Pháp luật

Kỳ cuối: Nỗi đau còn lại

10:33, 31/05/2021

Hàng trăm kg ma túy các loại là những tang vật “biết nói” thời gian vừa qua được các lực lượng đấu tranh, triệt phá tại nơi biên giới. Nhưng để có được kết quả đó là biết bao sự hi sinh, thậm chí đổ cả xương máu, không ít chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì sự bình yên của nhân dân. Chính vì vậy, cuộc chiến ma túy chưa bao giờ là dễ dàng, nhiều chông gai lắm khốc liệt và chưa có hồi kết. Giữa cuộc chiến “chính nghĩa” đẩy lùi “phi nghĩa” luôn để lại nỗi đau phía sau cho những người thân. 

 Máu vẫn đổ giữa thời bình

Trên tấm bảng vàng, có những chiến sỹ tuổi đời còn rất trẻ, niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Có những chiến sỹ biết mình sắp được làm cha mà không kịp nhìn mặt con lúc con chào đời, hay có người còn chưa kịp dẫn bạn gái về nhà giới thiệu với cha mẹ. Giữa thời bình nhưng máu vẫn đổ, cuộc chiến đấu với tội phạm ma túy quá ác liệt đã mang các anh đi mãi không về. Ngoài ra, hàng trăm đồng chí bị thương, bị phơi nhiễm HIV trong quá trình làm nhiệm vụ. 

Câu chuyện của Đại úy Sầm Quốc Nghĩa, cán bộ đội Hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện Quế Phong là một minh chứng cho tấm gương quả cảm, anh dũng hi sinh trong cuộc chiến đó. Sự ra đi của anh để lại nỗi buồn không bao giờ nguôi ngoai cho gia đình, bạn bè lẫn đồng đội. Những mất mát hy sinh đó không gì có thể đong đếm được là minh chứng rõ về lòng trung thành, tinh thần đấu tranh quả cảm, không khoan nhượng với tội phạm ma túy.

Các đoàn đến thắp hương tiễn đưa đồng chí Đại úy Sầm Quốc Nghĩa.

Câu chuyện bắt đầu hơn 1 năm về trước, lúc đó vào sáng chủ nhật, ngày 22/3/2020, Công an huyện Quế Phong nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về một số đối tượng người Lào tổ chức vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới vào mua bán tại khu vực rừng núi xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Trước tình hình đó, Lãnh đạo chỉ huy trực của Công an huyện Quế Phong đã nhanh chóng cử tổ công tác gồm 8 đồng chí cán bộ Đội hình sự - kinh tế - ma túy, tổ chức xác minh nguồn tin và lên phương án bắt giữ. 

Vượt hơn 40 km đường rừng núi hiểm trở, tổ công tác tiếp cận được địa bàn nghi các đối tượng sẽ thực hiện giao dịch ma tuý. Tại đây, sau khi hội ý nhanh, đồng chí Đại úy Sầm Quốc Nghĩa với lý do là người dân tộc Thái, am hiểu tiếng bản địa, lại thông thạo địa bàn, cùng với ý chí quyết tâm tấn công tội phạm nên đã xung phong nhận nhiệm vụ di chuyển vào gần hơn khu vực nghi vấn tổ chức mua bán trái phép chất ma túy để xác định các đối tượng.
 
Trong quá trình tiếp cận, đồng chí Sầm Quốc Nghĩa phát hiện 1 đối tượng mặc quần áo người Mông, mang theo túi ni lông chứa ma túy, đồng chí Nghĩa đã mưu trí đánh lạc hướng khiến cho đối tượng sơ hở, đồng thời dũng cảm nhanh chóng áp sát quật ngã, khống chế đối tượng. Trong lúc đang khống chế đối tượng này thì bất ngờ từ phía sau có 2 đối tượng từ trong rừng lao ra cầm dao chém vào phần đầu, lưng đồng chí Nghĩa. Dù bị trọng thương, nhưng với tinh thần tấn công tội phạm đến cùng, đồng chí Nghĩa vẫn tiếp tục chống trả lại các đối tượng phạm tội và truy hô đồng đội đến trợ giúp. 

Người thân, gia đình đồng chí Sầm Quốc Nghĩa nghẹn ngào trước nỗi đau thương mất mát quá lớn này.

Nghe tiếng gọi của đồng chí Nghĩa, ngay lập tức mũi công tác còn lại đã nhanh chóng có mặt để hỗ trợ truy bắt các đối tượng nhưng do địa hình hiểm trở nên các đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát vào rừng sâu. Mặc dù đã được đồng đội nhanh chóng đưa về Trung tâm y tế huyện Quế Phong cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng và bị mất quá nhiều máu nên đồng chí Sầm Quốc Nghĩa đã hy sinh lúc 10 giờ 25 phút cùng ngày. Anh ra đi, khi lời hứa hẹn với gia đình, đồng đội vẫn còn dang dở, chưa kịp chào mẹ cha luôn mong ngóng anh mỗi lúc xế chiều. Hơn hết là những tháng ngày hạnh phúc bên gia đình nhỏ thân yêu của mình với người vợ trẻ và con gái 3 tuổi đang chờ cơm hàng ngày ở nhà.

Theo lời của bố đồng chí Nghĩa: “Rạng sáng 22/3, trước khi đi làm nhiệm vụ, Nghĩa còn điện thoại về cho vợ dặn nhớ mang khẩu trang khi ra ngoài. Sau đó ông linh cảm “chuyện chẳng lành” nên nhiều lần điện thoại cho con. Sau vài cuộc mà anh không nghe máy, cuộc nói chuyện cuối cùng giữa Nghĩa và bố chỉ gói gọn trong một câu con đang đi làm nhiệm vụ. Biết công việc của con mình, ông cũng không hỏi nhiều, dù trong người rất sốt ruột. Để rồi chỉ ít tiếng sau, gia đình như chết lặng khi nhận thông tin Nghĩa đã anh dũng hy sinh”.

Đồng chí Đại úy Sầm Quốc Nghĩa sinh ra tại vùng quê nghèo xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có hai chị em. Bố mẹ Nghĩa là nông dân quanh năm bươn chải trên đồng ruộng với hi vọng con cái được ăn học đàng hoàng. Thương cha mẹ vất vả, Nghĩa và người chị gái chăm chỉ học tập và luôn là học sinh giỏi của trường. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Sầm Quốc Nghĩa tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân 02 năm sau đó chuyển chuyên nghiệp và đi học nâng cao trình độ nghiệp vụ. Tốt nghiệp ra trường năm 2015, Nghĩa được điều động về công tác tại Công an huyện Quế Phong, là cán bộ Đội Hình sự, Kinh tế, Ma túy Công an huyện từ đó đến nay. 

Nỗi lòng của cha mẹ có con là tội phạm

Ngày xét xử hai đứa con trai vì tội buôn bán “hàng trắng”, vợ chồng ông Và Bá Và dậy rất sớm để bắt chuyến xe khách xuống TP Vinh. Với khuôn mặt khắc khổ, hai ông bà ngồi lặng lẽ dự khán với nhiều tâm trạng lo lắng, hồi hộp. Hôm đầu hai đứa bị bắt, ông bà còn giấu hàng xóm láng giềng, bảo rằng bọn chúng đi làm ăn xa điều kiện không có nên chưa về nhà được... Ông Và kể, “Từ ngày Lồng và Xâu vướng vòng lao lý, gia đình khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Hai ông bà phải tần tảo dựa vào nhau mà sống, trong khi tuổi già sức cũng có hạn. Hôm nào khỏe thì sáng sớm hai ông bà lại ra sông mò cá, lúc rảnh rỗi thì lên rừng đốn củi đến tận trưa mới về. Một ngày chỉ bán được mấy chục nghìn đồng, rồi trồng rau nuôi con gà, bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Tuổi già, sức yếu, hai ông bà chỉ làm được có vậy. Từ lúc hai đứa bị bắt vào tù chưa một lần xuống thăm chúng nó vì điều kiện nhà xa, sức khỏe không cho phép”.

Vợ chồng ông Và với nỗi đau vô tận khi hai đứa con sa chân vào “cái chết trắng”.

Lồng là con thứ 4 và  Xâu là con thứ 8 trong gia đình có đến 9 anh chị em. Đông con, cuộc sống khó khăn nhưng vợ chồng ông Và vẫn cố gắng cho các con ăn học. Cả Lồng và Xâu đều học hết chương trình phổ thông. Khi các con đến tuổi trưởng thành, vợ chồng ông Và lại chuẩn bị bò, gà để hỏi vợ cho cả hai. Con cái đã yên bề gia thất, tưởng chừng vợ chồng ông có thể bớt đi nỗi lo, gánh nặng thì gia đình Xâu lại gặp chuyện buồn. 

Năm 2018, vợ con của Xâu không may gặp tai nạn giao thông, tử vong. Hiểu nỗi đau lớn mà con trai phải chịu, ông Và luôn động viên Xâu. Hơn 2 năm trôi qua, nỗi đau của Xâu dần nguôi ngoai thì ông Và mới có chút yên lòng. Nhưng không lâu sau, vợ chồng ông nhận được hung tin hai đứa con trai của mình đã bị bắt vì buôn một khối lượng lớn hồng phiến. Thông tin ấy khiến vợ chồng ông Và bất ngờ, đau đớn hơn. 

Hai anh em Và Bá Xâu Và Bá Lồng bị bắt cùng số tang vật trước đó.

Sự việc bắt nguồn vào ngày 11/10/2020, hai anh em Và Bá Lồng (29 tuổi) và Và Bá Xâu (25 tuổi) cùng trú xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An xuống TP Vinh gặp người đàn ông tên Tùng để bàn bạc việc mua bán hồng phiến. Sau khi có “hàng” Tùng đặt mua 10 tấm hồng phiến (mỗi tấm chứa 30 gói) với giá 700 triệu đồng. Để có ma túy bán cho khách, hôm sau, Lồng đi lên khu vực giáp biên giới Lào tìm mua nhưng không được. Thấy anh trai không mua được “hàng” nên Xâu tìm mối khác, đặt mua 4 tấm hồng phiến với giá 92 triệu đồng.

Theo lịch hẹn, 4 giờ ngày 17/10, Xâu đến khu vực biên giới Việt Nam – Lào thuộc huyện Tương Dương mua 2,4 kg hồng phiến của một người đàn ông không rõ lai lịch, địa chỉ. Sau khi mua được ma túy, Xâu bắt xe khách xuống TP Vinh và báo cho anh trai đi xuống. Gặp nhau ở TP Vinh, cả hai thuê nhà nghỉ, bàn bạc việc mua bán ma túy.

Với khối lượng lớn, Và Bá Xâu nhận mức án tử hình, còn Và Bá Lồng mức án chung thân.

Sáng 18/10, hai anh em Xâu mang ba lô chứa ma túy đến phòng trọ của bạn ở xã Hưng Lộc, TP Vinh chờ khách nhận hàng. 15h cùng ngày, Xâu đến khu vực Bệnh viện Ba Lan cũ để giao cho khách, nhưng đã bị công an bắt giữ cùng chiếc ba lô. Về phần người anh trai, sau khi nghe tin em bị bắt, tối cùng ngày Và Bá Lồng đến công an đầu thú, khai nhận cùng em trai buôn hồng phiến.

Đối diện với cái chết, Xâu thể hiện sự ăn năn hối lỗi, xin hội đồng xét xử một cơ hội sống. Về phần mình, ông Và đứng lên, chắp tay cầu xin: “Là cha mẹ, ai cũng muốn con cái nên người, nhưng vì “con ma túy” và sự hám lợi nhất thời làm mờ mắt hai đứa con tôi. Con cái gây ra tội lỗi một phần cũng do bậc làm cha mẹ không bảo ban chúng để hai đứa đi theo đám người trong bản buôn ma túy. Tôi cũng xin tòa cho con của tôi có cơ hội sống để bọn nó có cơ hội trở về với gia đình”.  Tuy nhiên, với khối lượng ma túy lớn và xem xét các hành vi, hội đồng xét xử tuyên án tử hình đối với Và Bá Xâu còn Và Bá Lồng mức án chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong... của miền Tây xứ Nghệ là điểm nóng về sản xuất, vận chuyển, buôn bán ma túy. Ðây là những huyện miền núi có đường biên giới tiếp giáp với ba tỉnh nước bạn Lào là Hủa Phăn, Bô-li-khăm-xay và Xiêng Khoảng. Lợi dụng địa hình hiểm trở, các đối tượng chủ yếu người Mông bên Lào sang dựng lều, lán và tổ chức mua bán ma túy khá rầm rộ. Trước đây, vào những năm 2007, 2008, các trùm ma túy người Mông có mặt tại các khu vực Pù Lôm, Pu Lộm xã Lượng Minh, rừng bản Muộng, bản Xiềng Lằm, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương; Pù Con Cắng, Huổi Ðô xã Mường Nọc, khe Cỏ Hòa, bản Mồng, xã Châu Kim thuộc huyện Quế Phong.

Công tác tuyên truyền về tác hại của việc buôn bán ma túy vùng biên giới Nghệ An được các ban ngành tích cực triển khai.

Điều khó khăn nhất hiện nay, người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống thưa thớt, trình độ dân trí cũng như nhận thức về pháp luật chưa cao, đời sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả… Do vậy, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân ở các xã giáp biên để rủ rê, lôi kéo tham gia vào các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. 

Mặt khác, các đối tượng lợi dụng sự thông thạo địa hình, nắm rõ các đường mòn, lối nhỏ hiểm trở tại các khu vực rừng rậm nối liền 2 nước để cấu kết với những đối tượng cộm cán để “thẩm lậu” ma túy vào nội địa. Từ đó, ma túy được bán lại cho các “đầu nậu” hoặc trung chuyển ra các tỉnh, thành phố lớn trong nước để tiêu thụ. Đặc biệt, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt và rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí “nóng” để chống trả, tấn công nếu bị lực lượng chức năng phát hiện. Điều đó cho thấy tội phạm ma túy trên tuyến biên giới này vẫn còn “nóng”, cuộc chiến chống tội phạm ma túy còn nhiều gian nan và chưa có hồi kết.

Để các bản làng sạch tệ nạn ma túy, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, ban ngành, đoàn thể cho đến từng người dân.

Để chiến thắng, đẩy lùi vấn nạn ma túy, rất cần sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường… Trong đó, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy là lực lượng chủ công nòng cốt tiên phong trong công tác phòng ngừa và điều tra khám phá bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. 

   

Bảo Linh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện