Pháp luật

Hiểu sao cho đúng việc người dân được bắn pháo hoa dịp lễ, Tết

17:46, 29/11/2020
Người dân được phép sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật…, nhưng phải đảm bảo hai điều kiện nhất định.

Quy định mới tại Nghị định 137/2020 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.

Dù mới ban hành ít ngày nhưng nghị định trên đã nhận được rất nhiều ý kiến, bàn luận của xã hội. Đặc biệt, nhiều người cho rằng từ nay các dịp lễ, tết sẽ có thể thoải mái đốt pháo, không lo bị phạt như trước đây nữa.

Quan điểm trên liệu có chính xác, phải hiểu sao cho đúng quy định về sử dụng pháo hoa tại Nghị định 137/2020?

Nghị định 137 /2020 cho phép người dân được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật... (Ảnh minh họa).
Nghị định 137 /2020 cho phép người dân được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật... (Ảnh minh họa).

Phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ

Nghị định 137/2020 quy định rất rõ: pháo gồm pháo nổ và pháo hoa. Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian thì được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.

Khác biệt với pháo nổ, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Như vậy, nghị định trên chỉ cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong các dịp như đã nêu ở trên, chứ không phải tất cả các loại pháo.

Thêm vào đó, để có thể sử dụng pháo hoa, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải đảm bảo hai điều kiện nhất định. Thứ nhất, phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; thứ hai, chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Với điều kiện thứ nhất, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) giải thích người “có đầy đủ năng lực hành vi dân sự” là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Với điều kiện thứ hai, theo khoản 2, điều 14 của nghị định, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Cơ sở kinh doanh phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm các điều kiện về PCCC, phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường.

Nghị định cũng nhấn mạnh chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Pháo mà các tỉnh/TP thường bắn vào các dịp lễ, tết bấy lâu nay là pháo hoa nổ.
Pháo mà các tỉnh/TP thường bắn vào các dịp lễ, tết bấy lâu nay là pháo hoa nổ.

Nhiều người đang có sự hiểu lầm

Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, thời điểm Nghị định 137/2020 có hiệu lực (11-1-2021) khá “nhạy cảm”, bởi khi đó đúng vào dịp gần đến Tết Nguyên đán. Đây là dịp rất nhiều gia đình đều có nhu cầu đốt pháo.

Chính vì vậy, nghị định được ban hành đã tạo nên sự phấn kích của dư luận. Trên mạng xã hội, vô vàn diễn đàn chia sẻ nội dung quy định mới, kèm theo những hình ảnh minh họa về pháo (cả pháo hoa lẫn pháo nổ - PV).

Tuy nhiên, điều này sẽ rất nguy hiểm nếu người dân không hiểu đúng và phân biệt giữa pháo hoa và pháo hoa nổ.

Luật sư Tuấn Anh dẫn chiếu Nghị định 137/2020, và cho rằng những loại pháo hoa theo khái niệm quy định tại nghị định thì đã và đang được dùng phổ biến trong xã hội mà không bị cấm hay xử phạt gì.

Điển hình như những loại que khi đốt phát ra các tia sáng hay nến khi châm lửa sẽ phụt ra các loại tia sáng đủ màu sắc thường được bán kèm trong các tiệm bánh sinh nhật hoặc các loại pháo bông được sử dụng phát sáng, làm hiệu ứng trong các đám cưới hay hội nghị.

Còn pháo nổ, bao gồm cả pháo hoa nổ thì vẫn bị cấm sử dụng, trừ các trường hợp được quy định tại nghị định.

Mọi trường hợp người dân tự ý thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ  đều là trái phép, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất sự việc.

Theo luật sư Tuấn Anh, đa số những loại pháo hoa theo quan niệm của người dân (khi đốt có tiếng nổ và tạo ra hiệu ứng ánh sáng, bắn lên cao) được bán trôi nổi trên thị trường hiện nay đều là pháo hoa nổ, không có nguồn gốc, xuất xứ. Loại này vẫn bị pháp luật nghiêm cấm tự ý sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng.

Như đã phân tích về hai điều kiện để được sử dụng pháo hoa, ngoài việc có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì người dân cũng phải lựa chọn những cơ sở kinh doanh đáp ứng đầy đủ các điều kiện để mua pháo hoa.

“Nếu mua pháo hoa từ những cơ sở không được phép kinh doanh, pháo hoa không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng là không hợp pháp và có thể phải đối mặt với những rủi ro pháp lý như bị tịch thu, tiêu hủy hoặc mua nhầm phải “pháo hoa nổ”” – luật sư Tuấn Anh nhận định.

Khi nào được bắn pháo hoa nổ?

Nghị định 137/2020 cũng quy định về các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ gồm: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam; nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương  để quyết định và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bắn pháo hoa nổ theo quy định. 

 

 

Theo Pháp luật TPHCM

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện