Câu lạc bộ dân ca, dân vũ bản Mác: Gìn giữ “hồn” dân tộc
Câu lạc bộ dân ca dân vũ bản Mác là 1 trong 25 CLB của huyện Tương Dương hiện nay đang tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đến nay câu lạc bộ dân ca dân vũ của bản Mác, xã Thạch Giám có 48 thành viên. Để câu lạc bộ hoạt động có hiệu qủa, hàng tuần, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt, tập luyện 1 lần tại nhà văn hóa cộng đồng. Trong bản, ngày ngày những giai điệu ngọt ngào của dân ca Thái vẫn vang lên đều đặn đã làm đời sống văn hoá tinh thần của bà con dân bản ngày càng được nâng lên.
Sự lớn mạnh của Câu lạc bộ dân ca dân vũ bản Mác đã làm cho phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương phát triển ngày càng sâu rộng. Hiện nay, ngoài câu lạc bộ bản Mác, thì tại 9 bản của xã Thạch Giám đều thành lập được câu lạc bộ dân ca dân vũ quy tụ rất được nhiều nghệ nhân của bản sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Nhà văn hóa cộng đồng của bản trở thành sân khấu để các thành viên câu lạc bộ biểu diễn những làn điệu dân ca, dân vũ. Qua các buổi sinh hoạt chung rồi tham gia biểu diễn văn nghệ ở các bản trong xã, tình yêu với dân ca truyền thống cứ thế dần lớn lên trong các thành viên.
"CLB đã mang lại niềm vui cho toàn bộ hội viên người cao tuổi bản Mác. Tôi tham gia vào câu lạc bộ dân ca Thái một phần vì đam mê, hơn nữa là mong giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái, làm gương cho con cháu noi theo. Mỗi khi Tết đến xuân về CLB chúng tôi thường xuyên tập luyện các tiết mục, biểu diễn đem lại niềm vui cho mọi người" - Bà Kha Thị Nhị thành viên câu lạc bộ dân ca bản Mác, xã Thạch Giám vui mừng chia sẻ.
Đến nay, sau một thời gian tập luyện, những người chưa biết được các nghệ nhân truyền dạy, các hội viên trong câu lạc bộ đều biết đánh và cảm nhận cái hay, cái đẹp của tiếng cồng, tiếng chiêng trong từng làn điệu. Các làn điệu nhuôn, xuối, lăm, khắp cũng được các nghệ nhân truyền lại những bài cổ và phát triển thêm lời mới.
"Bản mác có truyền thống bao đời nay, để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Thái của miền núi nói chung và bản Mác nói riêng, chúng tôi thành lập CLB thu hút được nhiều tầng lớp tham gia, trong đó hội viên người cao tuổi phải đi đầu trước để truyền đạt cho con cháu, từ đó giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình, phong tục tập quán, tuyên truyền các hoạt động văn hoá xã hội, phòng chống ma tuý, ATGT, giữ gìn văn hoá cồng chiêng, nhảy sạp, khắc luống luôn luôn được các thành viên CLB duy trì. Và CLB dân ca dân vũ chúng tôi đã thành lập được 6 năm nay và để duy trì được hoạt động CLB thì người cao tuổi luôn luôn gương mẫu đầu tàu, truyền đạt cho con cháu, nhất là lớp trẻ để lưu giữ đến đời sau" - bà Lương Thị Lan, Phó Chủ nhiệm CLB dân ca, dân vũ bản Mác cho biết thêm.
Tương Dương là huyện miền núi vùng cao biên giới của tỉnh Nghệ An có 6 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm tới 70%. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, đến nay, huyện Con Cuông đã thành lập nhiều Câu lạc bộ dân ca, dân vũ Thái tại nhiều bản thuộc các xã Thạch Giám, Xá Lượng…Hiện nay, với 450 thôn bản trong toàn huyện, đã thành lập được 200 câu lạc bộ, trong số 70 CLB vnă hoá văn nghệ hoạt động thường xuyên thì có 25 câu lạc bộ dân ca, dân vũ hoạt động có hiệu quả. Thực hiện Đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, huyện Tương Dương cũng đã có nhiều chính sách riêng để phát triển các câu lạc bộ dân ca dân vũ như: hỗ trợ về kinh phí hoạt động, hỗ trợ xây dựng các câu lạc bộ và hỗ trợ trong việc tổ chức các chương trình, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, phấn đấu tất cả các thôn bản đều thành lập được CLB dân ca dân vũ, dân nhạc.
"Việc sinh hoạt CLB được lồng ghép nhiều nội dung như tuyên truyền phòng chống ma tuý, phòng chống buôn bán người, buôn bán trẻ em, tái trồng cây thuốc phiện, chấp hành luật giao thông...Tuy nhiên trên thực tế địa bàn huyện Tương Dương rất rộng mà địa hình đồi núi cao, nên sinh hoạt CLB gặp rất nhiều khó khăn, mong muốn sắp tới đề nghị TƯ, tỉnh sẽ có cơ chế cho người cao tuổi hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng CLB như CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở đây có rất nhiều thành phần tham gia như thanh niên, phụ nữ, hội CCB, hội người cao tuổi..những mô hình đó đã góp rất nhiều trong công cuộc phát triển KTXH của địa phương" -Bà Lô Thị Hướng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Tương Dương.
Xuân mới đã len lỏi về với từng ngôi nhà sàn, từng thôn bản, đến với Tương Dương những ngày đầu xuân không những được thưởng lãm các cảnh quan tươi đẹp của núi rừng Tương Dương như rừng săng lẻ Tam Đình, khe Cớ, khe Kiền, lòng hồ thuỷ điện bản Vẽ... được đắm mình vào không khí truyền thống của lễ hội Đền Vạn.. mà du khách sẽ còn được thả hồn mình đắm đuối vào những làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Thái cùng các nghệ nhân... Chính từ việc bảo lưu gìn giữ những giá trị nghệ thuật, nét đẹp nhân văn của dân ca, dân vũ đã góp phần làm nên sức sống mãnh liệt, trường tồn của nền văn hoá dân tộc Thái.
Hiến Chương