Y tế

Thay đổi thói quen ăn uống hàng ngày giảm nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm

08:32, 29/02/2020
Dịch COVID-19 hiện đã lan sang hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 16 ca dương tính với COVID-19 và cả 16 trường hợp đã hồi phục. Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh.

Thay đổi thói quen trong bữa ăn hàng ngày tránh được nhiều bệnh lây nhiễm

GS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thông qua những khuyến cáo về dịch bệnh COVID-19, chúng tôi khuyên người dân cần phải thay đổi triệt để thói quen hàng ngày mà nhiều người mắc phải đó là: dùng đũa để gắp thức ăn chung, dùng chung một bát nước chấm, dùng chung thớt để chế biến đồ chín lẫn đồ sống, dùng chậu rửa mặt chung, ăn các loại động vật hoang dã không rõ nguồn gốc...

Tất cả những khuyến cáo này đã được Bộ Y tế đưa ra các hướng cụ thể, kể cả về phần dinh dưỡng. Bạn đọc cần truy cập vào trang web của Bộ Y tế, báo Suckhoedoisong.vn,  theo dõi và thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế để cơ thể có sức đề kháng tốt. Việc từ bỏ thói quen như nói ở trên sẽ phòng tránh được nhiều bệnh lây truyền, trong đó có bệnh viêm gan B,C...

GS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia
GS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Thông tin được GS.TS. Lê Danh Tuyên chia sẻ tại buổi toạ đàm “Tăng sức đề kháng phòng chống dịch COVID -19” do báo Nhân dân điện tử tổ chức ngày 28/2.

Cùng với đó, chia sẻ về chế biến thực phẩm và cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, GS. Tuyên cho biết, nhiều bà nội trợ có sai lầm rất lớn là khi đi chợ về để nguyên cả túi nilon cho vào tủ lạnh, điều này dễ làm lây nhiễm vi khuẩn vào thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Bên cạnh đó, thói quen mua thức ăn dự trữ và để đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ về sức khoẻ mà nhiều người không biết. Vì thế, các bà nội trợ cần thường xuyên vệ sinh tủ lạnh, không nên coi tủ lạnh như vật toàn năng có thể ngăn chặn mọi virus, vi khuẩn…

Cũng theo GS. Tuyên khi đi chợ về muốn bảo quản thức ăn trong tủ lạnh thì cần phải sử dụng túi riêng, màu trắng và loại chuyên dụng cho học thực phẩm hoặc các vật dụng khác như hộp có nắp để bảo quản thức ăn. Không nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh quá lâu.

GS.Tuyên cũng khuyến cáo, người tiêu dụng luôn được khuyến sử dụng và lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất sứ được kiểm nghiệm an toàn. Việc, một số bà nội trợ lựa chọn thực phẩm mua ngoài chợ hiện nay cũng khá yên tâm vì hàng tháng theo quy định về an toàn thực phẩm cơ quan chức năng vẫn kiểm tra thường xuyên  bằng cách lấy mẫu ngẫu nhiên ở các chợ để kiểm nghiệm xem có nguy cơ không. Để đảm bảo an toàn chúng ta nên sử dụng găng tay khi lựa chọn thực phẩm ở chợ và khi mua về nhà chúng ta bảo quản, bọc gói thực phẩm sạch sẽ. Cố gắng ăn thực phẩm chín, uống ước sạch hoặc nước đun sôi.

Dinh dưỡng hợp lý để có miễn dịch tốt phòng chống bệnh tật

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia  cũng cho hay, hệ miễn dịch được chia thành miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch chủ động. Miễn dịch bẩm sinh tuy không đặc hiệu và nó không giống như các vắc-xin mà tạo ra hệ thống miễn dịch chủ động, nhưng đó cũng là hàng rào bảo vệ đầu tiên để tránh virus xâm nhập trong cơ thể.

Và chính vì vậy chúng ta thấy rằng kể cả miễn dịch bẩm sinh cũng như là miễn dịch chủ động, thì nó đều ở các tế bào lympho T, lympho B và đều cần có các nguyên liệu để nó phát triển. Như vậy thì việc dinh dưỡng, ăn uống hợp lý là hết sức quan trọng.

 
 

Thứ nhất phải có dinh dưỡng hợp lý để có miễn dịch tốt. Chúng ta phải ăn uống đầy đủ chất theo như tháp dinh dưỡng mà viện dinh dưỡng khuyến cáo, cố gắng dùng các thực phẩm được tăng cường các vi chất.

Thứ hai, phải bảo đảm đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi đã phân tích rất rõ, các loại thực phẩm khi đi mua, chế biến đều phải theo quy trình.

Thứ ba, chúng ta phải uống nước đúng cách, mỗi ngày phải uống đủ từ 2,5 đến 3l cho mỗi người chứ không nên chờ khi cổ họng khô khát mới uống.

Thứ tư, phải chú ý chế độ dinh dưỡng cho các đối tượng đặc biệt. Ở trong các bệnh viện, đối với từng loại bệnh khác nhau các bác sĩ dinh dưỡng sẽ xây dựng thực đơn cho từng người, từng bệnh nhân. Còn ở gia đình, ăn uống phải đa dạng. Chúng ta phải thực hiện các quy định về vệ sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh. Như chúng tôi đã nói, tất cả thực phẩm mua về cố gắng biết rõ nguồn gốc càng tốt. Thực phẩm mua ngoài chợ, hạn chế tối đa thực phẩm không rõ nguồn gốc và không sử dụng động vật hoang dã.

Còn về ăn uống hằng ngày, chúng ta tuân thủ theo tháp dinh dưỡng.

 

Theo Sức khỏe&Đời sống

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện