Tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Nghệ An
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp về lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam.
Nghệ An hiện có trên 1,1 triệu ha rừng, là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Mỗi năm cả tỉnh trồng mới được 17.000ha rừng nguyên liệu, do đó chế biến gỗ Nghệ An có rất nhiều cơ hội để phát triển. Nguồn nhân lực dồi dào, kỹ năng trồng rừng thâm canh và ý thức quản lý bảo vệ rừng của người dân tốt - là tiềm năng, lợi thế của lâm nghiệp Nghệ An.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi để kết nối các vùng miền. Mặc dù mỗi năm sản lượng khai thác gỗ từ 1.000.000 đến 1.500.000m3 gỗ rừng trồng nhưng ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ Nghệ An vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Tham luận của các đại biểu tại hội thảo đã tập trung vào các vấn đề: Công nghệ và thị trường gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, một số kinh nghiệm và giải pháp phát triển cụm công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Nghệ An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2025; Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ở Nghệ An: tiềm năng, thực trạng và giải pháp; Một số định hướng chính sách sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản tại Nghệ An.
Theo đó, các tham luận đã chỉ rõ Nghệ An vẫn chưa có doanh nghiệp lớn trong chế biến gỗ; Rừng Nghệ An diện tích nhiều nhưng giá trị kinh tế thấp; Trồng rừng của Nghệ An còn nặng về số lượng chưa quan tâm đến chất lượng...
Các đại biểu nhấn mạnh: Trong những năm tới, ngành chế biến gỗ của Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển. Để nắm bắt cơ hội này, tỉnh Nghệ An cần có những thay đổi trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, cần có các giải pháp nâng cao chất lượng rừng trồng; Có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút cho doanh nghiệp trong phát triển nghề chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng rừng nguyên liệu lấy gỗ lớn.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Thái Thanh Quý – Uỷ viên dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn và trân trọng tiếp thu các ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nhân.
Để ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Nghệ An phát triển tương xứng với tiềm năng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát các loại rừng một cách hợp lý vừa đảm bảo độ che phủ của rừng và phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao giá trị của kinh tế rừng thông qua việc đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác giống; Phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Đồng chí Thái Thanh Quý giao Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan hình thành cụm công nghiệp chế biến gỗ tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc; nghiên cứu, xây dựng chợ nguyên liệu gỗ, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ; Các trường đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cho chế biến gỗ.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại Nghệ An.
Thuý Vinh - Trường Ca