"Mỹ đang thảo luận rất tích cực với các đối tác châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga sang các nước của chúng tôi, trong khi tiếp tục duy trì nguồn cung dầu ổn định trên toàn cầu",NBC dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay.
"Các hành động mà chúng tôi thực hiện cho đến nay đã có tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Nga", ông Blinken nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AP) |
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh, việc cắt giảm xuất khẩu dầu của Nga là rất quan trọng, kêu gọi Shell và các công ty năng lượng khổng lồ khác cắt nguồn doanh thu lớn nhất của Moskva và "ngừng mua dầu của Nga".
Trong khi đó, đề cập đến các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "Mục tiêu là cô lập Nga và khiến ông Putin không thể tài trợ cho các cuộc chiến của mình".
"Đối với chúng tôi, chiến lược mạnh mẽ hiện nay là chúng tôi phải loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga", bà Ursula von der Leyen nói.
Tuần trước, giá khí đốt ở châu Âu và Anh tăng lên mức cao kỷ lục do lo ngại gián đoạn nguồn cung. Theo đó, hôm 4/3, giá dầu Brent tăng 7,65 USD, hay 6,9%, lên 118,11 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 8,01 USD, hay 7,4%, và đóng phiên ở mức 115,68 USD/thùng.
Các mức đóng phiên ngày 4/3 là mức đóng phiên cao nhất kể từ tháng 3/2013 đối với dầu Brent và kể từ tháng 9/2008 đối với dầu WTI.
Hôm 3/3, dữ liệu do nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt châu Âu Gascade theo dõi cho thấy, dòng khí đốt đi về phía Tây của Nga sang Đức qua đường ống Yamal - Europe đã ngừng chảy.
Nga chiếm gần 40% nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu, trong khi Ukraine là quốc gia trung chuyển khí đốt chính của Nga. Giá khí đốt tăng cao trong bối cảnh Mỹ, EU, Anh và nhiều quốc gia khác tuyên bố áp đặt trừng phạt đối với một số pháp nhân và cá nhân của Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin công bố chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Ukraine ngày 24/2.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin