Thế giới

Chuyến thăm của ông Blinken thắp kỳ vọng tan băng Mỹ - Trung

07:47, 20/06/2023
Sau nhiều tháng quan hệ Mỹ - Trung đóng băng vì nhiều căng thẳng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken dường như giúp tình hình phần nào cải thiện.

Ông Antony Blinken ngày 18/6 đặt chân tới Bắc Kinh, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc trong 5 năm qua.

Sau khoảng 7 tiếng rưỡi hội đàm giữa ông Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, hai bên đã nhất trí sắp xếp chuyến thăm Washington của ông Tần và duy trì trao đổi cấp cao, dấu hiệu cải thiện quan hệ sau nhiều tháng đóng băng. Giới chức Mỹ cũng nhất trí tổ chức các cuộc họp với đối tác Trung Quốc để giải quyết những thách thức lớn giữa hai nước.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết quan chức hai bên ngày 18/6 đã đạt được tiến bộ trong ba mục tiêu chính, gồm tái thiết lập kênh liên lạc cấp cao, chia sẻ mối quan ngại chung và khám phá các lĩnh vực hai bên có thể hợp tác.

Về phía Trung Quốc, ông Tần mô tả cuộc trao đổi ngày 18/6 là "thẳng thắn, chuyên sâu và mang tính xây dựng", theo CCTV. Ngoại trưởng Trung Quốc nói hai bên đã nhất trí tuân thủ đồng thuận mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt được trong cuộc gặp năm ngoái.

Ông thêm rằng hai bên cũng thảo luận về tăng chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như khuyến khích nhiều chương trình trao đổi sinh viên, học giả và doanh nhân hơn.

Ngoại trưởng Blinken rời máy bay tại sân bay ở Bắc Kinh sáng 18/6. Ảnh:AFP
Ngoại trưởng Blinken rời máy bay tại sân bay ở Bắc Kinh sáng 18/6. Ảnh:AFP

 Trước khi ông Blinken tới Bắc Kinh, quan hệ trở nên căng thẳng sau vụ bắn hạ khí cầu cũng như những chỉ trích lẫn nhau liên quan đến vấn đề Đài Loan. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chỉ trích Trung Quốc không tham gia vào các cơ chế xử lý khủng hoảng tốt hơn giữa quân đội hai nước để ngăn nguy cơ khủng hoảng.

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cảnh báo những nỗ lực thiết lập các liên minh giống NATO sẽ đẩy châu Á vào "vòng xoáy tranh chấp và xung đột".

Các quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng cáo buộc Washington "bắt nạt vô cớ" và "ảo tưởng" rằng họ có vị thế lớn mạnh hơn khi đối phó với Bắc Kinh. Ông Tần nhắc nhở ông Blinken trong cuộc điện đàm tuần trước rằng Ngoại trưởng Mỹ nên bày tỏ "sự tôn trọng", nêu rõ quan điểm rằng Washington phải chịu trách nhiệm về tình trạng tồi tệ hiện tại trong quan hệ hai nước.

Tháng trước, Tổng thống Biden dự báo quan hệ hai nước sẽ "sớm tan băng". Nhà Trắng kỳ vọng chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken có thể tạo tiền đề cho các cuộc gặp cấp cao giữa quan chức hai nước.

Cuộc gặp đầu tiên giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 18/6 là sự kiện lớn, với sự góp mặt của ngoại trưởng hai nước cùng 17 trợ lý. Cuộc gặp đã kéo dài hơn một giờ so với dự kiến.

Trong cuộc hội đàm, ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của "duy trì các kênh liên lạc mở" để giảm nguy cơ tính toán sai lầm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết trong tuyên bố sau cuộc gặp.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ ông Tần đã truyền đạt "những yêu cầu rõ ràng" của Bắc Kinh liên quan tới Đài Loan, hòn đảo mà họ xem là phần lãnh thổ chờ thống nhất. Ông Tần kêu gọi Washington "thực hiện" lời hứa không ủng hộ Đài Loan độc lập.

Sau khi ông Blinken tới Bắc Kinh, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bày tỏ hy vọng trên Twitter rằng sự kiện này "có thể lèo lái mối quan hệ Trung - Mỹ theo những gì hai lãnh đạo đã thống nhất ở Bali", đề cập đến cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm ngoái.

Sau cuộc hội đàm, ông Blinken và ông Tần tiếp tục thảo luận trong bữa tối làm việc tại khu phức hợp nhà khách, nơi từng tiếp đón cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon nửa thế kỷ trước. Sau chuyến thăm của ông Nixon, Mỹ đã tăng cường hợp tác với Trung Quốc, song mối quan hệ đã có nhiều thay đổi trong những thập kỷ qua.

Trung Quốc gần đây không ngừng phô trương sức mạnh ngoại giao, làm trung gian hòa giải giữa Arab Saudi và Iran, tiếp đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, bày tỏ mong muốn trở thành nhà môi giới hòa bình ở Trung Đông và trong xung đột Ukraine.

"Bắc Kinh hy vọng rằng những thành công ngoại giao mà họ đạt được gần đây sẽ nói với Washington rằng họ có thể thế chỗ tại những nơi mà ảnh hưởng của Mỹ bị hạn chế hoặc suy yếu", Amanda Hsiao, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Crisis Group ở Bỉ, nói.

Trong cuộc gặp ông Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân hôm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay Mỹ và Trung Quốc "đã có bước tiến và đạt thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể", thêm rằng Bắc Kinh "tôn trọng các lợi ích của Washington và không tìm cách thách thức hay thay thế Mỹ".

"Tương tác giữa quốc gia với quốc gia phải luôn dựa trên cơ sở chân thành và tôn trọng lẫn nhau", ông Tập nói. "Tôi hy vọng Ngoại trưởng Blinken, thông qua chuyến thăm này, có thể tạo ra những đóng góp tích cực để ổn định quan hệ Trung - Mỹ".

Nhưng các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục, cải thiện quan hệ ngoại giao với Mỹ không phải là quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh.

Điều Trung Quốc mong muốn hiện nay là thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để giải quyết các hạn chế công nghệ của Washington với nước này, cũng như các vấn đề kinh tế khác.

Ông Tập tuần trước đã gặp loạt tỷ phú công nghệ Mỹ, gồm giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon, giám đốc điều hành Starbucks Laxman Narasimhan, ông chủ Tesla Elon Musk và nhà sáng lập Microsoft Bill Gates. Đây được coi là một phần trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế của lãnh đạo Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ không có tâm thế vội vàng như vậy. Thay vì đáp ứng mong muốn tiếp đón các cố vấn kinh tế Mỹ, Nhà Trắng đã khẳng định chuyến thăm của ông Blinken phải được đặt lên hàng đầu. Giới chức Mỹ coi đây là bước quan trọng để mở cửa cho các cuộc gặp tiếp theo với những người mà Trung Quốc muốn trao đổi để giải quyết vấn đề kinh tế, theo giới phân tích.

Mục tiêu cấp bách nhất đối với Mỹ là khôi phục các kênh liên lạc về quân sự với Bắc Kinh sau những căng thẳng gần đây, trong đó có vụ suýt va chạm giữa chiến hạm hai nước trên eo biển Đài Loan và sự cố tiêm kích Trung Quốc tạt đầu trinh sát cơ Mỹ ở Biển Đông.

Bắc Kinh lại cho rằng việc nhanh chóng nối lại các kênh đối thoại như vậy có thể thúc đẩy Mỹ tăng cường hoạt động quân sự nhắm vào Trung Quốc.

"Trung Quốc lo ngại việc tái khởi động các cuộc đối thoại quân sự sẽ chỉ khiến Mỹ thực hiện nhiều hành động khiêu khích và đe dọa hơn", Zhao Minghao, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói.

Ngoại trưởng Blinken (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh ngày 18/6. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh gần đây đã từ chối lời đề nghị của Mỹ về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Austin và người đồng cấp Lý Thượng Phúc bên lề Đối thoại Shangri-La. Các quan chức Trung Quốc vẫn bất bình về các biện pháp trừng phạt mà Mỹ từng áp với ông Lý năm 2018 vì thương vụ mua vũ khí Nga.

Bởi vậy, giới phân tích cho rằng chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Blinken có thể phần nào làm tan băng trong quan hệ song phương, nhưng chưa thể tạo ra bước đột phá đáng kể, khi hai bên chưa tìm được nhiều điểm chung.

"Điều có thể hy vọng nhiều nhất là chuyến thăm của ông Blinken sẽ tạo tiền đề cho các chuyến thăm sau đó của hai Bộ trưởng Yellen và Raimondo. Trung Quốc lo ngại về những hạn chế thương mại và công nghệ của Mỹ, nhưng nhóm của ông Blinken không phải là đối tác phù hợp để đàm phán những vấn đề đó", David Dollar, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings ở Mỹ, nói.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện