Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tổ chức một cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu và Nga nhưng ý tưởng trên vừa mới đề xuất đã "chết từ trong trứng" tại Hội nghị Thượng đỉnh EU ở Brussels hôm 25/6. Không chỉ không nhận được sự nhất trí, đề xuất trên còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia châu Âu.
Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP |
Trước khi tới Brussels, Thủ tướng Merkel đã trao đổi ý tưởng trên trước Nghị viện Đức ở Berlin sáng 24/6.
"Việc Tổng thống Mỹ trao đổi với Tổng thống Nga vẫn chưa đủ. Dĩ nhiên, tôi rất hài lòng về cuộc gặp đó nhưng Liên minh châu Âu cũng phải tạo ra các hình thức trao đổi khác", nhà lãnh đạo Đức nhận định.
Dẫn ra những cuộc chiến ở Libya và Syria, bà Merkel cho rằng: "Chúng ta (EU) phải định nghĩa một chính sách với những lợi ích chiến lược chung, không chỉ trong bảo vệ khí hậu mà còn trong những lĩnh vực như hòa bình và an ninh".
Bà Merkel cũng tham vấn với Tổng thống Macron trước về ý tưởng này, người đã tóm tắt đề xuất trên tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tối 24/6.
"Đối thoại là cần thiết để ổn định châu Âu nhưng điều đó phải bền vững bởi chúng tôi sẽ không từ bỏ bất kỳ giá trị hay lợi ích nào của mình", ông Macron nhận định.
Tổng thống Pháp cho rằng: “Chúng ta không thể giữ thái độ hoàn toàn phòng thủ với Nga mà cần dựa vào từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, chúng ta đã chứng kiến một cuộc trao đổi mang tính cấu trúc rất hợp pháp giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin".
Căng thẳng trong quan hệ giữa EU và Nga ngày càng gia tăng trong những tháng gần đây. Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đã công kích ý tưởng mà Pháp - Đức đưa ra khi cho rằng: "Điều này chẳng khác nào nói chuyện với gấu để cứu vãn ít mật". Thủ tướng Đan Mạch Mark Rutte cũng tuyên bố thẳng thừng rằng ông từ chối bất kỳ ý tưởng nào về cuộc gặp với Tổng thống Putin.
Độc lập chính sách với Mỹ
Chắc chắn với những kinh nghiệm dày dặn trong việc đàm phán với Nga, Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel hiểu rõ, một Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Putin sẽ không tạo nên một chính sách hòa bình. Thay vào đó, ý định thúc đẩy chính sách quân sự và ngoại giao với Nga được cho là nhằm tăng cường sự độc lập với Mỹ và củng cố vị thế của EU trong trật tự thế giới đa cực, đồng thời mở rộng không gian đàm phán với Moscow và Bắc Kinh.
Thủ tướng Merkel nhận định, từ góc độ của châu Âu, việc chỉ tiến hành những cuộc trao đổi thông qua Tổng thống Mỹ là chưa đủ mà EU phải chủ động thúc đẩy quan điểm của mình qua những cuộc trao đổi trực tiếp.
Mặc dù đưa ra đề xuất tiến hành Thượng đỉnh với Nga nhưng cả Pháp và Đức đều muốn thể hiện rằng hai nước này sẽ không mềm yếu với Moscow.
Pháp đã tham gia cuộc tập trận hải quân Sea Breeze trên quy mô lớn ở Biển Đen ngày 28/6, được Mỹ và Ukraine tổ chức với 5.000 binh lính, 32 tàu chiến và 40 chiến đấu cơ từ nhiều quốc gia khác nhau. Lần đầu tiên, Đức điều 2 chiến đấu cơ Eurofighter từ Không đoàn Chiến thuật 71 “Richthofen” tới Romania ngày 24/6 để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không phận Biển Đen cùng các lực lượng của Anh cho tới ngày 9/7.
Tuy nhiên, Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel đều hướng tới một "bức tranh toàn cảnh" - đó là sự tự trị chiến lược của EU khi đưa ra đề xuất nối lại đối thoại EU - Nga. Hai nhà lãnh đạo này cho rằng, Tổng thống Biden dù tán thành với nhận định gọi Tổng thống Putin là "kẻ sát nhân" nhưng sẵn sàng dự Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga bởi điều đó phục vụ cho các lợi ích của Mỹ. Cả hai cũng cảm thấy không thoải mái khi thấy rằng EU đang tự đặt mình vào vị trí thấp hơn.
Tổng thống Pháp đã phản ứng mạnh mẽ khi đề xuất của Pháp - Đức về việc nối lại đối thoại với Nga bị bác bỏ. Ông cho rằng: "Một suy nghĩ sai lầm hiện nay là chúng ta phải là những bên cứng rắn nhất với Nga, bất chấp thực tế rằng họ là nước láng giềng của chúng ta".
Nhà lãnh đạo Pháp cũng nhận định: "Tôi không ám ảnh với một Hội nghị Thượng đỉnh giữa 27 thành viên EU với Nga. Tôi không cần một Hội nghị Thượng đỉnh EU để gặp Tổng thống Vladimir Putin. Tôi đã gặp ông ấy một vài lần trên cương vị là một tổng thống và tôi sẽ còn tiếp tục gặp ông ấy".
Hiện chưa rõ liệu Washington có dùng quyền lực và ảnh hưởng của mình để hủy bỏ đề xuất của Pháp - Đức hay không. Trên thực tế, những bên phản đối mạnh mẽ nhất đề xuất trên là các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và các nước vùng Baltic, vốn là những quốc gia nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Một điều đáng chú ý là sáng kiến của Đức và Pháp về một Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Putin dường như diễn ra ngay khi các nhà lãnh đạo EU ở Brussels công bố tuyên bố chung về mối quan hệ giữa EU với Nga.
Đại diện Cấp cao phụ trách An ninh và Chính sách Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhận định: "Với tình hình hiện nay, một mối quan hệ đối tác được làm mới lại giữa EU và Nga để hướng tới sự hợp tác chặt chẽ hơn dường như là một triển vọng xa vời".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đồng quan điểm khi cho rằng: "Những lựa chọn và hành vi hung hăng có chủ đích của Nga những năm qua đang khiến mối quan hệ này ngày càng lao dốc".
Chắc chắn, Mỹ không lấy làm vui vẻ gì khi Thủ tướng Merkel bỏ qua lời cảnh báo của Washington để tiến hành dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Đức cũng tìm kiếm một hướng tiếp cận mang tính cân bằng. Hiện nay, Đức muốn xây dựng quan hệ với Nga như một phần trong nỗ lực thúc đẩy sự tự trị chiến lược của EU.
Thậm chí sau khi đề xuất đối thoại với Nga không nhận được sự hưởng ứng, nhà lãnh đạo Đức vẫn bảo vệ lập trường của mình: "Tổng thống Mỹ đã có cuộc trao đổi nghiêm túc với Tổng thống Putin và tôi không có cảm giác rằng đây là một phần thưởng cho nhà lãnh đạo Nga. Theo quan điểm của tôi, một châu Âu có chủ quyền có thể đại diện cho cho những lợi ích của châu Âu trong một cuộc đối thoại tương tự".
Dư luận Đức ủng hộ tầm nhìn của Thủ tướng Merkel. Người có khả năng kế nhiệm bà Merkel trong cuộc bầu cử sắp tới, ông Armin Laschet, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Financial Times vào tuần trước cũng kêu gọi làm tan băng quan hệ với Nga, đồng thời cho rằng phương Tây phải cố gắng "xây dựng một mối quan hệ thực tế" với Moscow.
"Phớt lờ Nga không phục vụ cho lợi ích của châu Âu và cũng không phục vụ cho lợi ích của Mỹ".
Trên thực tế, sáng kiến của Đức - Pháp đã tạo nên sự chia rẽ trong châu Âu khi Đông Âu và các nước vùng Baltic có biên giới sát Nga luôn thận trọng trước bất kỳ động thái nào nới lỏng quan hệ với Moscow. Sáng kiến này cũng đặt những quốc gia lo ngại nhất về Nga như Ukraine, Georgia và Moldova trong tình trạng báo động. Những nước này cho rằng lời mời Tổng thống Putin dự Thượng đỉnh của EU khiến hướng tiếp cận của khối này với Moscow trở nên mềm mỏng và không tránh khỏi việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt với Nga./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin