Liên kết Nga – Trung ngày càng chặt chẽ
Tuyên bố chung dài 79 trang 14.400 từ của NATO công bố vào cuối Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra hồi tuần trước đã thể hiện mối lo ngại về việc tăng cường quân sự cũng như những hành vi quyết đoán của Nga và Trung Quốc. Dù vậy, sự hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc lại chỉ được đề cập 1 lần, trong 1 câu ở đoạn thứ 55 rằng: Trung Quốc "đang hợp tac quân sự với Nga, trong đó bao gồm việc tham gia vào các cuộc tập trận của Nga ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương".
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Quân đội Nga và Trung Quốc đã tổ chức những cuộc tập trận chung trong hơn 1 thập kỷ. Cuộc tập trận năm 2015 là cuộc tập trận đầu tiên ở Địa Trung Hải và theo sau đó là cuộc tập trận đầu tiên của 2 nước này trên Biển Baltic năm 2017.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden vừa qua nhận định với Politico rằng, trong thập kỷ qua, quan hệ Nga - Trung "ngày càng đáng lo ngại" khi hai bên hoạt động "gần như một bán liên minh".
Nga và Trung Quốc thúc đẩy quan hệ chặt chẽ với nhau một phần nhằm đối phó với các nước phương Tây. Mặc dù vẫn chưa chắc chắn về mức độ của sự hợp tác nhưng mối quan hệ giữa 2 nước này đang phát triển nhanh chóng, Matthew Rojansky, giám đốc Viện Kennan tại Trung tâm Wilson đánh giá.
"Nếu so sánh, từ cách đây 10 hoặc 15 năm cho tới 5 năm trở lại đây thì sẽ thấy Nga cung cấp ngày càng nhiều công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc. Bắc Kinh cũng ngày càng sẵn sàng hơn, ít nhất là trong việc tiến hành các cuộc tập trận hoặc tăng cường hiện diện bên ngoài Đông Á", chuyên gia Rojansky nhận định với Insider, đồng thời gọi sự tham gia của Trung Quốc trong các cuộc tập trận ở châu Âu - Đại Tây Dương là "rất đáng kể".
Đảm bảo đối phương sẽ không “đâm sau lưng”
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc từng lao dốc vào thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, dẫn đến việc cắt đứt quan hệ vào đầu những năm 1960. Hai bên đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1989 và hợp tác an ninh trở thành bộ phận quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Nga - Trung kể từ đó.
"Khi Trung Quốc Quốc muốn tăng tốc quá trình hiện đại hóa lực lượng không quân và hải quân vào đầu những năm 1990, nước này đã mua các chiến đấu cơ và tàu chiến của Nga, chủ yếu là Su-27 và tàu khu trục Sovremenny, bởi Nga là nước có công nghệ quân sự tốt nhất mà Trung Quốc có thể mua". M. Taylor Fravel, giáo sư, đồng thời là giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhận định trong một sự kiện hồi tháng 4/2021.
Minh chứng cho sự ảnh hưởng của Nga có thể thấy rõ trong các loại vũ khí và các chiến thuật của các lực lượng hải quân, không quân và lực lượng trên mặt đất của Trung Quốc, Lyle Goldstein, giáo sư ngiên cứu về quân sự Trung Quốc tại Cao đẳng Naval War College của Mỹ đánh giá.
"Chắc chắn Trung Quốc đã học hỏi nhiều từ Nga và nghiên cứu các chiến thuật của Nga trong những năm qua", ông Goldstein cho hay. Tại phiên điều trần hồi tháng 3, ông Davison nhận định với các thượng nghị sĩ rằng, Trung Quốc đã tham gia vào cuộc tập trận quan trọng của các quân khu của Nga trong "3 năm liên tiếp", thể hiện mối quan hệ thân thiết giữa 2 nước này.
Ông Davidson cũng dẫn ra hoạt động của các máy bay ném bom của Nga và Trung Quốc trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông vào năm 2019 và 2020 - các cuộc tập trận mà ông Goldstein cho là nhằm phô trương khả năng của lực lượng không quân của 2 nước này, cũng như làm dấy lên cảnh báo từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cuộc tập trận năm 2019 là "một chiến dịch chung" bao gồm "các cuộc trao đổi giữa hệ thống giám sát và tình báo của 2 nước", Alexey Muraviev, giáo sư tại Đại học Curtain của Australia nhận định với Insider. Chuyên gia này cũng cho rằng kinh nghiệm tác chiến của Nga khiến nước này trở thành đổi tác hàng đầu của Trung Quốc trong những cuộc tập trận như vậy.
"Trung Quốc không có cơ hội tiến hành tập trận cùng với bất kỳ cường quốc quân sự nào. Vì thế, để học hỏi về kinh nghiệm trong chiến đấu và thực sự thích nghi với hướng tiếp cận tập trung vào các mạng lưới, Trung Quốc cần học hỏi và tham gia vào các cuộc tập trận của Nga”.
Ông Muraviev, một chuyên gia về chính sách an ninh của Nga tại Thái Bình Dương đã gọi quan hệ Nga - Trung là "gần như một liên minh quốc phòng".
Tại phiên điều trần trước Thượng viện hồi tháng 4, Trung tướng Scott Berrier, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cũng tán thành với những đánh giá của ông Wolters và Davidson, đồng thời gọi quan hệ hợp tác Nga - Trung là "mang tính cơ hội và có đi có lại", song cũng nhận định, cả hai bên này đều không muốn "một liên minh quân sự sâu sắc" để có nhiều "sự linh động" hơn.
Michael Kofman, chuyên gia cấp cao tại tổ chức nghiên cứu CNA cho biết, mặc dù giữa Nga và Trung Quốc thực chất không phải một liên minh quân sự về mặt chức năng mà giống một hiệp ước đảm bảo không hành động hung hăng với sự ràng buộc gần như tối thiểu, nhưng mối quan hệ này cho phép mỗi bên "tập trung vào Mỹ và có thể đảm bảo rằng đối phương sẽ không đâm sau lưng mình".
Quan hệ nước lớn kiểu mới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có nhiều cuộc gặp trong những năm gần đây, cũng như không ít lần ca ngợi mối quan hệ này. Tuy nhiên, giữa 2 nước này vẫn tồn tại nhiều bất đồng.
Trung Quốc có tham vọng ở Bắc Cực và ngày càng tăng cường hiện diện ở Trung Á - cả hai khu vực đều là nơi Nga duy trì ảnh hưởng trong một thời gian dài.
"Những hạn chế của mối quan hệ này được thể hiện rõ ở các khu vực bên ngoài, đặc biệt là tại Bắc Cực và Trung Á", Elizabeth Wishnick, giáo sư nghiên cứu về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Montclair State University nhận định.
"Tôi cho rằng Nga, ở một mức độ nhất định, chắc chắn lo ngại về việc Trung Quốc gia tăng hiện diện ở mọi nơi", Christopher Bort, cựu quan chức tình báo quốc gia phụ trách Nga và khu vực Á - Âu tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ cho hay.
Dù Nga - Trung có nhiều khác biệt nhưng theo các chuyên gia, khả năng của phương Tây trong việc khai thác những bất đồng này rất hạn chế.
Nga và Trung Quốc "hành động song song, chứ không hẳn là hợp tác, chủ yếu được định hình bởi các động lực bên trong chứ không phải sự phản ứng với các hành động của Mỹ hay NATO", ông Wishnick đánh giá, đồng thời dẫn ra sự hợp tác về an ninh, năng lượng, nông nghiệp và công nghệ, cũng như mong muốn của 2 nước này nhằm "xây dựng điều mà họ gọi là quan hệ nước lớn kiểu mới".
Rojansky, một chuyên gia về quan hệ Nga - Mỹ nhận định, các nước phương Tây không có nhiều "điểm chung" với Nga để thay thế Trung Quốc trong mối quan hệ này, nhưng Mỹ "có thể đưa ra cho Nga một vài lựa chọn" khi làm việc thông qua các đồng minh có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Việc theo đuổi một mối quan hệ đa dạng với những quốc gia trên sẽ có ý nghĩa với Nga hơn thay vì quan hệ đối tác với một mình Trung Quốc. Vì thế, đây là một khía cạnh mà Mỹ có thể đưa ra cho Moscow một vài lựa chọn để không phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh", chuyên gia này cho hay./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin