Đầu tiên, ngày 10/2/2022, các máy bay chiến đấu hạng nặng F-15C/D Eagle của Mỹ đã được triển khai đến căn cứ không quân Lask ở Ba Lan để hỗ trợ các nhiệm vụ tuần tra không phận Baltic (Baltic Air Policing). Máy bay được triển khai với số lượng tương đối nhỏ, nhưng lại trang bị tên lửa không đối không AIM-120 phù hợp với vai trò của chúng.
Đợt triển khai đáng chú ý nhất của Không quân Mỹ là việc điều chuyển 4 máy bay ném bom chiến lược có khả năng hạt nhân B-52H đến Vương quốc Anh. Nguồn: topwar.ru |
Một tuyên bố của Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh lưu ý về việc triển khai rằng, "các máy bay chiến đấu bổ sung sẽ tăng cường sự sẵn sàng và khả năng răn đe cũng như phòng thủ của NATO khi Nga tiếp tục tập trung quân xung quanh Ukraine".
F-15 đã phục vụ trong Không quân Mỹ từ năm 1976, biến thể C/D được đưa vào trang bị vào khoảng năm 1980. Các máy bay chiến đấu này được thiết kế chủ yếu để chiến đấu tại Châu Âu, chống lại Không quân Liên Xô. Tuy nhiên, khả năng đối đầu của chúng với các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga đã nhiều lần bị giới chức quân sự Mỹ nghi ngờ và đưa ra chất vấn.
Đợt triển khai máy bay chiến đấu thứ hai được thực hiện ngày 11/2/2022 - những chiếc F-16 nhẹ hơn và rẻ hơn được đưa vào trang bị từ năm 1978, đã được điều tới Romania. Các máy bay này thuộc Phi đoàn chiến đấu số 52, và được triển khai từ Cộng hòa Liên bang Đức. Các hình ảnh cho thấy những chiếc F-16 này cũng được trang bị tên lửa không đối không AIM-120, với mức độ sẵn sàng tác chiến cao.
F-16 là máy bay chiến đấu có số lượng đông nhất trong cả Không quân Mỹ và NATO, nó cũ hơn và nhẹ hơn bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Không quân Nga. Tuy nhiên, khả năng sống sót của máy bay trên các chiến trường thế kỷ 21 liên tục bị các quan chức quân sự Mỹ và đồng minh đặt câu hỏi. Thậm chí một số người đã tuyên bố rằng nó sẽ lỗi thời vào năm 2024.
Sự chậm trễ kéo dài nhiều năm trong việc thay thế F-35 tàng hình dùng cho các cuộc chiến cường độ trung bình đã buộc Không quân Mỹ và NATO tiếp tục phụ thuộc nhiều vào những chiếc F-16. Máy bay chiến đấu này có tầm bay ngắn hơn nhiều, độ bền thấp hơn, bộ cảm biến kém hơn và hiệu suất bay yếu hơn so với F-15 cao cấp hoặc so với các máy bay chiến đấu tiền tuyến như Su-30SM hoặc Su-35 của Nga.
Việc triển khai tiếp các máy bay chiến đấu của Mỹ diễn ra khi Nga đã triển khai các máy bay hiệu suất cao của mình, cụ thể là Su-35, từ các vùng phía đông xa xôi tới Belarus, đồng thời triển khai các máy bay phản lực Su-30SM2 mới được đưa vào sử dụng tại Kaliningrad. Cần lưu ý rằng, F-15C/D Eagle triển khai ở Ba Lan và F-16 ở Romania đã lỗi thời đáng kể và không thể đương đầu với các máy bay chiến đấu Su-35S và Su-30SM của Nga được triển khai gần Ukraine, Belarus và khu vực Kaliningrad.
Đợt triển khai thứ ba và đáng chú ý nhất của Không quân Mỹ là việc điều chuyển bốn máy bay ném bom chiến lược có khả năng hạt nhân B-52H của Phi đội ném bom số 69 thuộc Phi đoàn ném bom số 5, cùng với các máy bay tiếp dầu hỗ trợ và một chiếc C-5M Galaxy mang theo thiết bị và nhân viên liên quan từ Bắc Dakota đến căn cứ không quân Fanford (Vương quốc Anh). Đây là căn cứ tiền phương của các máy bay ném bom Mỹ ở Châu Âu.
Có từ thời chiến tranh Việt Nam, B-52H được đưa vào sử dụng với số lượng lớn hơn bất kỳ loại máy bay ném bom nào khác của phương Tây với thế mạnh là có thể sử dụng vũ khí hạt nhân từ trên không bằng một loạt tên lửa hành trình không đối đất tiên tiến. Máy bay cũng có thể sử dụng vũ khí phi hạt nhân dẫn đường chính xác và có thể thực hiện nhiệm vụ đó từ bên ngoài lưới lửa phòng không của đối phương.
Các máy bay ném bom có thể tấn công các mục tiêu trên phần lớn lãnh thổ nước Nga bằng đầu đạn hạt nhân mà không cần di chuyển quá xa ra bên ngoài không phận Anh. Washington đã sử dụng vũ khí uy lực duy nhất này để gửi tín hiệu mạnh tới Moscow. Tuy nhiên, các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Nga, đặc biệt là với các tên lửa có tầm bắn ngoài đường chân trời, có khả năng sẽ nhắm các sân bay có máy bay B-52 đồn trú như mục tiêu ưu tiên trong trường hợp xung đột nổ ra.
Việc triển khai thêm lực lượng của Không quân Mỹ vẫn có thể xảy ra nếu căng thẳng không giảm bớt, mặc dù điều này sẽ làm chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực của Mỹ khỏi các chiến trường khác như Trung Đông và Đông Á mà như nhiều nhà phân tích quân sự và chiến lược đã cảnh báo, có thể phải trả một chi phí quá lớn./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin