Một quan chức Nhà Trắng ngày 20/5 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden nói khi khóa đào tạo phi công Ukraine diễn ra trong những tháng tới, "liên minh các quốc gia tham gia nỗ lực sẽ quyết định thời điểm chuyển giao tiêm kích, số lượng và bên nào cung cấp chúng".
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ "sẽ hỗ trợ nỗ lực chung với các đồng minh và đối tác của chúng tôi để đào tạo phi công Ukraine sử dụng tiêm kích thế hệ 4, trong đó có F-16, nhằm củng cố và cải thiện hơn nữa năng lực của không quân Ukraine", theo quan chức Nhà Trắng.
Tiêm kích F-16 trong buổi bay huấn luyện tại bang Iowa tháng 8/2022. Ảnh: USAF |
Thông tin được đưa ra sau nhiều tháng Ukraine đề nghị phương Tây chuyển tiêm kích tiên tiến như mẫu F-16 nhằm củng cố năng lực phòng không. Quyết định của Mỹ được đánh giá là đặc biệt quan trọng, do các đồng minh cần Washington phê duyệt việc tái xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự sang nước thứ ba, trong đó có tiêm kích F-16.
Mỹ từng phản đối cung cấp tiêm kích tiên tiến cho Ukraine với lý do tiến trình sẽ kéo dài và đòi hỏi chi phí lớn. Các quan chức Mỹ nhận định có nhiều phương án với chi phí hiệu quả hơn nhằm tăng cường khả năng phòng không của Ukraine.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak và người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte hồi đầu tuần thông báo xây dựng liên minh quốc tế để giúp Ukraine nhận F-16 và cung cấp hỗ trợ liên quan. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó cho biết nước này để ngỏ khả năng đào tạo phi công cho Ukraine.
Mark Cancian, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, từng nhận định tiêm kích F-16 "rất đắt và sẽ không thay đổi toàn diện cán cân sức mạnh" trong xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, ông Cancian đánh giá F-16 mang ý nghĩa tâm lý trong bối cảnh Ukraine liên tục đề nghị phương Tây viện trợ tiêm kích.
Nga và Ukraine không kiểm soát bầu trời, do đó vai trò của không quân trở nên ít nổi bật trong cuộc xung đột chủ yếu định hình bởi pháo binh. Các tổ hợp phòng không từ thời Liên Xô của Ukraine và hệ thống do phương Tây viện trợ ngăn tiêm kích Nga tiến sâu vào không phận nước này.
Cục diện chiến trường Nga - Ukraine. Đồ họa: WP |
Mỹ dẫn đầu liên minh viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi chiến sự với Nga bùng phát hồi tháng 2/2022. Phương Tây đã chuyển lượng vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD đến Ukraine, trong đó có hàng trăm xe tăng và thiết giáp, các tổ hợp phòng không, pháo phản lực, lựu pháo, tên lửa hành trình tầm xa cùng nhiều loại đạn dược và thiết bị quân sự khác.
Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin