Khoẻ đẹp

Lý do bạn bị muỗi đốt nhiều hơn người khác

09:01, 02/06/2024
Theo các chuyên gia, người bị muỗi đốt nhiều hơn có liên quan việc cơ thể tiết ra pheromone (chất dẫn dụ) thu hút muỗi.
Người tiết ra chất pheromone hấp dẫn được muỗi thì sẽ thu hút muỗi hơn. Ảnh: Drbenmedical.
Người tiết ra chất pheromone hấp dẫn được muỗi thì sẽ thu hút muỗi hơn. Ảnh: Drbenmedical.

Muỗi đốt không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu, chúng còn có thể truyền ký sinh trùng sốt rét, virus gây bệnh, điển hình là sốt xuất huyết. Muỗi xuất hiện ở mọi nơi nên rất khó tránh khỏi nguy cơ bị chúng tấn công.

Lý do bạn luôn thu hút muỗi

Một câu hỏi nhiều người thường băn khoăn là tại sao dù ở cùng một không gian, chỉ có bạn bị muỗi "hỏi thăm", trong khi người khác thì không.

Lý giải vấn đề này, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết người bị muỗi đốt nhiều hơn có liên quan việc cơ thể tiết ra pheromone (chất dẫn dụ) thu hút muỗi. Cơ thể của một số người tiết ra một chất pheromone hấp dẫn cảm thụ muỗi cho nên người này thường bị muỗi đốt nhiều.

"Người tiết ra chất pheromone hấp dẫn được muỗi thì sẽ thu hút muỗi hơn. Vì mỗi người sẽ tiết ra những chất pheromone khác nhau, có loại thu hút cảm thụ của muỗi, có loại thì không. Vậy nên mới có việc người bị muỗi đốt nhiều và ít", TS Dũng nói.

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Ảnh: Thanh Loan.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Ảnh: Thanh Loan.

Đồng quan điểm, TS Trần Quang Phục, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho rằng việc một số người bị muỗi đốt nhiều hơn còn có liên quan tới nhiệt độ. Muỗi phát triển mạnh ở khí hậu nóng ẩm và thích con người có nhiệt độ cơ thể cao hơn tự nhiên.

Các nghiên cứu đã chỉ ra một số loài muỗi nhất định bị thu hút nhiều hơn ở các vùng khác nhau trên cơ thể. Một số loài thích đầu và vai trong khi những con muỗi khác thích bàn chân và mắt cá chân.

"Một số nghiên cứu cũng chỉ ra muỗi bị thu hút bởi thán khí (CO2) mà bạn thải ra khi thở và đặc biệt là khi tập thể dục. Muỗi có thể phát hiện ra CO2 từ cách xa khoảng 50 m và sẽ di chuyển về phía khu vực đó để tìm kiếm 'vật chủ' tiềm năng", TS Trần Quang Phục cho hay.

Có nên tự phun hóa chất diệt muỗi?

Theo TS Nguyễn Văn Dũng, muỗi có bộ phận cảm thụ nằm ở râu. Đây là cơ quan muỗi dùng để tìm tới người và đốt. Bộ phận cảm thụ của muỗi rất mẫn cảm với mùi.

Tuy nhiên, không phải "thịt thơm" là muỗi thích. Thực tế, chúng rất mẫn cảm với mùi thơm. Theo TS Dũng, một số mùi hương muỗi thường không thích như sả, tinh dầu tràm, bạc hà…. Vì vậy, nhiều nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm chiết xuất từ những nguyên liệu này để đuổi muỗi.

Chuyên gia cho biết trên thị trường có rất nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên, người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi.

"Về cơ bản, biện pháp phun xịt hóa chất chỉ có hiệu quả trong 1-2 tiếng là khuếch tán hết ra môi trường và không còn tác dụng. Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết. Hóa chất chỉ diệt được những con trưởng thành trong thời điểm đó. Nếu bọ gậy vẫn còn lại thì chỉ vài tiếng sau sẽ nở ra và bắt đầu chu kỳ tấn công con người mới",TS Dũng nhấn mạnh.

Vì vậy, để phòng chống triệt để sốt xuất huyết, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là người dân cần loại trừ nơi sinh sống của bọ gậy. Bạn có thể áp dụng biện pháp vệ sinh môi trường xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không cần thiết để tránh nước đọng vô tình thành ổ đẻ cho muỗi.

Theo ZNews

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện