Hôm 23/7, phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jasarevic cho rằng, mọi quốc gia đều có trách nhiệm hợp tác cùng WHO để truy tìm, làm rõ nguồn gốc dẫn đến đại dịch COVID-19.
"Đây không phải là vấn đề chính trị, cũng không phải vì mục đích đổ lỗi. Về cơ bản, nghiên cứu này hướng tới việc tìm hiểu cách thức mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể người. Các quốc gia thực sự có trách nhiệm làm việc cùng nhau và hợp tác với WHO", ông Tarik Jasarevic nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia hợp tác điều tra nguồn gốc COVID-19. (Ảnh: Reuters) |
WHO đề xuất giai đoạn hai của cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc. Theo kế hoạch, các chuyên gia của WHO sẽ kiểm tra phòng thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu tại khu vực mà những ca mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận vào tháng 12/2019.
Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đề nghị Trung Quốc cung cấp dữ liệu thô nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Ông cho rằng, các cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc đang bị cản trở do thiếu dữ liệu thô những ngày đầu dịch bệnh lây lan ở Vũ Hán và hối thúc Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa.
Trung Quốc gọi những tiêu chí của WHO đối với giai đoạn hai điều tra nguồn gốc COVID-19 là sự xúc phạm và nước này sẽ không thực hiện.
"Trong một số khía cạnh, kế hoạch điều tra tiếp theo của WHO không tôn trọng ý thức chung và chống lại khoa học. Chúng tôi không thể chấp nhận một kế hoạch như vậy”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Tăng Ích Tân cho hay.
Phản ứng trước động thái của Trung Quốc, hôm 22/7, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bày tỏ thất vọng về việc Trung Quốc từ chối mở cuộc điều tra về khả năng virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm, cho rằng việc Bắc Kinh từ chối điều tra giai đoạn 2 nguồn gốc COVID-19 là vô trách nhiệm và nguy hiểm.
Bà Jen Psaki cho biết, Mỹ sẽ cùng với các nước khác trên thế giới tiếp tục kêu gọi Trung Quốc cung cấp dữ liệu và các mẫu bệnh phẩm cần thiết để nghiên cứu, ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin