Tại lễ khánh thành các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 do các bệnh viện tuyến Trung ương chịu trách nhiệm vận hành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong vòng 20 ngày thành phố đã xây dựng xong 3 bệnh viện dã chiến và chỉ sau 7 ngày, 4 trung tâm hồi sức COVID-19 được hình thành.
Lập 4 trung tâm hồi sức COVID-19 trong 1 tuần
Chủ tịch TP.HCM cho rằng, hiện nay thành phố đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Hơn 3 tháng qua cả hệ thống chính trị, các lực lượng tuyến đầu cùng toàn thể người dân TP với sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương trên cả nước vẫn đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.
Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cùng các lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế tại buổi khánh thành 3 trung tâm hồi sức tích cực chiều 7/8. |
Theo ông Phong, mục tiêu hàng đầu của thành phố hiện nay là giảm tối đa số ca F0 chuyển nặng, tử vong. Do đó, việc đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức tích cực, cùng sự vận hành của đội ngũ y bác sĩ đầu ngành của Trung ương, TP.HCM và các địa phương, cùng trang thiết bị hiện đại góp phần nâng cao hiệu quả các bệnh viện trong tháp điều trị 5 tầng.
4 trung tâm được đặt tại các bệnh viện dã chiến, cụ thể:
Tại Bệnh viện dã chiến Điều trị COVID-19 số 13 (Đào Trí, quận 7), 500 giường đang được Trung tâm Hồi sức tích cực trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quản lý vận hành.
Bệnh viện dã chiến Điều trị COVID-19 số 14 (Tân Phú) có 500 giường hồi sức do Trung tâm Hồi sức trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế quản lý.
Để vận hành 3 trung tâm hồi sức này, Bộ Y tế điều động nhân lực, vật lực chưa từng có từ 3 bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt ở Huế và Hà Nội. Tất cả đều chung sức, đồng lòng giúp TP.HCM sớm đẩy lùi dịch bệnh. |
Bệnh viện dã chiến Điều trị COVID-19 số 16 có 500 giường do Trung tâm hồi sức trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai chịu trách nhiệm.
Ngoài 3 bệnh viện chi viện từ Hà Nội, Bộ Y tế giao Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM quản lý vận hành Trung tâm Hồi sức COVID-19 quy mô 250 giường. Trung tâm này đặt tại tầng 5 của Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân).
"Phép màu" từ sự nỗ lực không mệt mỏi
Là một trong những chuyên gia sẽ trực tiếp tham gia vận hành, quản lý các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16 chia sẻ, chỉ trong một thời gian ngắn với sự sát sao trong công tác chỉ đạo của Bộ Y tế, lãnh đạo TP.HCM cùng sự quyết liệt và nỗ lực không mệt mỏi của các đơn vị, đội ngũ y tế các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 đã được hình thành.
"Với quyết tâm cao, Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được hình thành như một phép màu từ rừng dừa đước bên sông Nhà Bè để trở thành một Trung tâm hồi sức tích cực hiện đại", BS Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại lễ khánh thành. |
Chia sẻ trong buổi lễ khánh thành, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM gửi lời cảm ơn và cảm kích đến các lực lượng đã không ngại khó, ngại khổ để cùng chung sức ngăn chặn, chấm dứt dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM nói riêng và trên 19 tỉnh thành khu vực phía Nam nói chung.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, trên cơ sở bộ khung của các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế cùng sự phối kết hợp với các lực lượng từ TP.HCM, các tỉnh thành trên cả nước để tạo điều kiện tốt nhất cho TP.HCM.
Ông đề nghị 3 bệnh viện tuyến Trung ương, với vai trò là "đàn anh, đầu tàu", phải đoàn kết, đồng thuận, đồng bộ, chia sẻ hoạt động chuyên môn, tạo cơ hội tốt nhất cho việc phòng, chống dịch COVID-19.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin