Thế giới

COVID-19 tới 6h sáng 13/2: Mỹ hoãn tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi; Ca mắc mới ở Hàn Quốc cao kỷ lục

07:12, 13/02/2022
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,8 triệu ca ca mắc COVID-19 và trên 7.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 410,5 triệu ca, trong đó trên 5,82 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (203.766 ca), Đức (151.871 ca) và Brazil (134.228 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (816 ca), Nga (729 ca) và Mỹ (617 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất với trên 79,2 triệu ca, trong đó trên 942.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,6 triệu ca mắc và trên 508.000 ca tử vong; Brazil với trên 27,4 triệu ca mắc và trên 638.000 ca tử vong. 

Trong bối cảnh các nước đẩy mạnh tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường, Mỹ đã công bố nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm này. Theo đó, hiệu quả bảo vệ của mũi tăng cường do các hãng Pfizer và Moderna phát triển sẽ giảm đáng kể sau 4 tháng được tiêm, song vẫn có thể làm giảm khả năng bệnh biến chuyển nghiêm trọng hơn.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 25/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Đến nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của vaccine phòng bệnh giảm sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về thời gian duy trì hiệu quả của mũi tăng cường (mũi thứ 3). Nghiên cứu mới được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện dựa trên các dữ liệu thu thập về hơn 241.204 người đến thăm khám tại khoa cấp cứu hoặc khoa điều trị khẩn cấp và 93.408 ca nhập viện là người trưởng thành mắc các triệu chứng giống COVID-19 trong giai đoạn từ 26/8/2021-22/1/2022.

Các tác giả kết luận việc phát hiện ra hiệu quả của mũi tăng cường vaccine mRNA giảm trong vài tháng sau tiêm sẽ củng cố thông tin để quyết định về việc tiêm mũi thứ 4 nhằm duy trì hoặc cải thiện hiệu quả của vaccine phòng bệnh. Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ trong tuần, cố vấn dịch bệnh Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết nhiều khả năng những người có hệ miễn dịch yếu như người già và người bị suy giảm miễn dịch sẽ cần phải tiêm mũi vaccine thứ 4. 

Mỹ hoãn phê chuẩn vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi

Tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi tại Hartford, Connecticut, Mỹ, ngày 2/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết định của Mỹ cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ nhỏ dưới 4 tuổi sẽ phải trì hoãn ít nhất 2 tháng sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố cần thêm các dữ liệu thử nghiệm để đưa ra khuyến nghị chính thức. 

Trong tuyên bố ngày 11/2, FDA cho biết cơ quan này đã đánh giá các thông tin mới từ cuộc thử nghiệm mà Pfizer/BioNTech đã gửi kèm cùng với đơn xin cấp phép, tuy nhiên cơ quan này khẳng định cần thêm nhiều dữ liệu đánh giá hơn trước khi có quyết định. 

Theo kế hoạch trước đó, FDA dự định trong tuần tới sẽ đưa ra ra khuyến nghị sử dụng loại vaccine trên cho trẻ sơ sinh và trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi và Chính phủ Mỹ sẽ triển khai chương trình tiêm chủng dành cho trẻ nhỏ từ ngày 21/2. FDA trước đó đã yêu cầu Pfizer đẩy nhanh quá trình xin cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ nhỏ này do biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca nhiễm mới, đặc biệt ở trẻ em. 

Đầu tháng 2, Pfizer/BioNTech đã xúc tiến quy trình cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng cho nhóm đối tượng trẻ nhỏ theo yêu cầu của FDA. Tuy nhiên, hãng dược phẩm này không công khai dữ liệu đánh giá về hiệu quả của vaccine họ đối với nhóm đối tượng này. 

Việc Pfizer/BioNTech đẩy nhanh việc xin cấp phép là khá bất ngờ bởi hồi tháng 12/2021, hai công ty dược phẩm này ra thông báo cho biết hiệu quả thử nghiệm không được như mong muốn và hãng sẽ điều chỉnh các cuộc thử nghiệm với mũi 3. Trong tuyên bố ngày 11/2, Pfizer/BioNTech cho biết đến đầu tháng 4, hãng mới có được dữ liệu đánh giá từ thử nghiệm mũi 3 này.

Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm đánh giá và nghiên cứu sinh học của FDA trấn an các bậc phụ huynh về sự chậm trễ này, nhấn mạnh cơ quan này cần thêm thời gian để đưa ra quyết định vì muốn đảm bảo vaccine phải đạt mọi tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả khi được cấp phép sử dụng.

Cuba ghi nhận số ca bệnh mới hàng ngày thấp nhất kể từ đầu năm

Sát khuẩn tay trước khi vào một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Havana,Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Cuba (MINSAP) ngày 12/2 cho biết trong vòng 24 giờ qua, đảo quốc Caribe đã ghi nhận 888 ca mắc mới COVID-19, con số thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Trong thông báo mới nhất, Bộ Y tế Cuba cho biết gần 10 triệu người dân nước này, tương đương với 88,1% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, trong khi hơn 10,5 triệu trên tổng số 11,3 triệu người dân Cuba đã được bảo vệ bằng ít nhất một liều vaccine, qua đó đưa đảo quốc Caribe trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất ở khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ 3 trên thế giới, sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bồ Đào Nha. Ngoài ra, hơn 5,7 triệu người Cuba, tương đương với hơn 50% dân số, đã được tiêm liều vaccine tăng cường.

Trước đó, MINSAP hôm 11/2 thông báo sẽ chính thức kích hoạt chứng chỉ kỹ thuật số về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 14/2 tới.

Chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số của Cuba sử dụng nền tảng ảo và có tham khảo mẫu hộ chiếu COVID-19 của các quốc gia khác. Nhóm thiết kế chứng chỉ này đảm bảo rằng nền tảng của Cuba đạt yêu cầu về bảo mật dữ liệu và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Na Uy dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch COVID-19

Ngày 12/2, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere thông báo nước này hủy bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế vì đại dịch COVID-19 còn lại. Trước đó, quốc gia Bắc Âu này đã dỡ bỏ một số biện pháp kiềm chế dịch bệnh kể từ ngày 1/2 vừa qua.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Oslo, Na Uy ngày 27/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Jonas Gahr Stoere cho rằng đại dịch COVID-19 hiện không còn là mối đe dọa y tế lớn đối với Na Uy nữa vì nhiều thông tin đến nay cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh ít nghiêm trọng hơn và vaccine có hiệu quả bảo vệ trước dịch bệnh. 

Quy định mới sẽ có hiệu lực từ 9h GMT ngày 12/2. Theo đó, người dân Na Uy không còn phải giữ khoảng cách ít nhất 1m nữa và cũng không cần đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người. Các câu lạc bộ ban đêm và cơ sở giải trí khác có thể nối lại hoạt động hết công suất. Hơn nữa, những người nhiễm virus cũng không phải thực hiện tự cách ly, thay vào đó họ được khuyến nghị ở nhà 4 ngày. Hành khách đến Na Uy không cần phải đăng ký trước và chính phủ nước này cũng loại bỏ quy định trước đó về việc phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành đối với một số nhóm hành khách như những người chưa tiêm chủng. 

Tuy nhiên, Na Uy vẫn duy trì một số biện pháp hạn chế đối với quần đảo Svalbard ở Bắc cực. Theo đó, hành khách đến Svalbard, nơi dịch vụ y tế hạn chế, vẫn cần phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính trước và sau khi đến, trong khi những chuyến bay thuê bao quốc tế đến quần đảo này vẫn chưa được thực hiện. 

Hồi tháng 12/2021, Na Uy đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần nhằm ngăn chặn biến thể Omicron.

Bỉ hạ mức cảnh báo phòng chống dịch

Nhân viên dọn dẹp để mở cửa nhà hàng ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 (CODECO) đã nhóm họp dưới sự điều hành của Thủ tướng Bỉ, Alexander De Croo.

Căn cứ vào những chỉ số về dịch bệnh như số lượng bệnh nhân nhập viện, số ca điều trị tích cực, CODECO đã quyết định hạ mức cảnh báo dịch từ màu đỏ xuống màu cam. Theo đó, kể từ ngày 18/2, một số biện pháp nới lỏng sẽ được áp dụng: lĩnh vực nhà hàng sẽ không bị bắt buộc 6 người/bàn như trước cũng như quy định giờ đóng cửa. Việc đứng uống tại quầy bar cũng được cho phép. Vũ trường và quán bar đêm được phép hoạt động trở lại.

Căn cứ vào tình hình trong các trường học khi số lượng học sinh và giáo viên vắng mặt do mắc COVID-19 đã giảm rất nhiều, CODECO cho phép học sinh dưới 12 tuổi không phải đeo khẩu trang ở trường. 

Liên quan đến người lao động, làm việc từ xa không bắt buộc nhưng vẫn được khuyến nghị. Các hoạt động thể thao trong nhà được phép đón tiếp từ 100-200 khán giả, trong khi các hoạt động ngoài trời không bị giới hạn về số lượng người tham gia cũng như công chúng tham dự. Các cửa hàng không bị giới hạn lượng khách vào mua sắm.

Tuy nhiên, Thủ tướng De Croo nhấn mạnh chứng chỉ xanh về COVID-19 (CST) sẽ vẫn được yêu cầu để được vào các nhà hàng, quán bar, tham dự các chương trình biểu diễn và sự kiện. Việc đeo khẩu trang sẽ vẫn là bắt buộc đối với nhân viên. Theo Bộ trưởng Y tế, Frank Vandenbroucke, CODECO sẽ xem xét vào tháng 3 liệu các biện pháp này có thể được dỡ bỏ hay không.

Theo giới chức Bỉ, virus coronas vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, mọi người luôn phải cảnh giác đối phó với những yếu tố mới. Các biện pháp phòng dịch vẫn phải được tuân thủ.

Bỉ nới lỏng các biện pháp nhằm chuẩn bị cho kỳ nghỉ carnaval hằng năm, sẽ bắt đầu từ cuối tháng này.

Đại dịch COVID-19 đã gây tử vong cho 30.000 người ở Bỉ kể từ khi bắt đầu bùng phát hai năm trước.

Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 9/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 12/2, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 54.941 ca, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.294.205 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc vượt quá 50.000 ca. Nguyên nhân được cho là do sự lây lan mạnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. 

Theo Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này cũng ghi nhận 33 người không qua khỏi vì dịch bệnh, đưa tổng số ca tử vong lên 7.045 ca. Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo số ca nhiễm mới có thể lên đến 170.000 ca/ngày vào cuối tháng này dù vẫn còn quá sớm để dự báo liệu đó có phải là đỉnh của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron hay không. Thậm chí, Viện Khoa học toán học quốc gia Hàn Quốc, còn cho rằng số ca mắc mới trong một ngày ở nước này có thể lên đến 360.000 ca vào đầu tháng 3 tới. 

Ca mắc mới ở Hong Kong (Trung Quốc) lập kỷ lục

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 11/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 12/2, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 1.514 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay và 3 ca tử vong vì COVID-19. Giới chuyên gia thuộc Đại học Hong Kong dự báo số ca nhiễm mới có thể lên đến hàng chục nghìn người mỗi ngày trong vài tuần tới, gây rủi ro lớn cho những người cao tuổi mà nhiều người trong số đó chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. 

Giới chức y tế Hong Kong cho rằng đây là "cuộc chiến khó khăn nhất" để chống lại đại dịch trong vòng 2 năm qua, đồng thời kêu gọi người dân hợp tác bằng cách ở nhà để hạn chế dịch bệnh lây lan. 

Trước tình hình dịch bệnh lây lan mạnh, giới chức Hong Kong ngày 12/2 đã đến thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) để thảo luận các biện pháp hỗ trợ với các quan chức Trung Quốc đại lục. Tổng Thư ký Hành chính Hong Kong Lý Gia Siêu cho biết chính quyền Trung ương Trung Quốc sẽ dốc toàn lực hỗ trợ Hong Kong đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ 5. Ông Lý Gia Siêu nhấn mạnh Hong Kong không có kế hoạch phong tỏa toàn thành phố, đồng thời tin tưởng rằng các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay sẽ phát huy tác dụng, chính quyền Đặc khu luôn đặt sức khỏe của người dân và an toàn cộng đồng lên hàng đầu.

Đến nay, Hong Kong ghi nhận tổng cộng hơn 20.000 ca bệnh, trong đó hơn 200 người tử vong. Hong Kong hiện đã đình chỉ hầu hết các chuyến bay và gần như không có chuyến bay nào được phép quá cảnh.

Thái Lan viện trợ vaccine ngừa COVID-19 cho 6 nước

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã thông qua đề xuất hỗ trợ tới 3,55 triệu liều vaccine AstraZeneca cho 6 quốc gia là Myanmar, Lào, Việt Nam, Nepal, Kenya và Ethiopia.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin ngày 11/2 cho biết đáp lại tín hiệu của Thái Lan với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng nước này sẵn sàng tặng vaccine cho các quốc gia khác có nhu cầu thông qua sáng kiến tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 (COVAX), WHO đã cho phép Thái Lan tiến hành tài trợ trực tiếp cho 6 quốc gia nói trên.

Theo ông Taweesilp, sau khi được CCSA thông qua, khoảng 3,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được chuyển đến các quốc gia nêu trên. Cụ thể, Thái Lan sẽ tặng từ 500.000 đến 1 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Myanmar, 300.000 liều cho Lào, 300.000 liều cho Việt Nam, 400.000 liều cho Nepal, 550.000 liều cho Kenya và 1 triệu liều cho Ethiopia.

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 12/2 ghi nhận thêm 16.330 ca mắc mới cùng 25 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.577.445 ca, trong đó có 22.412 người không qua khỏi.

Bất chấp tình hình các ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng, CCSA hôm 11/2 đã không thay đổi việc phân loại các tỉnh dựa trên mức độ nghiêm trọng của dịch và giữ nguyên các biện pháp phòng chống dịch hiện nay. 

Theo người phát ngôn CCSA, cơ quan này vẫn giữ nguyên các biện pháp hiện tại với niềm tin rằng các biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. CCSA cũng ủng hộ kế hoạch của Bộ Y tế đẩy nhanh việc tiêm chủng cho học sinh và tiêm các liều nhắc lại cho người cao tuổi và những người có bệnh nền. CCSA tin rằng việc tăng tốc độ tiêm chủng sẽ đảm bảo hệ thống y tế công cộng hiện tại có thể chăm sóc cho những người có các triệu chứng nghiêm trọng, vì số lượng những đối tượng đó có thể tăng lên sau khi tỷ lệ mắc mới cao hơn.

Tính đến ngày 8/2, trên 52% trong tổng số hơn 35.500 trường học trên toàn quốc đã mở cửa và đang tổ chức các lớp học tại chỗ. Các trường học còn lại đang thực hiện các phương pháp dạy học trực tuyến hoặc qua các ứng dụng trên điện thoại và hệ thống học từ xa trên truyền hình.

CCSA cho biết gần 100% nhân viên trường học đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi 79,45% đã tiêm mũi tiêm thứ hai. Đối với học sinh, 95,11% đã được tiêm mũi đầu tiên  và 71,41% được tiêm mũi thứ hai.

Trung Quốc phê duyệt có điều kiện đối với thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer

Paxlovid - một loại thuốc điều trị COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức y tế Trung Quốc ngày 12/2 cho biết nước này đã phê duyệt có điều kiện đối với Paxlovid - một loại thuốc điều trị COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất - để điều trị cho các bệnh nhân là người trưởng thành mắc COVID-19 ở thể nhẹ và trung bình, nhưng có nguy cơ trở nặng.

Cơ quan quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc cho biết giới chuyên gia vẫn đang triển khai thêm các nghiên cứu về loại thuốc này, trước khi Paxlovid có thể được phê duyệt hoàn toàn.

Paxlovid đã được cấp phép sử dụng tại một số quốc gia, trong đó bao gồm Mỹ và Israel, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép các quốc gia thành viên sử dụng Paxlovid ngay cả trước khi loại thuốc này chính thức được phê duyệt là một trong những phương pháp điều trị khẩn cấp trước sự lây lan của biến thể Omicron. 

Paxlovid bao gồm nirmatrelvir, ức chế một protein SARS-CoV-2 để ngăn virus nhân lên và ritonavir làm chậm sự phân hủy của nirmatrelvir giúp thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn và ở nồng độ cao hơn.

Theo baotintuc

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện