Vợ con cựu chủ tịch Interpol được Pháp cấp tị nạn chính trị
Grace Meng, vợ cựu chủ tịch Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vĩ, và hai con trai sinh đôi 7 tuổi được chính phủ Pháp cấp tị nạn chính trị vào tuần trước, theo thông tin do luật sư của gia đình bà cung cấp hôm 13/5.
Grace Meng nói rằng việc được ở lại Pháp mang đến cho gia đình bà sự an toàn cao hơn trong lúc bà theo đuổi cuộc đấu tranh tìm kiếm thông tin về nơi ở của chồng từ Trung Quốc và thậm chí liệu ông Mạnh còn sống hay không. "Nếu Pháp không bảo vệ tôi, tôi có thể bị giết từ lâu rồi. Đây là cuộc sống thứ hai dành cho tôi và các con", Meng nói.
Văn phòng tị nạn của chính phủ Pháp chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên, trong khi Bộ Nội vụ Pháp cho biết họ không bình luận về các trường hợp cá nhân.
Mạnh Hoành Vĩ từ Pháp về Trung Quốc hôm 25/9/2018 và 10 ngày sau, vợ ông báo cảnh sát vì mất liên lạc với chồng. Vài ngày sau đó, Interpol thông báo ông Mạnh đã xin từ chức chủ tịch và Trung Quốc cũng xác nhận đang điều tra ông này.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) hồi cuối tháng 3 thông báo ông Mạnh bị nghi ngờ "nhận hối lộ, gây tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của đảng, lợi ích của nhà nước và cần bị xử lý nghiêm khắc". Cựu chủ tịch Interpol cũng bị cáo buộc "chống đối quyết định của trung ương đảng, lạm dụng quyền lực để trục lợi, sử dụng ngân sách bừa bãi, phung phí để thỏa mãn lối sống xa hoa của gia đình".
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc hôm 10/5 thông báo truy tố Mạnh Hoành Vĩ về tội danh nhận hối lộ.
Grace Meng cho rằng quan chức Trung Quốc không đưa được ra bằng chứng cụ thể để buộc tội chồng mình và cho rằng vụ án của ông "có động cơ chính trị". Khi nộp đơn xin tị nạn hồi tháng một, Grace Meng nói rằng hai doanh nhân Trung Quốc đã đến thăm gia đình bà vào tháng 10/2018 và mời bà du lịch Czech cùng họ bằng máy bay riêng. Cuối tháng đó, lãnh sự quán Trung Quốc tại Lyon, Pháp cho biết họ có một lá thư từ chồng bà, song khẳng định bà phải xuất hiện để nhận thư.
Mạnh Hoành Vĩ là chủ tịch Interpol đầu tiên người Trung Quốc trong lịch sử 95 năm của tổ chức này. Trước khi được bầu làm lãnh đạo Interpol năm 2016, ông Mạnh là thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc và từng có thời gian làm việc cùng Chu Vĩnh Khang, cựu trùm an ninh Trung Quốc đang phải thụ án chung thân vì tội tham nhũng.
Theo VNE
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin