Nhật Bản: Lò phản ứng số 4 bốc cháy lần thứ hai
|
Vụ cháy thứ hai tại lò phản ứng số 4. |
Toà nhà bên ngoài chứa vỏ bọc của lò phản ứng số 4 bùng lửa, bốc cháy vào sáng sớm hôm nay - ông Hajimi Motujuku, phát ngôn viên của Công ty Điện lực Tokyo - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima cho biết.
Công ty Điện lực Tokyo cho hay, vụ cháy sáng hôm nay là do ngọn lửa từ hôm qua vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn.
Khoảng 3 tiếng sau vụ nổ sáng nay, Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản khẳng định sẽ không có khói và cháy nữa tại lò phản ứng số 4 nói trên, nhưng cơ quan này cũng không thể xác nhận được ngọn lửa đã được dập tắt hoàn toàn.
Cũng trong ngày hôm nay, Cơ quan An toàn Hạt nhân cho hay, 70% thanh nhiên liệu hạt nhân có thể bị hư hỏng tại một lò phản ứng khác của nhà máy Fukushima. "Tuy nhiên, chúng tôi chưa biết bản chất của sự thiệt hại này, có thể là các thanh nhiên liệu đang bị tan chảy, hoặc cũng có thể xuất hiện lỗ thủng" - phát ngôn viên Minoru Ohgoda nói.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo của Nhật cho biết 33% thanh nhiên liệu tại lò phản ứng thứ hai cũng bị hư hỏng.
Như vậy, đến nay, 4 trong số 6 lò phản ứng của Nhà máy Fukushima 1 đã xảy ra vấn đề đáng lo ngại. Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano cảnh báo hệ thống làm mát tại lò phản ứng số 5 và số 6 của nhà máy cũng có dấu hiệu bất thường. Nhiệt độ tại hai lò phản ứng này đã tăng nhẹ.
Lượng phóng xạ quanh khu vực nhà máy đã tăng vọt vào sáng hôm qua sau hai vụ cháy, nổ, nhưng theo các quan chức, nồng độ đã giảm dần vào buổi chiều tối.
Chính phủ Nhật Bản đã chỉ thị cho chính quyền tất cả các tỉnh, thành phố hằng ngày phải báo cáo kết quả đo nồng độ phóng xạ trong môi trường. Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Yoshiaki Takaki cho biết, bộ sẽ công bố kết quả thống kê số liệu về nồng độ phóng xạ trên toàn quốc ít nhất 2 lần/ngày.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, hiện chưa có dấu hiệu về khả năng tan chảy tại các lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, theo ông James Lyons - quan chức IAEA - tình hình đang thay đổi liên tục.
Hàng triệu người dân và cả đất nước Nhật Bản vẫn chưa bình yên khi vẫn đang phải gồng mình chống chọi với hậu quả của cơn siêu động đất, sóng thần, sự cố hạt nhân và những dư chấn mới.
(Theo Lao động)