Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hương vị Việt trên đất Lào

15:26, 19/01/2011
Với mỗi người con Việt Nam xa xứ thì có rất nhiều điều để họ nhớ về quê hương đất nước mình: lũy tre, bến nước, con đò… nhưng chắc rằng có một điều mà ai đi xa cũng nhớ đó là những món ăn Việt Nam nên ở nhiều nơi trên thế giới, kiều bào ta vẫn duy trì và phát triển những món ăn Việt. Và mỗi khi đến với đất nước Lào xinh đẹp, chúng ta cũng đều có thể tìm được những hương vị,

 

Thủ Đô Viêng Chăn của nước CHDCND Lào là nơi tập trung khá nhiều người Việt sinh sống và làm ăn. Có lẽ, chính vì thế mà những quán ăn Việt xuất hiện khá nhiều ở nơi đây tạo nên những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam. Một phần là do thói quen gìn giữ nếp sống Việt Nam ở xứ người và cũng một phần vì hương vị Việt, những món ăn Việt là thứ mà mỗi người con đi xa không thể nào quên. Bên cạnh những món ăn mang đậm phong cách Lào, ẩm thực Việt không những là niềm tự hào của người Việt mà còn có sức hút đặc biệt với người dân bản địa và những du khách quốc tế khi đến với thủ đô Viêng Chăn.

 

Rất nhiều vị khách Lào yêu quý món phở Việt Nam

 

Nói đến ẩm thực Việt Nam, có lẽ người ta thường nhắc đến đầu tiên là phở. Chính vì thế mà món phở đã theo chân người Việt chu du khắp thế giới. Tại thủ đô Viêng Chăn, có một quán phở Việt rất nổi tiếng mang tên Phở Ngon của vợ chồng bà Phạm Thị Ngọc Quý, người Việt Nam hiện đang sinh sống ở Lào. Tính đến thời điểm này, quán phở gia truyền của gia đình bà Quý đã hoạt động được nửa thế kỷ, là niềm tự hào của không những gia đình bà Quý mà còn của đông đảo kiều bào Việt Nam sinh sống ở nơi đây khi muốn giới thiệu với bạn bè về ẩm thực của đất nước mình. Bà Quý cho biết quán phở này là do cha mẹ của bà mở ra là để mưu sinh trong những ngày mới sang Lào sinh sống. Ngay từ khi mới mở, quán phở tuy nhỏ nhưng là nơi thường xuyên lui tới của những người Việt sinh sống ở đây. Hiểu được rằng, ẩm thực Việt Nam thực sự là niềm thích thú với người dân bản địa và du khách quốc tế khi đến với Lào nên quy mô của quán ngày càng được mở rộng. Quán phở của cha mẹ bà Quý xưa kia được xây dựng theo phong cách của những quán phở xưa của Hà Nội. Nối tiếp nghề gia truyền của cha mẹ, quán phở Ngon của vợ chồng ông bà Quý hiện nay là một quán ăn khang trang tại thủ đô Viêng Chăn. Theo bà Quý, để nấu được món phở ngon níu chân thực khách thì phải có bí quyết và chế biến bằng cả tâm huyết của mình.

 

Chỉ cần nếm thìa nước dùng đầu tiên cũng thấy được hương vị đậm đà của phở Ngon. Phở được nấu theo hương vị Bắc, ăn với quẩy nhưng cũng được dùng chung với rau sống và giá theo cách ăn của người miền Nam. Bà Quý cho hay người Lào thích ăn phở với đồ ngâm như cà ngâm nên quán cũng có thêm gia vị này để phục vụ thị hiếu của khách hàng. Tuy nhiên, hương vị Việt Nam vẫn được thực khách cảm nhận rõ rệt nhất. Từ nước dùng, bánh phở đến thịt bò đều được bà Quý lựa chọn và chế biến cẩn thận. Để có được phở bán buổi sáng, thì bà Quý và các nhân viên của mình đã phải chuẩn bị từ chiều hôm trước, việc ngâm xương phải mất 24h cho sạch rồi ninh từ 6-8 tiếng để nước xương được ngọt, và có những gia vị không thể thiếu để làm nên món phở VN đó là quế và hồi… Có những gia vị này, nước phở mới thơm, ngọt và người ăn chắc chắn sẽ không thể quên.

 

Cửa hàng của bà Quý chỉ làm duy nhất phở bò nhưng được chế biến thành nhiều món khác nhau như: phở tái, phở chín, phở xào, phở sốt vang, phở chua ngọt… Tất cả đã trở thành món ăn độc đáo hấp dẫn các thực khách. Sáng, trưa, tối, lúc nào các quán phở Ngon cũng đông nghịt người. Các tô phở bưng ra nóng hổi, bánh phở trắng trong mịn màng, miếng thịt thái mỏng bày thật tinh tế, các cọng hành trần xanh, trắng vắt ngang chen lẫn với hành mùi, rau thơm thái nhuyễn ngó thật ngon mắt. Thực khách quốc tế khen phở Việt Nam khác hẳn miến, mì hoành thánh của Trung Hoa, hủ tiếu Nam Vang của Campuchia…. và vừa dễ ăn, vừa bổ béo, lại vừa hấp dẫn khẩu vị người thưởng thức.

 

Một quán phở VN tại Lào

 

Có thể nói rằng, phở bây giờ không chỉ đơn thuần là một món ăn mà nó còn là nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam mà không phải đất nước nào cũng có. Riêng ở Thủ Đô Viêng Chăn, tuy diện tích không quá lớn nhưng có tới 50 quán phở lớn nhỏ, rồi ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, món phở Việt Nam cũng đã đến và đã thu hút được thực khách ở mọi nơi trên thế giới.

 

Ở Viêng Chăn ta cũng rất dễ bắt gặp nhiều gia đình người Việt còn duy trì nếp sống văn hóa của người Việt Nam, dù có bận đến thế nào cũng dành thời gian để quây quần bên nhau trong bữa cơm đầm ấm. Với mỗi người Việt Nam ở trong hay ngoài nước, bữa cơm gia đình là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình, đó cũng là lúc hai từ “sum họp” trọn vẹn ý nghĩa nhất. Với gia đình bà Trần Thị Thủy, kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở Lào cũng vậy, nếp sống đẹp của người Việt Nam vẫn được duy trì mặc dù gia đình bà ở đây đã đến đời thứ 3. Gia đình bà Thủy vẫn thường xuyên ăn các món ăn Việt Nam, ngoài bữa cơm hàng ngày thì cuối tuần là lúc đại gia đình bà đoàn tụ bên mâm cơm đầm ấm.

 

Gia đình bà Thủy cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác ở Lào đều giữ những truyền thống tốt đẹp,văn hóa gia đình quý báu của dân tộc Việt Nam. Một biện pháp tuy nhỏ nhưng là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc với gia đình bà là bằng ẩm thực. Những món ăn ngon, không khí gia đình đầm ấm là lý do để người ta gắn bó với gia đình của mình. Chính vì thề căn bếp nhà bà khi nào cũng đỏ lửa. Có một điều đặc biệt ở gia đình bà Nga là dù đã sinh sống đến đời thứ 3 ở nước ngoài nhưng vẫn giữ thói quen nói Tiếng Việt và ăn các món ăn Việt Nam.

 

Với gia đình bà Thủy, những món ăn mang hương vị Việt Nam còn là kỷ niệm. Ngày mới sang Lào, bà đã mở hàng cơm Việt Nam để mưu sinh, 5 người con của bà sinh ra và cũng lớn lên ở quán cơm ngày ấy. Những ngày đầu tiên nơi đất khách quê người, ẩm thực Việt Nam đã giúp cả gia đình bà mưu sinh, các con cái bà trưởng thành và nên người cũng là nhờ quán cơm của mẹ. Có lẽ vì vậy, các con cháu của bà, những người đã sinh ra và lớn lên ở Lào tiếp xúc nhiều với văn hóa Lào, với ẩm thực Lào nhiều hơn nhưng vẫn hàng ngày ăn những món ăn Việt Nam. Con gái út của bà cũng nối nghiệp mẹ, chọn việc mở hàng cơm Việt làm cách mưu sinh cho gia đình nhỏ của mình

Có người nước ngoài đã từng nhận xét rằng, công thức chế biến những món  ăn Việt Nam không khó, nguyên vật liệu để chế biến những món ăn ấy cũng không hiếm và không có tìm, tuy nhiên để nấu ăn ngon, bạn phải gửi gắm tâm huyết của mình vào đó, đấy mới là điều khó. Có lẽ, đó cũng chính là nét riêng của văn hóa ẩm thực Việt Nam, nét riêng được xây dựng nên từ những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt, mà cụ thể là bà Nga, cũng như nhiều phụ nữ Việt đang sinh sống ở Lào đã một phần góp lửa cho ẩm thực Việt, hương vị Việt sống mãi trong lòng cộng đồng  người Viêt ở nước ngoài và là sự say mê, thích thú với bạn bè quốc tế.

 

Đến thủ đô Viêng Chăn, nếu có thời gian và muốn thư giãn tận hưởng một không gian rất Việt Nam và đậm đà hương vị Việt bạn có thể đến với Hà Nội Quán. Với không gian mang đậm màu sắc Hà Nội, quán là nơi để những kiều bào nơi đây được gần gũi với văn hóa của đất nước mình hơn qua kiến trúc Việt Nam, cũng như những món ăn mang phong vị Việt. Hà Nội Quán là ý tưởng của một kiều bào sinh sống ở Lào, nắm bắt được mong muốn của bà con người Việt sinh sống ở Lào là luôn nhớ về quê hương, đất nước mình từ những điều bình dị nhất nên anh đã cùng các cộng sự của mình đầu tư xây dựng.

 

Anh Tạ Xuân Thanh, một người đã sinh sống và làm việc ở Lào đã 5 năm. Cứ cuối tuần anh lại tìm đến Hà Nội quán như một thói quen. Có lẽ sự  thân thuộc của không gian nơi đây đã khiến anh có cảm xúc gắn bó và thư thái tâm hồn mình. Anh Thanh cũng như nhiều người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài luôn mong muốn có những không gian thân thuộc như này ở nước sở tại để phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.

 

Ngồi café một mình trong không gian đầy cảm xúc là thói quen không chỉ của riêng anh Thanh mà còn là sở thích của số đông người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không có những quán như thế này thì anh Thanh cũng như rất nhiều người có thói quen tao nhã  này sẽ không có điều kiện để thư thái tâm hồn mình theo phong cách Việt Nam. Cần phải nói thêm rằng, người Lào cũng rất say mê café nhưng vì thích uống café đậm và ngọt nên người ta thường cho kết hợp cả đường và sữa vào café rồi uống kèm với một cốc Nam Sa. Người Việt Nam thì khác, người ta đôi khi thích uống café đen, không đường, không sữa chỉ để cảm nhận vị đắng của café. Người ta ngồi nhìn những giọt café tí tách rơi để chiêm nghiệm về cuộc sống hoặc xây dựng những kế hoạch làm ăn cho mình.

 

Người Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu cũng luôn nhớ về quê hương, đất nước mình. Nhớ về bản sắc văn hóa của dân tộc mình từ nết ăn, nết mặc nên không có gì làm lạ khi nhiều món ăn Việt Nam đã khẳng định được mình trên những diễn đàn ẩm thực quốc tế, thu hút được sự yêu thích của bạn bè khắp năm châu. Không chỉ ở CHDCND Lào mới có hương vị Việt, thật tự hào có thể khẳng định rằng, ở bất cứ nơi đâu có người Việt Nam làm ăn sinh sống, ở đó có văn hóa Việt Nam, bản sắc Việt Nam.

 

(Việt Anh)