Các bệnh thường gặp

Chớ xem thường đau lưng cơ năng

08:11, 11/02/2020
Đau lưng cơ năng là tình trạng xảy ra khá phổ biến hiện nay và có thể gặp ở bất kỳ ai.

Đau lưng cơ năng là tình trạng nhóm cơ ở vùng thắt lưng bị lực tác động mạnh dẫn đến tổn thương và hình thành nên các cơn đau co thắt. Bệnh ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt hàng ngày nên cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết

Đau lưng cơ năng là bệnh dễ gặp ở những người phải làm việc trong môi trường ít di chuyển, lao động nặng hoặc phải vận động trong thời gian dài như nhân viên văn phòng, phụ hồ, vận động viên thể dục thể thao, nhân viên bốc vác... Các triệu chứng đau lưng cơ năng thường sẽ chỉ xuất hiện ở vùng lưng, nếu nghiêm trọng hơn sẽ lan lên vùng cổ, vai, gáy. Khi bị đau lưng cơ năng, người bệnh có các dấu hiệu như:

Xuất hiện các cơn đau nhức dữ dội từ đốt sống lưng cho đến xương cụt, cơn đau sẽ có dấu hiệu tăng lên khi người bệnh vận động hoặc là cố sức làm việc. Cơn đau ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động của người bệnh khiến bạn cảm thấy rất khó chịu ngay cả khi đang nằm hoặc đứng. Càng khi vận động hay thay đổi tư thế khiến vùng tổn thương trở nên nghiêm trọng và cơn đau xuất hiện nhiều hơn. Ngay cả khi người bệnh nằm nghỉ, cơn đau lưng vẫn không thuyên giảm.

Một số nguyên nhân gây đau lưng cơ năng thường gặp

Vận động sai tư thế, làm việc quá sức hoặc khuân vác vật nặng: Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đau ở đoạn thắt lưng. Lúc này, hệ thống cơ lưng phải gồng lên hết cỡ trong thời gian dài, gây tổn thương đến cột sống và các cơ bị co rút gây đau.

 
Mang vác vật nặng sai tư thế là một nguyên nhân gây đau lưng cơ năng. 

Do chấn thương: Chấn thương do tai nạn hoặc vận động mạnh có thể dẫn đến tình trạng giãn cơ, bong dây chằng, nghiêm trọng hơn là gây tổn thương cột sống hình thành nên các cơn đau lưng cơ năng. Các cơn đau nhức co thắt xuất hiện ở thắt lưng khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu, tình trạng này thường diễn ra khi bạn bị bong gân hoặc hệ thống dây chằng bên trong cột sống bị căng giãn quá mức.

Thời tiết nóng lạnh đột ngột: Thời tiết có sự thay đổi thất thường chuyển lạnh đột ngột, làm việc trong môi trường nhiệt độ quá lạnh sẽ khiến các cơ phải chịu áp lực cao từ nhiệt độ, cơ thể không kịp thích ứng gây ra hiện tượng đau co thắt.

Cảm cúm: Khi bạn bị cảm cúm, cơ thể sẽ tăng cường sản xuất ra các tế bào miễn dịch để bảo vệ cơ thể ở tủy sống khiến người bệnh có triệu chứng đau nhức ở vùng thắt lưng.

Thường xuyên căng thẳng, stress: Khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, stress kéo dài sẽ sản sinh ra một số chất độc gây ảnh hưởng đến nồng độ hormon bên trong cơ thể. Từ đó, nội tiết tố sẽ bị rối loạn khiến phản ứng co duỗi cơ diễn ra chậm và hình thành nên các cơn đau lưng.

Phụ nữ đang “đèn đỏ” hoặc mang thai: Đây là giai đoạn nội tiết tố bên trong cơ thể phụ nữ bị rối loạn, ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu và phản ứng co duỗi đến các cơ, điều này sẽ gây áp lực lên cơ và hình thành nên các cơn đau lưng bất thường.

Các biện pháp phòng ngừa đau lưng cơ năng

Đau lưng cơ năng không phải là bệnh lý nguy hiểm và có thể tự khỏi sau vài ngày nếu bạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh tại nhà.

Khi bị đau lưng cơ năng, người bệnh nên xây dựng cho bản thân chế độ ăn uống hợp lý giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và canxi, đây là những khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của hệ xương và giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hạn chế sử dụng đồ ăn chế biến sẵn chứa chất bảo quản, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc là đồ cay nóng chứa nhiều gia vị gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và xương khớp. Nên tuyệt đối tránh xa đồ uống có cồn và chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá...

Trong sinh hoạt hàng ngày, cần hoạt động cơ thể đúng tư thế để tránh gây tổn thương quá mức đến cột sống cơ lưng. Một số tư thế lao động dễ gây tổn thương và xuất hiện cơn đau lưng cơ năng bạn nên hạn chế là mang các vật quá nặng, gập mạnh lưng xuống, quay lưng mạnh về một phía...

Nên cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi giúp cơ thể cảm thấy thư giãn, thoải mái. Điều này giúp hạn chế tình trạng cơ thể bị căng thẳng, stress kéo dài làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, nghỉ ngơi hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tái tạo và làm lành các tổn thương ở cơ xương.

Tăng cường luyện tập thể dục thể thao là một trong những biện pháp giúp cải thiện sức khỏe xương khớp rất hiệu quả. Tốt nhất bạn nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập luyện giúp xương cốt trở nên chắc khỏe và dẻo dai hơn.

Theo SK&ĐS

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện