Năm 2019, ước tính trên toàn cầu có 4,95 triệu ca tử vong liên quan tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Điều này khiến nó trở thành căn bệnh gây tử vong thứ 3 thế giới.
Trong nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí The Lancet ngày 19/1, nhóm chuyên gia tại Đại học Washington, Mỹ, nhấn mạnh hậu quả khôn lường mà tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể gây ra.
Hành động ngay trước mối đe dọa
Thuốc tiêu diệt vi khuẩn được xem là một trong những khám phá vĩ đại của nhân loại. Năm 1928, Alexander Fleming phát hiện hoạt tính kháng khuẩn trong nấm Penicillium, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành y. Kể từ đó, nhân loại không còn lo lắng về cái chết do vết xước trên bụi hoa hồng hay bệnh lậu. Trong nhiều thập kỷ sau, thuốc kháng sinh đã cứu mạng hàng tỷ người trên toàn cầu.
Song, vi khuẩn âm thần phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh, thậm chí từ rất lâu, trước cả khi chúng ta bắt đầu sử dụng chúng. Chúng là vũ khí sinh học tiến hóa tự nhiên để các vi khuẩn chiến đấu với nhau. Việc liên tục sử dụng lặp đi lặp lại cùng một loại kháng sinh tạo cơ hội cho vi khuẩn thích nghi với chúng nhanh hơn, dẫn đến ngày càng có nhiều người bị nhiễm trùng không còn đáp ứng kháng sinh truyền thống.
Hậu quả của điều này là số lượng bệnh nhân không chống chọi được với các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc ngày một nhiều. Hàng loạt nghiên cứu gióng lên hồi chuông cảnh báo số người tử vong vì kháng kháng sinh thậm chí cao hơn nhiều lần sốt rét hay HIV/AIDS.
Kháng thuốc kháng sinh là tình trạng vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, khiến bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Ảnh: The Conversation.
Kháng thuốc kháng sinh là tình trạng vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, khiến bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Ảnh: The Conversation. |
Nhà kinh tế học sức khỏe Chris Murray, Đại học Washington, Mỹ, và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu ước tính mang tính toàn cầu, cho thấy tác động mạnh mẽ của tình trạng kháng thuốc với nhân loại.
“Các ước tính dự đoán vào năm 2050 sẽ có gần 10 triệu người mất mạng mỗi năm vì kháng kháng sinh. Chúng ta đang tiến gần hơn tới con số đó. Nếu không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua chống kháng thuốc, chúng ta cần tận dụng dữ liệu này để hành động đúng và thúc đẩy đổi mới. Những dữ liệu mới của chúng tôi tiết lộ quy mô thực sự của tình trạng kháng thuốc trên toàn thế giới và lời cảnh báo rõ ràng cho việc chúng ta phải hành động ngay trước mối đe dọa”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Mối đe dọa được báo hiệu từ lâu
Nhóm chuyên gia phân tích dữ liệu về 23 loài vi khuẩn khác nhau (trong đó có E.Coli, S.Pneumoniae, S.Aureus…) và kết hợp với 88 thuốc kháng sinh từ 204 quốc gia. Họ sử dụng 471 triệu hồ sơ về bệnh nhiễm trùng và tạo ra mô hình thống kê ước tính quy mô của tình trạng kháng thuốc trên toàn cầu.
Với hai kịch bản được đưa ra, họ kết luận vào năm 2019, 1,27 triệu người tử vong liên quan trực tiếp tình trạng kháng thuốc. Đây là gánh nặng lớn với tất cả quốc gia, khu vực trên thế giới, đặc biệt là những nơi có thu nhập thấp đến trung bình.
Những tính toán cũng cho thấy chỉ kháng kháng sinh là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 thế giới vào năm 2019, chỉ sau đột quỵ và bệnh tim. Theo ước tính của các chuyên gia y tế, khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ tình trạng kháng thuốc là châu Phi hạ Sahara và Nam Á. Tỷ lệ tử vong do kháng thuốc tại hai khu vực trên lần lượt là 24 và 22 ca tử vong trên 100.000 dân.
Các tác giả nhấn mạnh đây là lần đầu tiên có một ước tính mang tính toàn cầu được thực hiện. Do đó, nó có thể tồn tại một số khoảng trống dữ liệu từ một số nơi trên thế giới và khó khăn trong giám sát tình trạng kháng thuốc. Dù vậy, điều này không ảnh hưởng kết luận chúng ta đang gặp vấn đề lớn đe dọa sức khỏe toàn cầu.
"Mối đe dọa của tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã được báo hiệu từ lâu. Điều cần làm bây giờ là nâng cao nhận thức cộng đồng, giám sát, cải thiện chẩn đoán, sử dụng kháng sinh hợp lý hơn, tiếp cận với nguồn nước sạch và đảm bảo vệ sinh cũng như đầu tư vào thuốc kháng sinh, vaccine mới”, các tác giả viết trong nghiên cứu.
Nhóm chuyên gia cũng kêu gọi các nhà hoạch định chiến lược phải có hành động ngay và thận trọng bởi “nếu không, chúng ta sẽ thấy mức độ tử vong cao hơn trong những năm tới”.
Sử dụng thuốc kháng sinh không theo kê đơn là nguyên nhân chính khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Ảnh: iStock. |
Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới xếp nước ta vào nhóm có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Theo báo cáo tại hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc 2017, từ năm 2009, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân chính là lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ lên đến 91%.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả, Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
Tình trạng các bác sĩ sử dụng kháng sinh không hợp lý cũng được cảnh báo. Theo khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết… Trong khi tốc độ tìm ra kháng sinh mới trên thế giới không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng kháng sinh.
Kháng thuốc kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, làm cho bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Do tình trạng kháng thuốc, thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi trùng khác trở nên vô hiệu và nhiễm trùng ngày càng trở nên khó hoặc không thể điều trị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin