng/ kg, hiện tại duy trì ở mức 3.800 – 4.000 đồng/ kg. Theo tính toán của địa phương chỉ cần duy trì tốt ở mức 4 .000 đồng/ kg đến cuối vụ thì sau khi trừ tất cả các khoản chi phí cho người dân thu lãi từ 70 – 80 triệu đồng/ ha.
Nhờ minh bạch hóa các đầu mối tiêu thụ nên đã hạn chế tối đa các thương lái đầu cơ ép giá. |
Điều đặc biệt nếu như trước đây có đến 90% sản lượng dứa của địa phương chủ yếu tiêu thụ ra phía Bắc thì nay xã đã mở rộng được thị trường tiêu thụ nên có từ 20 – 30% dứa được bán vào các tỉnh phía Nam. Nhờ đó, lượng sản phẩm tồn đọng được hạn chế, thuận lợi hơn rất nhiều cho người trồng dứa.
Ông Phan Văn Tuấn – Cán bộ nông nghiệp xã Tân Thắng cho biết: Để đồng hành, hỗ trợ cùng bà con trồng dứa, hai năm nay, địa phương đã minh bạch hóa các đầu mối tiêu thụ. Bằng cách là mở hội nghị, mời tất cả các thương lái đến làm việc và ký cam kết không được đầu cơ ép giá; Đồng thời, thông báo giá cả thường xuyên trên hệ thống truyền thanh cho toàn dân được biết. Vì vậy, hiện nay các thương lái muốn mua hàng đều đặt trước với các gia đình. Việc làm này vừa kích thích được giá, vừa giúp nhân dân yên tâm hơn vì đã có đầu ra ổn định.
Thời gian gần đây, bà con nông dân trồng dứa ở các địa phương trên địa bàn huyện đã chú trọng việc sản xuất theo phương pháp rãi vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc ra hoa và đậu quả phù hợp với từng thời điểm, hạn chế dứa chín tập trung cùng một thời điểm nên đã kéo dài được thời gian thu hoạch. Qua đó, đã giảm bớt được tình trạng được mùa rớt giá và ngược lại./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin