Chính sách thận trọng của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ kinh tế chiến lược với cả Nga và Ukraine, trong khi Công ước Montreux cho phép nước này kiểm soát các eo biển liên quan đến Biển Đen và biển Địa Trung Hải.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP |
Thổ Nhĩ Kỳ công khai phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine nhưng không tham gia những nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt Moscow. Chính sách thận trọng này giúp Ankara có thể theo đuổi những sáng kiến ngoại giao với vai trò là trung gian hòa giải mà không gây rủi ro trong quan hệ với Nga.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí tổ chức các vòng đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine tại thành phố Istanbul.
Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng Ankara sẽ tiếp tục các nỗ lực trung gian nhằm thiết lập hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Erdogan nhấn mạnh sự cần thiết phải đình chiến và đạt được hòa bình giữa Nga và Ukraine càng sớm càng tốt, đồng thời cải thiện tình hình nhân đạo trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng góp vào tiến trình này.
Khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine vào tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh nước này có mối quan hệ chiến lược và kinh tế sâu sắc với cả Nga và Ukraine, đồng thời khẳng định Ankara sẽ không chọn một trong hai bên. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi lệnh ngừng bắn để khôi phục hòa bình ở khu vực Biển Đen và chỉ trích phản ứng của phương Tây trước cuộc khủng hoảng này.
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO nhưng đã từ chối trừng phạt các công dân Nga, cũng như từ chối đóng cửa không phận với máy bay Nga. Tuy nhiên, nước này cũng cung cấp các máy bay không người lái Bayraktar cho Kiev, và thể hiện cam kết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Ankara đã hướng đến những kênh ngoại giao mở, cũng như bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thăm cả Nga và Ukraine, cho biết hồi tuần trước rằng hai bên đã "gần đạt được thỏa thuận". Trong khi thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine trước mắt có lẽ chưa thực sự đạt được nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẽ đóng góp vào quá trình đàm phán giữa hai bên.
Cùng thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ cũng duy trì lập trường trung lập về việc tàu thuyền đi qua các eo biển của nước này thay vì chỉ nhắm vào Nga và Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo tàu chiến của tất cả các nước sẽ không được đi qua các eo biển mà nước này quản lý.
Cân bằng trong quan hệ với Nga và phương Tây
Chính sách đối ngoại độc lập và chủ động của Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu sự dịch chuyển so với quan hệ hợp tác giữa nước này với các đồng minh phương Tây trong quá khứ, đặc biệt liên quan đến những vấn đề an ninh khu vực.
Điều này diễn ra giữa bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ đang giảm dần ở Trung Đông trong khi vai trò của Nga ngày càng tăng, đặc biệt tại Syria.
Cuộc đảo chính bất thành năm 2016 cũng là một bước ngoặt quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ đó, Ankara ngày càng hành động độc lập với phương Tây, chẳng hạn như trong các cuộc xung đột tại Libya hoặc Nagorno-Karabakh.
Một yếu tố quan trọng hiện nay cần xét tới là mối quan hệ kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Nga cung cấp 1/3 khí tự nhiên cho Thổ Nhĩ Kỳ, hàng triệu du khách Nga thăm Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm và Moscow đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 20 tỷ USD. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga, bất chấp những cảnh báo trừng phạt từ phía Mỹ.
Tàu hải quân Nga đi qua Eo biển Bosphorus ngày 9/2/2022. Ảnh: AFP |
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn được củng cố bởi những chiến dịch quân sự chung ở phía Bắc Syria, cũng như việc cả hai quốc gia này đều đóng góp vào tiến trình ngoại giao và việc thực hiện lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh.
Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục duy trì các mối quan hệ với phương Tây. Nước này vẫn là một trong những thành viên tích cực nhất của NATO khi đóng góp vào các chiến dịch quân sự ở Afghanistan, khu vực Biển Đen, Syria và Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành 1/3 trao đổi thương mại với EU và mối quan hệ giữa nước này với phương Tây vẫn được đánh giá là "không thể thay thế".
Với vai trò như một nhà trung gian hòa giải tiềm năng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nhận được những phản ứng tích cực từ phương Tây. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đều có những bình luận tích cực về chuyến thăm gần đây tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng tiếp đón Tổng thống Erdogan một cách nồng ấm ở Brussels. Dường như mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đang trải qua sự biến đổi chiến lược.
Bên cạnh ngoại giao, một số lĩnh vực khác cũng cho thấy sự tiến triển nhất định. Các nước phương Tây có khả năng sẽ dỡ các biện pháp hạn chế với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng thời điểm, những cuộc trao đổi giữa Pháp, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục diễn ra giữa bối cảnh các nước này ngày càng quan tâm đến việc Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Đông Địa Trung Hải sẽ cung cấp khí tự nhiên cho châu Âu.
Bên kia Đại Tây Dương, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ việc bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ và đang nỗ lực thuyết phục Quốc hội Mỹ.
Ở thời điểm hiện nay, khó có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lập trường của mình. Mỹ - một nhân tố quan trọng trong tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào tác động đến chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ với Ukraine, mà thay vào đó đã "đánh giá cao" những nỗ lực ngoại giao của Ankara. Trong khi hiện vẫn chưa rõ liệu những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ có thu về thành quả hay không thì nước này vẫn giữ vị trí quan trong trong việc hỗ trợ khôi phục hòa bình khu vực./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin