Tai nạn thảm khốc xảy ra ở eo biển giữa Anh và Pháp, mà phía Anh gọi là English Channel còn Pháp gọi là La Manche hôm 24/11. Phát biểu bên ngoài một bệnh viện ở Calais, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin thông tin, trong số những người chết đuối có 5 phụ nữ và một bé gái nhỏ tuổi. Hai nạn nhân được cứu sống và một người khác vẫn đang mất tích.
Xe cấp cứu được huy động tới cảng Calais, Pháp tối 24/11. Ảnh: The Guardian |
Nhà chức trách Pháp tin rằng, số người tử vong có thể còn tăng vì thuyền đang chở khoảng 50 người di cư lúc gặp nạn. Theo BBC, Pháp thông báo đã bắt giữ 4 nghi phạm tại Bỉ, tình nghi là thủ phạm tổ chức vụ vượt biên bằng thuyền nói trên.
Một chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ những người sống sót đang diễn ra ở eo biển, với sự tham gia của các trực thăng đến từ Pháp, Anh và Bỉ. Chính quyền địa phương mô tả đây là vụ tai nạn tồi tệ nhất từ trước đến nay ở vùng nước này.
Tàu cứu hộ của Pháp ở Calais. Ảnh: PA |
Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều bày tỏ sốc và đau lòng trước thảm kịch, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
CNN trích dẫn lời Tổng thống Macron nói, ông "không cho phép eo biển La Manche biến thành nghĩa địa", đồng thời kêu gọi các lãnh đạo châu Âu gia tăng những nỗ lực nhằm tránh các thảm kịch tương tự tái lặp trong tương lai.
"Tôi muốn bày tỏ lòng tiếc thương cũng như sự hỗ trợ vô điều kiện của Pháp đến gia đình các nạn nhân, những người thân yêu của họ. Tôi đảm bảo với họ rằng, mọi thứ sẽ được thực hiện để truy tìm và lên án những kẻ chịu trách nhiệm, các mạng lưới những kẻ buôn người đang trục lợi trên sự khốn cùng và đau khổ, gây nguy hiểm đến tính mạng con người và cuối cùng là tàn sát các gia đình", ông Macron nhấn mạnh.
Theo ông Macron, Pháp đang phối hợp với Anh để ngăn chặn các đường dây buôn người suốt nhiều tháng qua. Kể từ đầu năm 2021, 1.552 tên tội phạm đã bị bắt ở bờ biển phía bắc và 44 mạng lưới buôn người đã bị triệt phá.
Anh đang vật lộn đối phó với làn sóng di dân bất hợp pháp vào nước này tăng cao. Ảnh: The Guardian |
Bất chấp những nỗ lực trên, chỉ từ đầu năm nay, số di dân đổ bộ bằng thuyền, phao thô sơ từ Pháp và Bỉ vào Anh đã lên tới 2̀5.700 người. Đây là số trường hợp đã "sang thành công" và được cho vào các trại tị nạn. Con số thực tế có thể lớn hơn vì còn những người di cư không ai biết hoặc bị tai nạn không tới được Anh.
Làn sóng di dân bất chấp rủi ro tìm đến Anh thay vì xin tị nạn tại Pháp hoặc các nước châu Âu khác đang tạo ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. London chỉ trích Paris "không làm đủ" để chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Ngược lại, Paris cáo buộc luật lao động ở Anh quá dễ dãi, "cho người không giấy tờ làm việc", khiến xứ sở sương mù trở thành "nam châm thu hút người nhập cư lậu".
Thủ tướng Anh Johnson đã chủ trì cuộc họp an ninh của chính phủ tối 24/11 để bàn về vụ lật thuyền. Phát biểu trước báo giới, ông Johnson cho hay, thảm kịch một lần nữa đã nhấn mạnh về mức độ nguy hiểm khi vượt qua eo biển trái phép. Ông nói đã đến lúc Anh, Pháp và châu Âu cùng tăng cường hành động và hợp tác để giải quyết vấn đề.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin