Ông Nguyễn Giang Hoài coi giống quýt này như một “báu vật” |
Quýt JeJu - "Bảo vật" ở Quỳ Hợp
Chủ trang trại quýt Nguyễn Giang Hoài thú nhận, cho đến ngày thu hoạch, ông mới hiểu được câu nói của người xưa “quýt ngọt lấp lá”. Quả quýt thường lấp trong lá để tránh nắng, mãi đến ngày chín thì mới khoe ra, vàng ươm. Giống quýt của ông Hoài quả to, thơm và ngọt thì không chê vào đâu được. Vừa bóc quýt mời khách, ông vừa nói, để có được giống quýt này, tôi như có cơ duyên trời định. Hương quýt thoang thoảng, quyện với câu chuyện về giống quýt đặc biệt, cứ y như chuyện Trạng Bùng đưa giống ngô từ Trung Hoa về Việt Nam, thật hấp dẫn.
Trong nhiều năm miệt mài đi tìm giống cây ăn quả cho vùng đất Quỳ Hợp, ông Hoài đã nhiều lần thất bại. Một lần, được gặp Giáo sư Som Săk, công tác tại Trường Đại học Nông nghiệp Thái Lan, ông đã gợi ý cho ông Hoài về giống quýt ở đảo JeJu của Hàn Quốc. Tiếc là ông không thể cho ông Hoài giống cây ấy, vì nó là “báu vật” của nhà trường. Ông cũng hứa, nếu ông Hoài tìm được mắt ghép, ông sẽ sang Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời nghiên cứu sâu thêm về thổ nhưỡng, khí hậu và các yếu tố khác của vùng Quỳ Hợp. Lời hứa của giáo sư Som Săk như đánh đố ông Hoài. Làm sao để có được giống quýt được coi là “báu vật” đó?
Ông Hoài nhớ ra có người cháu họ đang lao động ở Hàn Quốc. Một kế hoạch tỉ mỉ được ông vạch ra, và rất may mắn là người cháu đã hết lòng ủng hộ. Cậu ấy đồng ý nghỉ việc ở khu công nghiệp, đến đảo JeJu xin vào làm cho một trang trại quýt. Cứ như là cơ duyên trời định, ông bà chủ rất yêu quý người Việt nên đã hết lòng chỉ dạy cho cậu kỹ thuật chăm sóc quýt. Một ngày đẹp trời, chàng thanh niên chân thành ngỏ ý với ông bà chủ về ý định muốn mua giống quýt đem về Việt Nam, để góp phần xoá đói giảm nghèo cho bà con vùng miền Tây Nghệ An. Ông bà chủ nghe vậy thì cảm kích lắm, họ quyết định tặng cho cậu những cành quýt khoẻ nhất, đẹp nhất.
Nhưng làm sao đưa được “báu vật” về nước? Chính ông bà chủ đã bày cho cậu cách gói cành quýt vào khăn bông thấm nước để giữ ẩm. Và nhờ các nhà hàng của người Việt chuyển về nước như chuyển rau, củ… “Đúng ngày 17/7/2017, “báu vật” về đến Quỳ Hợp. Và đúng ngày Đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu ở Thường Châu - Trung Quốc, 27/2/2018, tôi chính thức trồng những gốc quýt đầu tiên tại vùng đất xã Minh Hợp. Cùng với chiến thắng của Đội tuyển U23, tôi có niềm tin mãnh liệt, giống quýt này sẽ thắng lợi ở Quỳ Hợp”, ông Hoài chưa hết mừng vui.
Ông cũng cho biết, có được mắt ghép, Giáo sư Som Săk đã gửi hạt chanh ba lá của Thái Lan để ươm thành thân chủ. Và ông đã giữ đúng lời hứa, về đây, xắn quần cùng với công nhân ghép thành công giống quýt. Giáo sư còn nghiên cứu và đánh giá chất đất, hướng dẫn chúng tôi cách cải tạo đất để phù hợp giống quýt này. Qua đó, tôi mới biết mình phải tăng độ PH cho đất, bằng cách bón thêm bột đá cho cây, mà bột đá là thứ mà ở Quỳ Hợp có thừa. Hay như trồng cây lạc dại để vừa giữ ẩm cho cây, vừa tăng vi lượng nuôi cây…
Viết tiếp ước mơ của cha…
Tôi không khỏi bất ngờ khi ông Nguyễn Giang Hoài, một chủ khai mỏ có tiếng ở Quỳ Hợp lại đi làm nông nghiệp. Tôi nói thẳng với ông: Một tháng khai thác mỏ của anh chắc sẽ bằng giá trị của 44 ha đất này canh tác cả năm. Ông nói, tôi làm nông nghiệp vì hai lí do. Một là muốn viết tiếp ước mơ của cha, hai là muốn trả nợ thiên nhiên.
Đoàn chuyên gia Nhật Bản thăm trang trại ông Hoài từ những ngày đầu ươm trồng giống quýt JeJu. |
Ông Hoài xúc động: Quê tôi ở xã Thạch Việt, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), nơi có ngã ba Giang rất đẹp. Cha tôi lên Quỳ Hợp công tác, ông làm ở Phòng Nông nghiệp huyện. Tôi là con cháu dòng họ Nguyễn Đăng, nhưng cha đặt tên là Nguyễn Giang Hoài để nhắc tôi luôn nhớ về quê hương, nơi có ngã ba Giang đã đi vào sử sách. Thuở nhỏ, tôi thường hay theo cha đi đến các bản làng, mới thấy ông say sưa với phát triển nông nghiệp. Những cánh đồng 5 tấn mà ông góp công rất lớn ra đời ngày càng nhiều. Bây giờ, ở một số xã, bà con vẫn còn goi là cánh đồng ông Tường. Mỗi lần nghe bà con gọi thế, tôi không kìm nén được xúc động. Tôi nhớ mãi, cứ mỗi lần có dịp đi công tác, cha tôi lại lôi về một số loại cây, rồi trồng, rồi chăm bẵm…
Ông nói, ông muốn tìm một số loài cây ăn quả phù hợp với vùng đất này. Tiếc là giấc mơ chưa tròn thì cha tôi đã qua đời. Từ ngày đó, tôi ấp ủ ý định chuyển hướng làm nông nghiệp, tôi cũng cháy bỏng tìm kiếm và để lại cho vùng đất này, vùng đất mà cha con tôi nặng nghĩa ân tình một số giống cây ăn quả phù hợp, để bà con không chỉ giảm nghèo mà có thể làm giàu. Thứ nữa, tôi làm công việc khai thác mỏ, dù rất cố gắng bảo vệ môi trường, nhưng vẫn là tác động đến thiên nhiên, cho nên tôi muốn làm việc gì đó để trả nợ với thiên nhiên. Và tôi nghĩ, làm nông nghiệp, trồng cây là thích hợp nhất.
Ông Hoài cho biết, sau giống quýt sẽ là một giống quất đặc biệt nữa ra đời. Giống quất này tuy rất khó ghép, khó chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế mà nó mang lại còn gấp mấy lần cây quýt. “Đất Quỳ Hợp, nhất là những vùng dưới sườn núi rất phù hợp để phát triển cây có múi. Nhất là làm nông nghiệp sạch thì rất thuận lợi vì suất đầu tư thấp”, ông Hoài cho biết.
Tôi hỏi ông có ý định nhân rộng cho bà con cùng phát triển giống cây quý này không, hay để một mình ông “quýt ngọt lấp lá”? Ông Hoài cười rõ tươi: Trong tôi luôn cháy bỏng ước mơ của cha, muốn để lại một số giống cây cho vùng đất này, vùng đất nặng nghĩa nặng tình với gia đình chúng tôi!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin