Y tế

Chống virus corona: Đừng hiểu sai về “cách ly“

09:09, 01/02/2020
Trước diễn biến của dịch bệnh do virus corona mới, dư luận không khỏi hoang mang vì đã có 3 người Việt nhiễm bệnh và hơn 100 người phải cách ly.

Cách ly là biện pháp phòng ngừa cần thiết

Trao đổi với PV VOV.VN, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - nơi đang điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân người Việt nhiễm bệnh và theo dõi cách ly nhiều người khác, cho biết rất nhiều người bị hoang mang vì đã có người Việt nhiễm bệnh do virus corona mới (nCoV) và cả trăm trường hợp phải cách ly. Tuy nhiên, được cách ly không có nghĩa là người đó nhiễm nCoV.

Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.


Bác sĩ Cấp giải thích: "Những người nhiễm virus corona mới có những biểu hiện ban đầu như các ca mắc bệnh về đường hô hấp thông thường. Tuy nhiên, với tất cả các trường hợp có yếu tố dịch tễ là đi đến và trở về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với những người nghi ngờ nhiễm bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và xét nghiệm để xác định là nhiễm virus corona hay mắc các bệnh cúm thông thường khác". 
Theo bác sĩ Cấp, trong giai đoạn ủ bệnh, mọi hoạt động của người bệnh đều bình thường nên ở giai đoạn này hầu như không có cơ hội phát hiện. Chỉ khi xuất hiện các triệu chứng khởi đầu như sốt, sổ mũi, đau mỏi người… người bệnh phải đi khám và mới có cơ hội phát hiện bệnh. Cách ly là biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo không bỏ sót ca bệnh và hạn chế virus phát tán ra cộng đồng.

Virus nCoV có "chết" ở nhiệt độ cao?

"Việc virus tồn tại được bao lâu sau khi phát tán từ người bệnh phụ thuộc vào điều kiện của môi trường nên rất khó nói nó tồn tại được bao lâu. Về mặt lý thuyết, virus tồn tại trong các giọt dịch tiết đường hô hấp phát tán từ người bệnh. Khi các giọt dịch tiết khô đi thì virus sẽ chết", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thông tin.

Giải thích rõ hơn về con đường phát tán và lây nhiễm của nCoV, bác sĩ Cấp cho biết, hiện vẫn chưa khẳng định được việc virus corona có lây nhiễm hay không trong thời gian ủ bệnh. Bởi đây là chủng virus corona mới và hiện chưa đủ dữ liệu để xác định yếu tố này.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách.

Nhiều thông tin cho rằng, ở môi trường trên 25 độC virus corona mới sẽ chết, song đây chỉ là vấn đề lý thuyết. Ví dụ, với 4 chủng virus corona thông thường gây cảm nặng chỉ gây bệnh và mùa Đông hay khi thời tiết lạnh. Nhưng có những chủng corona khác như MERS CoV xuất hiện ở vùng Trung Đông, thậm chí lưu hành ở những con dơi bay giữa sa mạc trong điều kiện thời tiết rất nóng.

"Do vậy, với chủng corona mới này, việc thời tiết và khí hậu nóng có làm nó giảm độc lực và khả năng lây nhiễm hay không thì vẫn chưa được kết luận. Lý thuyết nêu trên được suy ra từ virus corona thông thường, song vẫn có chủng corona chịu được khí hậu nóng", bác sĩ Cấp nói.

Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng nhấn mạnh, biện pháp phòng ngừa nCoV chỉ có 2 điều cơ bản là phòng lây truyền qua đường hô hấp bằng cách sử dụng khẩu trang.

Với người bệnh khi dùng khẩu trang sẽ giảm phát tán mầm bệnh ra ngoài. Với người xung quanh, khẩu trang sẽ giúp giảm nguy cơ hít phải virus corona.

Thứ 2 là vệ sinh bàn tay và vệ sinh bề mặt xung quanh người bệnh. Ở các khu vực công cộng có rất nhiều bề mặt dễ nhiễm khuẩn khi người bệnh chạm vào như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lang thang, nút bấm thang máy… cần được vệ sinh thường xuyên, nếu không khi chạm tay vào sẽ có nguy cơ lây bệnh, do đó phải đảm bảo vệ sinh thường xuyên./. 

Theo VOV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện