Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa khuyến cáo, nhiều đối tượng lừa đảo với chiêu thức cũ như “gọi điện thoại từ các đầu số lạ, lừa người dùng cài các ứng dụng “nghe lén” thông tin cá nhân…” nhưng vẫn khiến nhiều nạn nhân bị lừa, tự nguyện chuyển tiền cho chúng. Chỉ đến khi bị mất tiền thật, nạn nhân mới báo cơ quan chức năng, thì đã quá muộn, vì đa phần tội phạm mạng không để lại dấu vết.
Cách đây không lâu, chị P - một phụ huynh ở Hà Nội xin được giấu tên - kể lại, 1 người tự xưng là nhân viên ngân hàng đến nhà chị, đề nghị làm thẻ Visa. Cứ ngỡ là vì dịch bệnh Covid-19, nhân viên ngân hàng đến tận nhà tư vấn, để tránh sự tiếp xúc nhiều người, nên chị hoàn toàn tin tưởng và điền đầy đủ thông tin trên mẫu đơn làm thẻ Visa (có đóng dấu của ngân hàng). Sau 1 tuần chờ đợi, chị P nhận được tin nhắn của ngân hàng, với thông báo: “Hồ sơ làm Thẻ visa của quý khách đã được xét duyệt. Sau 10 ngày, thẻ sẽ được gửi tới quý khách”.
Tuy nhiên, trước khi được nhận thẻ, nhân viên đó đã gọi điện thông báo, chị cần chuyển phí 10% tổng hạn mức thẻ tín dụng, thì mai nhân viên đó mới được giao thẻ cho chị P. Tưởng thật, chị P chuyển luôn 5 triệu đồng vào số tài khoản (mà nhân viên đó cung cấp) và vẫn tin là hôm sau, thẻ Visa sẽ được nhân viên ấy đem đến tận nhà. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy thẻ, chị T đã gọi điện thoại đến đường dây nóng của ngân hàng đó, để xác nhận lại, thì hoá ra chẳng có ai từ ngân hàng được cử đến làm thẻ, hay yêu cầu nhận tiền phí phát thành thẻ.
Chị P cho biết: "Tôi cứ tưởng làm thẻ Visa phải nộp tiền phí thật, ai ngờ đó lại là nhân viên giả danh ngân hàng. Sau khi chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân, tôi mới ngờ ngợ, nhưng cũng vẫn tin là hôm sau sẽ nhận được thẻ. Tôi còn lo lắng, không biết các thông tin tôi đã khai báo đầy đủ trong tờ mẫu làm thẻ Visa của ngân hàng, liệu có bị sử dụng vào mục đích xấu nào khác hay không?"
Ảnh minh họa. |
Đó chỉ một trong rất nhiều chiêu lừa đảo, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của những người nhẹ dạ, cả tin. Kẻ lừa đảo gần đây còn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, đó là sử dụng điện thoại gọi đến số điện thoại của khách hàng: thông báo khách hàng đang có 1 bưu kiện tại chi cục này, bưu điện kia. Sau đó, đề nghị khách hàng cung cấp số chứng minh dân, địa chỉ, để cho nhân viên chuyển hàng đến tận nhà. Ngay khi có thông tin cá nhân của khách hàng, một kẻ lừa đảo khác gọi điện đến, đe doạ là số điện thoại này, địa chỉ như thế này, đang có những khoản tiền liên quan tới những vụ án ma tuý hay tội phạm nào đó cần phải điều tra.... Không ít người tưởng thật, đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo này, rồi chờ đợi “điều tra”. Chỉ đến khi gọi lại số điện thoại đó không có ai trả lời, thì mới biết mình đã bị lừa, mất tiền.
Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo "nếu có ai trong gia đình nhà mình mà có người thân đề nghị tư vấn lĩnh vực này thì phải khẳng định ngay đây là lừa đảo. Thủ đoạn này diễn ra rất phức tạp".
Ngoài ra, còn một chiêu thức lừa đảo khác cũng thường xuyên được tội phạm mạng áp dụng, là gửi các đường link lạ, các ứng dụng như kiểu trò chơi quay số trúng thưởng, ứng dụng thi trắc nghiệm... đến email, tin nhắn mạng xã hội, hay tin nhắn trong các ứng dụng chat trên thiết bị di động của người sử dụng. Nếu tò mò, nhấn vào các đường link này, hoặc tải những trò chơi hay ứng dụng đó… thì các thông tin của người sử dụng lưu trên điện thoại có thể bị sao chép trong vòng vài ba giây. Đặc biệt, tội phạm mạng còn có thể sử dụng phần mềm mạo danh đầu số điện thoại của Bộ Công an, để giả danh lừa đảo hoặc đe doạ người sử dụng đang dính líu vào các vụ án nghiêm trọng, nhằm chiếm đoạt tiền.
Để hạn chế tối đa các nguy cơ bị lừa đảo từ các đầu số điện thoại mạo danh, như +84069, +146, +255, +370, +371, +375, +381, +563,... người sử dụng không nên nhận cuộc gọi cũng như tuyệt đối không gọi lại. Hạn chế cài đặt các ứng dụng được gửi tới email, không nhấn vào những đường link lạ.. cũng là cách giúp người sử dụng không bị mất các thông tin quan trọng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,…
Với những người tham gia bán hàng trên mạng, thì cũng nên đề phòng các nguy cơ khiến bị lộ thông tin cá nhân, số điện thoại di động, số tài khoản ngân hàng. Bởi đã có nhiều trường hợp, tội phạm mạng nhắn tin hoặc gọi điện đến người bán hàng, thông báo mình sẽ chuyển một số tiền mua hàng đến tài khoản của người bán hàng. Trong lúc đang gọi điện, thì tội phạm mạng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của người bán hàng và nhờ họ đọc mật khẩu OTP. Lúc này, với tâm lý là sẽ nhận được tiền, người bán hàng không thể ngờ đó là mật khẩu dùng một lần giúp tội phạm mạng có thể thay đổi các thông tin trên tài khoản ngân hàng, như số điện thoại nhận mật khẩu OTP, thay đổi mật khẩu đăng nhập vào tài khoản....
Với chiêu thức lừa đảo này, không ít người bán hàng, vì luôn đăng tải đầy đủ thông tin cá nhân, như họ tên, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ nhà riêng,… lên trên các trang bán hàng online, đã bị lấy hết tiền từ tài khoản ngân hàng. Do đó, các ngân hàng luôn đề nghị khách hàng không cung cấp mã số OTP được gửi tới điện thoại di động của khách hàng cho bất kỳ ai, trong bất cứ trường hợp nào.
Khi sử dụng các ứng dụng của Ngân hàng hoặc các dịch vụ Internet Banking của Ngân hàng, nếu không thể dùng 2 thiết bị di động khác nhau, thì tốt nhất người sử dụng nên cài đặt mã PIN, hạn chế quyền truy cập vào thẻ SIM điện thoại của mình. Bởi rất nhiều ứng dụng không an toàn được cài đặt vào điện thoại thông minh có thể “nghe lén”, đánh cắp các loại thông tin được lưu trữ trong điện thoại. Do đó, người sử dụng phải luôn nâng cao cảnh giác, không tiết lộ thông tin cá nhân quan trọng như số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân,… Nếu là người bán hàng trên các trang thương mại điện tử, các mạng xã hội,… thì nên sử dụng 2 tài khoản ngân hàng khác nhau.
Một tài khoản dùng để đăng thông báo nhận tiền và không bao giờ để số dư tài khoản này quá mức mà ngân hàng yêu cầu (thường là 50.000 đồng đến 100.000 đồng). Ngoài ra, có thể dùng 2 số điện thoại khác nhau cho 2 tài khoản ngân hàng này. Trong bất cứ trường hợp nào, người sử dụng nên nhớ rằng: “Thông tin cá nhân đặc biệt là số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân luôn là loại tài sản vô giá và vô hình; nhưng nếu bị lừa đảo, thì hậu quả luôn là hữu hình”./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin