Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ đỏ - Cây trồng chủ lực đổi thay cuộc sống đồng bào Mông vùng biên

22:53, 30/05/2020
Một ngày cuối tháng Năm, trời nắng như đổ lửa, xe chúng tôi  lắc lư, nghiêng ngả, bò chầm chậm trên đoạn cuối con đường đất, đá lổm ngổm, đầy ổ gà và sống trâu. Hai bên đường, nắng lấp lóa, rắc từng vệt dài trên những vách núi chen chúc đầy cỏ tranh và lau lách. Sau hành trình mệt nhoài gần ba tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đặt chân đến với Tổng đội TNXP 9 nơi vùng biên viễn xa xôi của huyện Tương Dương. Dưới cái nắng hè gay gắt gần 41 độ, anh chị em công nhân trong xưởng vẫn đang tất bật với việc chế biến, thái lát củ nghệ đỏ - sản phẩm chủ lực của vùng biên Tam Hợp trong những năm gần đây.

Trong xưởng chế biến, những người công nhân đang mải miết xúc nghệ củ đổ đầy vào các bao tải để đưa sang bể rửa sạch đất trước khi thái lát. Một người đàn ông trung niên lưng áo ướt đẫm mồ hôi, lấm lem bởi màu vàng của nghệ, dáng vẻ nhanh nhẹn, tay thoăn thoắt bê từng xô nghệ củ đổ vào máy rửa nghệ tươi.

Anh Vương Trung Úy – Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 9 tham gia sản xuất cùng với các công nhân tại xưởng chế biến.

Nếu không được giới thiệu, tôi không hề biết đó chính là anh Vương Trung Úy – Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 9. Bằng giọng nói trầm ấm, dễ mến, anh chia sẻ: Nếu như các năm trước, thời điểm này đơn vị chúng tôi đã chế biến tinh bột nghệ và xuất bán các sản phẩm củ nghệ thô ra thị trường đã được 1 tháng, thì năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid, nên việc tiêu thụ sản phẩm củ thô có chậm hơn, phần lớn hàng hóa thu mua được đơn vị chế biến tại chỗ. Tuy nhiên, năm nay, đồng bào ở 2 bản Mông Huồi Sơn và Phá Lõm lại vui hơn, phấn khởi hơn bởi giá bán sản phẩm cao hơn thị trường và cao hơn các năm trước. Cứ mỗi kg nghệ tươi, đơn vị chúng tôi thu mua tại rẫy với giá 4.500 đồng, cao hơn 500 đồng/kg so với năm 2019. Anh lý giải: năm 2019, Tổng đội thu mua 600 tấn nghệ tươi, đơn vị chỉ chế biến tinh bột nghệ 200 tấn. Còn lại 400 tấn xuất bán sản phẩm nghệ củ thô về xuôi. Theo đó, cứ 1 tấn nếu vận chuyển sẽ mất tới 600 ngàn đồng tiền cước. Tính ra, nếu bán 400 tấn củ nghệ mất tới 200 triệu đồng tiền vận chuyển. Thay vì vận chuyển nghệ thô vừa mất cước vừa không được giá, năm nay đơn vị mạnh dạn xây dựng thêm xưởng chế biến, thuê máy về thái lát tại chỗ thành sản phẩm rồi mới xuất bán. Như vậy, đơn vị đã lấy số chi phí vận chuyển bù giá thu mua cho bà con. Đồng thời, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. 

Quy trình chế biến tinh bột nghệ và sản phẩm nghệ thái lát.
Quy trình chế biến tinh bột nghệ và sản phẩm nghệ thái lát.

Được biết, cây nghệ đỏ được huyện Tương Dương đưa vào trồng thử nghiệm tại xã biên giới Tam Hợp từ năm 2016. Ban đầu chỉ có 25 hộ tham gia trồng, nguyên nhân là do người dân vẫn còn hoài nghi về tỷ lệ thành công của loại cây dược liệu này. Nhờ phù hợp chất đất, khí hậu, thổ nhưỡng, cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của Tổng đội TNXP 9, trong việc hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống trồng, bao tiêu sản phẩm, tìm đầu ra cho nhân dân, loại cây trồng này đã dần chiếm được lòng tin của đồng bào nơi đây. Đến nay, toàn xã đã có 184 hộ tham gia sản xuất cây nghệ đỏ, chủ yếu tại 2 bản Mông Huồi Sơn và Phá Lõm. Trong đó, bản Huồi Sơn có tới 56/58 hộ trồng, chỉ trừ 2 hộ già yếu không thể tham gia sản xuất.

Niềm vui của đồng bào Mông khi thu hoạch cây nghệ đỏ. (Tư liệu)

Với 20 ha trồng nghệ, năng suất bình quân hàng năm đạt 45 tấn/ha, dự kiến năm nay toàn xã sẽ thu hoạch được trên 800 tấn củ nghệ tươi. Tuy nhiên, năm nay do nắng hạn, nên năng suất sụt giảm chỉ còn đạt 30 tấn/ha. Đến thời điểm này, Tổng đội TNXP 9 thu mua được 425 tấn nghệ củ, đã xuất bán sản phẩm thô ra thị trường 120 tấn, số còn lại đang được đơn vị chế biến tinh bột nghệ và thái lát. Với sản lượng hơn 400 tấn như năm nay, bà con Tam Hợp cũng đã thu về khoảng 1,6-1,7 tỷ đồng. Bình quân mỗi 1ha trồng nghệ cho thu nhập 160 triệu đồng. Từ trồng nghệ, nhiều hộ gia đình ở Huồi Sơn, Phá Lõm có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như gia đình anh Vừ Tồng Lông, Xồng Bá Lỳ, Lỳ Bá Sông, Vừ Bá Cở, Xồng Bá Chùa..ở bản Huồi Sơn; gia đình anh Lầu Bá Lồng, Xồng Vả Dềnh..ở bản Phá Lõm..

Là đội viên Tổng đội TNXP 9, gắn bó từ những ngày đầu thành lập đơn vị, anh Thò Bá Chò ở bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn khoe ngoài trồng nghệ, gia đình anh còn nuôi được đàn gà đen, lợn đen..có thu nhập ổn định, cuộc sống no đủ.

Đồng bào Mông ở Tam Hợp đã biết đưa cơ giới hóa vào sản xuất, canh tác.
Đồng bào Mông ở Tam Hợp đã biết đưa cơ giới hóa vào sản xuất, canh tác.

Triển khai từ năm 2016, đến năm 2017 mô hình trồng nghệ bắt đầu cho thu hoạch. Tính đến nay, Tổng đội đã thu mua cho dân trên 1.180 tấn nghệ củ, với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng. Ngoài mô hình nghệ đỏ, dưới sự chỉ đạo của huyện, đơn vị còn xây dựng một số mô hình kinh tế khác như trồng rau sạch, cung ứng con giống bản địa như lợn đen, gà đen..để bà con thay đổi tập tục canh tác sản xuất, xóa bỏ  tư tưởng trông chờ ỷ lại chế chính sách hỗ trợ của nhà nước, tự giác vươn lên. Anh Vương Trung Úy bộc bạch: "Đồng bào Mông ở đây rất siêng năng, cần cù chịu khó nhưng về KHKT bà con chưa nắm được, do đó đơn vị phối kết hợp với chính quyền địa phương, ban nông nghiệp xã cầm tay chỉ việc. Từ đó, đã thay đổi ý thức, dần dần xóa các tập tục lạc hậu, đưa các KHKT tiến bộ vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng vật nuôi. Quá trình sản xuất, bà con đã mạnh dạn đầu tư mua các thiết bị như máy cày, máy cắt cỏ..cơ giới hóa thay thể sức lao động".

Làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ rau mới.
Làm đất chuẩn bị cho sản xuất rau màu vụ hè.

Tiếp lời anh Úy, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hợp Lương Phi Thanh phấn khởi nói: từ năm 2016 đến nay, UBND xã Tam Hợp phối hợp với Tổng đội TNXP 9 xây dựng các mô hình kinh tế, trong đó có mô hình trồng nghệ đỏ. Ban đầu do nhận thức của bà con còn hạn chế nên nhiều hộ còn dè dặt không dám tham gia. Sau khi được Tổng đội tuyên truyền vận động, cử cán bộ kỹ thuật xuống tận rẫy, cầm tay chỉ việc giúp đỡ các hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào Mông ở 2 bản Phá Lõm và Huồi Sơn lấy cây nghệ làm cây chủ lực phát triển kinh tế, đến năm 2020 diện tích cây nghệ đã tăng lên 20ha. 

“Từ mô hình này không chỉ tăng thu nhập cao cho người dân,  mà quan trọng hơn bà con đã thay đổi nhận thức, tư duy canh tác lạc hậu, mạnh dạn phát triển các mô hình có hiệu quả như nuôi bò nhốt, lợn đen, gà đen. Nhờ vậy, số hộ nghèo 2 bản Mông từ khi Tổng đội lên đây giảm 15%, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã đến năm 2020 giảm chỉ còn 36,41% so với  đầu nhiệm kỳ trước. Các hoạt động VHVN, TDTT càng ngày càng được duy trì và phát huy, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu. Đặc biệt, sau khi được Đảng ủy chính quyền, Đồn Biên phòng Tam Hợp phối hợp với Tổng đội TNXP 9 làm tốt công tác tuyên truyền vận động thì ý thức, nhận thức của người dân tại 2 bản Mông càng thay đổi, an ninh chính trị khu vực biên giới đảm bảo, không còn di dịch cư tự do trái phép” – anh Thanh cho biết thêm.

Tinh bột nghệ được cho vào lò sấy khô bằng máy điều hòa nhiệt độ.

Vừa nhanh tay đảo mẻ tinh nghệ đã được sấy khô trong lò sấy, anh Vương Trung Úy tâm sự, đơn vị chúng tôi chủ yếu hỗ trợ bà con xây dựng mô hình chứ nếu tính ra lợi nhuận chưa có. Thương lái không vào vùng này thu mua được bởi lúc nào đơn vị chúng tôi cũng đưa mức giá cao hơn. Hơn thế nữa, với màu sắc tốt, chất cucumin cao và đảm bảo sạch do bà con không sử dụng phân hóa học trong quá trình chăm bón, nên nghệ đỏ ở Tam Hợp rất được thị trường ưa chuộng. Năm nay đơn vị có vất vả hơn mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid. Mặc dù vậy, sản phẩm vẫn xuất bán đều đặn cho các đại lý trong tỉnh và toàn quốc. Đáng phấn khởi là đơn vị đã xây dựng thành công thương hiệu, mã vạch, đảm bảo ATVSTP. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng năm đơn vị đều gửi mẫu đến các trung tâm kiểm nghiệm có uy tín để kiểm tra hàm lượng Curcumin

Công nhân đưa sản phẩm ra khỏi lò sấy.

Nhờ có máy móc trang thiết bị hiện đại, đến nay công suất chế biến của đơn vị đã tăng gấp 3 lần so với trước đây, tiết kiệm được rất nhiều sức lao động cũng như chi phí trong quá trình sản xuất. Đồng thời, chất lượng sản phẩm cũng đã được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.  Đặc biệt, đơn vị đã đầu tư máy sản xuất chế biến một loại sản phẩm mới kết hợp giữa tinh nghệ và mật ong, tạo thành viên hoàn tinh nghệ mật ong rừng, góp phần làm phong phú hơn các sản phẩm từ nghệ.

Sản phẩm được đóng hộp, dán nhãn mác và bảo quản an toàn mang thương hiệu tinh bột nghệ Tương Dương.

Anh cho biết thêm: Cây nghệ đỏ rất phù hợp với khí hậu, không kén đất, lại dễ trồng, nhất là dưới tán cây ven rừng, bà con chỉ mất công làm cỏ chứ không phải đầu tư phân chăm bón. Một năm, đơn vị tổ chức 3 đợt tập huấn, lồng ghép với các cuộc họp bản, hướng dẫn kỹ thuật trước khi trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đồng thời, thành lập 1 tổ Khuyến nông, khuyến lâm, cử cán bộ xuống tận rẫy để giúp bà con thực hiện đúng quy trình trồng và chăm sóc.

"Tuy nhiên, đến nay sau 5 năm trồng, cây nghệ đỏ đã bắt đầu thoái hóa. Vì vậy, trong năm nay cùng với chương trình, chính sách của huyện, đơn vị đã hỗ trợ cho bà con mua loại giống mới là Q1,Q2 của Lâm Đồng, để tuyển chọn chuyển đổi sang trồng giống mới. Sang năm tới, đơn vị tiếp tục thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con. Tuy nhiên, khác với trước đây đó là sau khi mua sản phẩm thì đơn vị sẽ thuê công nhân tuyển chọn sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn sẽ để làm giống, còn lại sẽ chế biến, như thế mới đảm bảo nguồn giống lâu dài, không bị thoái hóa" - anh Vương Trung Úy trao đổi. 

Sản phẩm với hình thức mới được chế biến và ra đời dưới dạng tinh nghệ viên.

Chia tay Tam Hợp, chúng tôi mang theo một niềm vui khôn tả. Từ các mô hình kinh tế được xây dựng thành công đã tạo công ăn việc làm, XĐGN cho đồng bào Mông Huồi Sơn, Phá Lõm. Hơn thế nữa, đã xóa bỏ các tập tục canh tác lạc hậu, giảm tệ nạn khai thác lâm sản trái phép, săn bắn động vật hoang dã..Có được điều đó là nhờ tấm lòng những con người đầy trách nhiệm và nhiệt huyết như anh Vương Trung Úy và các đội viên TNXP, với tinh thần tình nguyện, xung kích của tuổi trẻ đã thổi đến vùng biên viễn xa xôi một luồng gió mới, đưa cuộc sống đồng bào Mông ngày càng phát triển, ổn định và bền vững. 

Hiến Chương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm