Phát biểu tại Quảng trường Thiên An Môn, một lần nữa ông Tập khẳng định sẽ không thay đổi các cam kết đã được đưa ra về việc thống nhất Đài Loan. Đồng thời nhấn mạnh, "thời đại Trung Quốc bị bắt nạt đã vĩnh viễn không còn".
"Chúng ta sẽ không cho phép bất cứ ai bắt nạt, đàn áp, khuất phục Trung Quốc. Bất cứ ai định làm điều này sẽ bị chặn lại trước bức tường thành được tạo nên từ 1,4 tỷ người", ông Tập nói trong tiếng vỗ tay rào rào của đám đông.
Trong bộ trang phục tối màu kiểu Mao Trạch Đông, ông Tập nhấn mạnh "sự chấn hưng vĩ đại" của Trung Quốc đã đi vào một quy trình lịch sử không thể đảo ngược. Ông cũng tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng một đội quân đẳng cấp thế giới để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Tân Hoa xã) |
"Đảng phải duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối với quân đội. Quân đội phải được phát triển và nâng tầm lên các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Trung Quốc cũng nhắc lại cam kết "thống nhất" Đài Loan trong bài phát biểu mới đây. Bắc Kinh từng khẳng định không loại trừ sử dụng vũ lực nếu cần thiết để đạt được mục tiêu này.
Ông Tập nhấn mạnh đây là cam kết "không thể lay chuyển".
"Không thể đánh giá thấp quyết tâm, ý chí và năng lực của người dân Trung Quốc trong việc xác định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ", ông nói.
Bài phát biểu của ông Tập cũng vẽ lại sơ đồ lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày thành lập ở Thượng Hải vào năm 1921 cho tới nay.
Ông khẳng định Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được mục tiêu 100 năm đầu tiên là xây dựng một “xã hội thịnh vượng vừa phải trên mọi phương diện”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định Đảng Cộng sản đã mang lại "sự chấn hưng quốc gia", đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và "thay đổi cục diện phát triển thế giới".
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách phục hồi sau thiệt hại từ dịch bệnh.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi ngày càng bị cô lập trong cộng đồng quốc tế vì các hành vi bắt nạt trên Biển Đông, tranh chấp với các nước láng giềng về vấn đề biên giới, thương mại.
Nền kinh tế thứ hai thế giới cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước như bất bình đẳng kinh tế, suy thoái môi trường...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin