Khi chưa có dịch bệnh tả lợn Châu Phi, trang trại nuôi chăn nuôi của gia đình anh Lê Khắc Cống ở xóm Lung Thượng, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn có thời điểm lên đến 500 con. Do diễn biến của dịch bệnh, một thời gian dài trang trại ngừng chăn nuôi. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên thị trường, đến nay anh Cống mới tái đàn trở lại trên cơ sở gây được đàn lợn giống tại chỗ, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nguồn giống đầu vào. Theo khuyến cáo của thú y cơ sở, anh chỉ mới bước đầu tái đàn với tổng đàn lợn là 50 con, trong đó có 5 lợn nái. Anh Cống chia sẻ: Đàn lợn nái đẻ ra đến đâu, gia đình tái đàn đến đấy, không nhập thêm giống ở ngoài vào, đề phòng dịch bệnh tái phát, đảm bảo an toàn cho đàn lợn.
Nông dân Nghĩa Đàn đầu tư nuôi lợn nái để tái đàn. |
Sau dịch, thiệt hại đối với các hộ chăn nuôi là rất lớn, vì vậy, việc tái đàn lợn được các hộ chăn nuôi ở Nghĩa Đàn thực hiện cẩn trọng, chủ yếu được thực hiện ở những trang trại lớn hay những hộ nuôi có hệ thống chuồng trại khép kín, bảo đảm an toàn sinh học. Trong đó, nguồn giống phục vụ tái đàn hầu hết được các hộ sử dụng tại chỗ nhờ giữ lại được đàn nái qua đợt dịch tả châu Phi vừa qua.
Trang trại nuôi lợn của anh Lê Khắc Cống ở xã Nghĩa Lợi. |
Để triển khai công tác tái đàn lợn trên địa bàn, thời gian qua, xã Nghĩa Hưng đã thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng, chống dịch; Chỉ đạo Ban nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện tái đàn lợn và đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi.
Nông dân Nghĩa Hưng tái đàn sau dịch. |
Trao đổi với phóng viên, chị Hà Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng cho biết: Để từng bước giúp bà con tái đàn lợn sau ảnh hưởng của dịch bệnh, Hội nông dân xã tiếp tục tuyên truyền bà con chủ động phòng chống dịch bệnh bằng cách vệ sinh chuồng trại; chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, thức ăn và nước uống cũng phải bảo đảm chất lượng và an toàn và trong quá trình chăn nuôi thực hiện nghiêm việc ghi chép và lưu giữ nhật ký…. Việc tái đàn bà con phải tuân thủ nuôi theo hướng an toàn sinh học, đối với hộ chăn nuôi lớn nuôi thêm lợn nái sinh sản để đảm bảo con giống tại chỗ.
Tính đến thời điểm hiện nay, qua khảo sát trên thị trường, giá thịt lợn hơi vẫn đang tiếp tục giữ ở mức cao. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi của huyện Nghĩa Đàn đang sốt sắng trong việc tái đàn chăn nuôi trở lại. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn, toàn huyện sau khi thực hiện tiêu hủy số lượng lợn nhiễm, nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định, tổng số đàn lợn vượt qua dịch và tái đàn chăn nuôi mới trên địa bàn huyện đạt gần 40.000 con.
Để việc tái đàn không bị chi phối bởi thị trường cung ứng giống bên ngoài, nhiều hộ chăn nuôi huyện Nghĩa Đàn đã đầu tư nuôi lợn nái sinh sản tại chỗ theo hướng an toàn, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường. |
Hiện nay, dịch bệnh tả lợn Châu phi đã được kiểm soát nhưng để tái đàn, tăng đàn, người chăn nuôi không được chủ quan, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như các khuyến cáo của các ngành chức năng về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
“Cùng với kiểm soát các hộ chăn nuôi bảo đảm tốt các điều kiện thực hiện tái đàn lợn, Hội nông dân huyện cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang các vật nuôi khác, duy trì sản xuất”, ông Phan Thế Phương - Chủ tịch Hội nông dân huyện khuyến cáo thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin