Thế giới

Tình báo Mỹ "chào thua" trước ông Putin

07:23, 18/02/2022
Mặc dù có thể theo dõi lực lượng Nga ở gần biên giới Ukraine, tình báo Mỹ vẫn gặp khó trong việc suy đoán động thái tiếp theo của Tổng thống Vladimir Putin.

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và nhiều cơ quan khác đã thúc đẩy nỗ lực thu thập bí mật của Moscow, sau khi Nga bất ngờ sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Tuy nhiên, họ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận kế hoạch và ý định của ông Putin, theo các cựu quan chức tình báo Mỹ.

Những thành quả và hạn chế của việc Mỹ do thám Nga đã được công bố một cách bất thường trong những tháng gần đây, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden công khai thông tin tình báo. Họ cho rằng điều đó chỉ ra khả năng Nga tấn công Ukraine và Điện Kremlin có kế hoạch tạo cớ để hành động, theo Wall Street Journal.

Khó đoán suy nghĩ của ông Putin

Các cơ quan tình báo Mỹ đã báo cáo vào tháng 12/2021 rằng Nga đang triển khai một lực lượng lên tới 175.000 quân gần Ukraine, bao gồm 100 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn sẵn sàng hành động vào đầu năm 2022.

Vào ngày 17/2, giới chức Mỹ cũng ước tính 150.000 binh sĩ Nga trong 105 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn ở biên giới Ukraine.

Đặc biệt, khi Nga triển khai lực lượng này, các máy bay do thám của Mỹ đã di chuyển khắp bầu trời của Ukriane, nhằm thu thập thông tin tình báo về những hoạt động quân sự của Moscow.

Những nỗ lực của Washington nhằm vạch trần các kế hoạch của Nga đã được củng cố bởi một lượng lớn thông tin về việc Moscow xây dựng quân đội. Chẳng hạn, các công ty hình ảnh vệ tinh tư nhân như Maxar đã thường xuyên đưa ra bằng chứng về việc Nga tăng cường lực lượng gần biên giới Ukraine.

Ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy lực lượng Nga siết chặt Ukraine ở ba phía. Ảnh: Maxar.

Ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy lực lượng Nga siết chặt Ukraine ở ba phía. Ảnh: Maxar.
Ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy lực lượng Nga siết chặt Ukraine ở ba phía. Ảnh: Maxar. 

Nhưng ngay cả khi sự gia tăng của thông tin tình báo đã khiến điểm nóng Ukraine nhận được nhiều sự quan tâm hơn, những gì Mỹ và các quốc gia khác đang nhìn thấy vẫn chưa rõ ràng.

Các cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết việc diễn giải những hình ảnh được chụp từ trên không là một nghệ thuật hơn là khoa học. Chính quyền ông Biden đang cố gắng đọc ý định của Tổng thống Putin bằng cách khảo sát những gì Moscow đã triển khai gần biên giới Ukraine.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn không chắc chắn về những gì ông Putin dự định làm với lực lượng này, hay thậm chí mục tiêu cuối cùng của vị tổng thống là gì.

Vào tuần trước, các quan chức Mỹ đã cảnh báo đồng minh châu Âu rằng Nga có thể tấn công Ukraine sớm nhất là vào ngày 16/2. Tuy nhiên, đến chiều tối ngày hôm đó vẫn không có bất cứ dấu hiệu gì liên quan đến động thái này.

“Tôi không thể biết được Tổng thống Putin đang nghĩ gì. Tôi sẽ không suy đoán động cơ, ý định hay các quyết định của ông ấy”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết.

Thế khó của tình báo Mỹ

Trong khi Mỹ có các hệ thống tinh vi để nắm bắt thông tin liên lạc của đối phương và để theo dõi từ vệ tinh, việc tuyển dụng gián điệp trong chính quyền của ông Putin là rất khó khăn và rủi ro. Theo các cựu quan chức Mỹ, đây là nguyên nhân dẫn đến sự không chắc chắn về thông tin liên lạc.

Nhiều đồng minh của Mỹ cũng cho biết nhận được thông báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine vào ngày 16/2. Vẫn chưa rõ liệu cảnh báo công khai của Mỹ có làm thay đổi kế hoạch của ông Putin hay thông tin tình báo đằng sau nó không đầy đủ, lỗi thời hoặc không chính xác.

“Chúng ta cần ngừng tin vào những gì họ nói ở Washington, đặc biệt là liên quan đến Ukraine”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 16/2.

Khi nhận được các thông tin mật chi tiết, nhiều nhà lập pháp Mỹ đã khen ngợi về chất lượng của chúng, cũng như quyết định của Nhà Trắng về việc giải mật những gì họ cho là bằng chứng về mưu đồ của ông Putin.

“Cộng đồng tình báo đang hoàn toàn làm đúng bằng cách tiết lộ nhiều thông tin”, Thượng nghị sĩ Angus King nhận định.

Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) được thành lập trong Chiến tranh Lạnh để theo dõi Liên Xô. Và ngay cả sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, cơ quan này vẫn tập trung vào Nga, nhiều quan chức tình báo cho biết.

Tuy nhiên, trong những năm qua, chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa khác như chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên đã được CIA ưu tiên hơn.

Các quan chức Mỹ cho biết việc Nga sáp nhập Crimea và triển khai các lực lượng vào miền Đông Ukraine đã khiến CIA trở lại mục đích ban đầu của mình.

 

Các cơ quan gián điệp của Mỹ đã tăng cường thu thập thông tin tình báo về Nga, một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết. Điều đó tiếp tục diễn ra trong suốt nhiệm kỳ ông Donald Trump, ngay cả khi vị cựu tổng thống muốn thắt chặt quan hệ với ông Putin.

Ngay cả khi các cơ quan đổ nguồn lực vào việc theo dõi Nga, một cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết những kế hoạch và ý định của nhà lãnh đạo Nga “vẫn luôn là thứ khó tiếp cận nhất”.

Nhưng những nỗ lực đó đã gặp phải nhiều thất bại trong những năm gần đây. Các cựu quan chức cho biết những tiết lộ ở Mỹ về cáo buộc can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 và cuộc tranh luận chính trị đi kèm đã làm xuất hiện thông tin khiến ông Putin phải săn lùng điệp viên.

Trong những năm tiếp theo, Nga và Mỹ đã tiến hành các cuộc trục xuất “ăn miếng trả miếng” đối với những nhà ngoại giao, từ đó gây khó cho hoạt động tình báo. Một số điệp viên kỳ cựu quan ngại rằng Nhà Trắng đang ngày càng mạo hiểm khi tung ra quá nhiều thông tin tình báo.

Khi công bố thông tin tình báo để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại, Nhà Trắng “phải cân nhắc cả hậu quả trước mắt và lâu dài”, Douglas London, cựu quan chức cấp cao của CIA, cho biết.

Hôm 16/2, New York Times đưa tin rằng cơ quan CIA ở Kiev (Ukraine) sẽ chuyển đến Lviv, thành phố gần với biên giới Ba Lan. Điều này có khả năng làm phức tạp việc thu thập thông tin tình báo ở phía đông.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện