Thế giới

Ông Putin bác gần hết đề xuất hòa bình của châu Phi

07:28, 19/06/2023
Tổng thống Putin giải thích về lập trường của Nga và bác gần hết đề xuất lộ trình hòa bình 10 điểm của phái đoàn châu Phi cho xung đột Nga-Ukraine.

Ngày 17-6, gặp 6 lãnh đạo châu Phi gần TP St Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin bác gần hết đề xuất lộ trình hòa bình 10 điểm của phái đoàn châu Phi cho xung đột Nga-Ukraine. Ông Putin giải thích về lập trường của Nga để thấy rằng nhiều điểm trong đề xuất hòa bình của châu Phi cho xung đột Nga-Ukraine là sai lầm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với phái đoàn châu Phi ngày 18-6. Ảnh: Pavel Bednyakov/RIA NOVOSTI
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với phái đoàn châu Phi ngày 18-6. Ảnh: Pavel Bednyakov/RIA NOVOSTI

Trong cuộc gặp ông Putin, phái đoàn lãnh đạo 6 nước châu Phi (Comoros, Senegal, Nam Phi, Zambia, Ai Cập, CH Congo và Uganda) trình bày một lộ trình hòa bình 10 điểm, phác thảo khá rộng các bước cần thiết để chấm dứt tình trạng thù địch giữa Moscow và Kiev.

Theo hãng thông tấn TASS, kế hoạch này bao gồm: (1) kêu gọi lắng nghe lập trường của cả Nga và Ukraine; (2) bắt đầu giảm leo thang ở hai bên; (3) bảo đảm chủ quyền của các quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên Hợp Quốc; (4) đạt được sự đảm bảo về an ninh cho tất cả các quốc gia; (5) bảo đảm vận chuyển ngũ cốc và phân bón của hai nước; (6) viện trợ nhân đạo; (7) giải quyết vấn đề trao đổi tù nhân; (8) hồi hương trẻ em; (9) tái thiết sau chiến tranh và viện trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh; (10) hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Phi.

Tuy nhiên ông Putin đã đưa ra hàng loạt các lý do cho thấy ông không ủng hộ nhiều điểm trong kế hoạch trên.

Vị Tổng thống Nga nhắc lại quan điểm của nước này rằng Ukraine và các đồng minh phương Tây đã bắt đầu cuộc xung đột từ lâu trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2-2022.

Ông Putin cũng cho rằng phương Tây, chứ không phải Nga, phải chịu trách nhiệm về việc giá lương thực toàn cầu tăng mạnh vào đầu năm ngoái, gây ảnh hưởng nặng nề đến châu Phi.

Tổng thống Putin cũng nói với phái đoàn châu Phi rằng việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng Biển Đen mà Nga đã cho phép trong năm qua không giải quyết những khó khăn mà châu Phi gặp phải do giá lương thực cao vì phần lớn chúng đều chuyển đến các quốc gia giàu có.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) trong cuộc họp với phái đoàn châu Phi. Ảnh: Eugeniy Biyatov/RIA NOVOSTI
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) trong cuộc họp với phái đoàn châu Phi. Ảnh: Eugeniy Biyatov/RIA NOVOSTI

Bên cạnh đó, ông Putin cũng khẳng định Moscow chưa bao giờ từ chối đàm phán với Kiev, tuyên bố Nga sẵn sàng đối thoại với tất cả những ai “tìm kiếm hòa bình dựa trên các nguyên tắc công lý và tôn trọng lợi ích hợp pháp của các bên”.

Tổng thống Putin cho rằng chính Ukraine là bên đã rút ra khỏi các cuộc đàm phán với Nga mặc dù hai bên đã có một thỏa thuận hòa bình sơ bộ tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 3-2022. Ngoài ra, Moscow có quyền công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DRP) và Luhansk (LPR) theo Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow chia sẻ “các cách tiếp cận chính” do phái đoàn châu Phi đề xuất nhưng phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho rằng kế hoạch này “khó thực hiện”.

Trước khi đến Nga, phái đoàn châu Phi đã đến Ukraine gặp Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky một ngày trước đó để thảo luận về các biện pháp cần thiết để chấm dứt xung đột giữa Moscow và Kiev.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện