Thế giới

Nam Phi tiến thoái lưỡng nan với lệnh bắt ông Putin

06:59, 03/06/2023
Nam Phi được cho là sẽ không tuân thủ lệnh bắt của ICC nếu Tổng thống Putin tới nước này, nhưng điều đó sẽ khiến uy tín quốc tế của họ suy giảm nghiêm trọng.

Nam Phi vừa tổ chức hội nghị ngoại trưởng các nước BRICS, bước chuẩn bị quan trọng cho hội nghị thượng đỉnh của khối sẽ diễn ra vào tháng 8 tại thành phố Johannesburg. BRICS gồm 5 nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP thế giới.

Tuy nhiên, một vấn đề khiến các quan chức Nam Phi đau đầu là sẽ xử lý thế nào với lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin được Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành trong trường hợp ông tới Johannesburg dự thượng đỉnh BRICS.

Lệnh bắt trên được đưa ra hồi giữa tháng ba khi ICC, trụ sở ở The Hague, Hà Lan, cáo buộc ông Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga trong thời gian xung đột giữa hai nước bùng phát. 


Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo ở Điện Kremlin, Moskva, tháng 12/022. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo ở Điện Kremlin, Moskva, tháng 12/022. Ảnh: AFP

Theo đó, ICC yêu cầu 123 nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt Tổng thống Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ. Tuy nhiên trên thực tế, không phải mọi quốc gia đều tuân thủ phán quyết của tòa.

Moskva gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa. Mỹ và Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ không tham gia và không công nhận thẩm quyền của ICC. Năm 2016, tổng thống Nam Phi khi đó là Jacob Zuma từng đề xuất rút nước này khỏi ICC, nhưng sau đó từ bỏ ý định.

Ông Putin từng nhận lời dự hội nghị BRICS trước khi lệnh bắt được ICC công bố. Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 26/5 cho hay ông Putin "không rút lại quyết định tham gia hội nghị", thêm rằng "lãnh đạo Nga đã được mời".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov hồi đầu tuần cảnh báo các đối tác BRICS "không nên bị dẫn dắt bởi các quyết định bất hợp pháp" như lệnh bắt của ICC.

Tuy nhiên, nếu Tổng thống Putin trực tiếp dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, lệnh bắt từ ICC sẽ đặt Nam Phi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về ngoại giao, đồng thời tạo ra tranh cãi ngay trong nội bộ quốc gia này.

Các đảng cánh tả Nam Phi thúc giục chính phủ rút khỏi ICC và chào đón ông Putin tới dự hội nghị BRICS. Trong khi đó, đảng Liên minh Dân chủ (DA) đối lập hàng đầu kêu gọi chính phủ thực thi lệnh bắt Tổng thống Nga nếu ông tới Nam Phi.

Nam Phi đến nay vẫn từ chối lên án chiến dịch của Nga ở Ukraine, nói rằng họ muốn giữ thái độ trung lập và ưu tiên đối thoại để chấm dứt giao tranh. Đầu tháng trước, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết Nam Phi đã phải đối diện với "áp lực cực lớn" buộc họ phải chọn bên trong cuộc xung đột.

Hôm 30/5, DA tuyên bố họ đã đệ đơn lên tòa án để đảm bảo chính phủ sẽ bắt lãnh đạo Nga và giao nộp ông cho ICC "nếu Tổng thống Putin đặt chân đến đất nước".

"Hành động này nhằm đảm bảo Nam Phi sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của mình", Glynnis Breytenbach, quan chức cấp cao đảng DA phụ trách giám sát các hoạt động của Bộ Tư pháp, cho hay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Ronald Lamola hồi tháng trước cho biết Nam Phi sẽ "tìm hiểu các lựa chọn khác nhau" về cách thức áp dụng lệnh bắt của ICC, trong đó có phương án mở rộng quyền miễn trừ ngoại giao theo thông lệ đối với các nguyên thủ quốc gia đến thăm đất nước.

Hành động pháp lý của DA được đưa ra khi chính phủ Nam Phi cấp quyền miễn trừ ngoại giao cho các ngoại trưởng BRICS nhóm họp trong tuần này ở Cape Town và cả những lãnh đạo dự kiến có mặt ở hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8. Nhiều người cho rằng đây là bước đi nhằm đảm bảo cho chuyến thăm của Tổng thống Putin, song chính phủ Nam Phi bác bỏ.

"Những quyền miễn trừ này không vượt quyền bất kỳ lệnh nào được tòa án quốc tế ban hành với những người tham dự hội nghị", Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết trong một thông báo, thêm rằng việc cấp quyền miễn trừ ngoại giao chỉ là thủ tục "tiêu chuẩn" khi tổ chức các hội nghị quốc tế.

Tiến sĩ Chido Nyere, chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Viện Tư tưởng và Đối thoại xuyên châu Phi tại Đại học Johannesburg, cho rằng rất ít khả năng Tổng thống Putin bị bắt ở Nam Phi khi ông tới đây dự hội nghị thượng đỉnh BRICS.

"Tòa án có thể đưa ra phán quyết về khía cạnh pháp lý, nhưng đây không phải một vụ án mang tính pháp lý. Đây thực tế là một sự việc chính trị và pháp luật có những hạn chế. Đây là một trường hợp rất phức tạp và tòa án cũng có giới hạn của họ", ông nói.

"Mỹ, dường như đang gây áp lực để bắt Tổng thống Putin, không phải bên tham gia ICC", ông cho biết thêm. "Mọi nỗ lực nhằm bắt lãnh đạo Nga đều phải được thực hiện trên cơ sở hợp tác".

Giáo sư Dire Tladi từ Khoa Luật Đại học Pretoria nhận định về mặt chính trị, Nam Phi không có động lực thực thi lệnh bắt của ICC với ông Putin. Nước này đang khao khát tăng cường vai trò của mình trong BRICS và mối quan hệ giữa họ với Nga cũng phát triển mạnh mẽ những năm gần đây.

Trong bối cảnh đó, việc thi hành lệnh bắt Tổng thống Putin sẽ khiến quan hệ Nam Phi - Nga đứng trên bờ vực và vai trò của họ trong khối BRICS nhiều khả năng cũng bị xóa bỏ.

Nhưng nếu không tuân thủ lệnh bắt, Nam Phi có thể đối mặt với rắc rối lớn về mặt pháp lý và uy tín trên trường quốc tế.

"Nếu nhận được lệnh từ tòa án quốc tế tuyên bố rằng Tổng thống Putin phải bị bắt thì theo luật, khi lãnh đạo Nga đến, Nam Phi có nghĩa vụ bắt và giao nộp ông ấy", Tladi giải thích. "Nếu không, câu hỏi sau đó sẽ được đặt ra là liệu Nam Phi có cố ý coi thường quyết định của ICC hay không".

Reuben Brigety, đại sứ Mỹ tại Nam Phi, cho hay Mỹ "không thể hiểu nổi" tại sao chính phủ Nam Phi chưa công khai cam kết sẽ tuân thủ nghĩa vụ thực hiện quyết định của ICC liên quan đến lệnh bắt ông Putin, điều mà một thành viên như họ có trách nhiệm pháp lý phải thi hành.

Năm 2015, Nam Phi đã cho phép tổng thống Sudan lúc bấy giờ là Omar al-Bashir tới thăm nước này, bất chấp lệnh bắt của ICC đối với ông với cáo buộc diệt chủng. Động thái này đã khiến Nam Phi hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nước phương Tây.

Lần này, chính quyền Nam Phi được cho là đang tìm kiếm những lỗ hổng trong lệnh bắt của ICC nhằm "lách luật", có thể đón tiếp Tổng thống Nga tới dự hội nghị BRICS mà không gây ra bất kỳ xáo trộn hay chỉ trích nào.

Nam Phi đã thành lập một ủy ban do Phó tổng thống Paul Mashatile đứng đầu để nghiên cứu các phương án khả thi cho chuyến thăm của Tổng thống Putin và họ tin rằng có thể đã tìm được một con đường hợp pháp.

Tháng trước, các quan chức Nam Phi cho hay chính phủ có thể tập trung vào thực tế là lệnh bắt ICC đưa ra với Tổng thống Putin không bắt nguồn từ lời giới thiệu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, khác với trường hợp tổng thống Sudan al-Bashir. Thực tế này sẽ cho phép họ lập luận rằng ông Putin có quyền miễn trừ theo "luật tập quán quốc tế" vì Nga không phải thành viên ICC.

Nhưng theo Hannah Woolaver, phó giáo sư luật quốc tế tại Đại học Cape Town, các quốc gia thành viên ICC không có quyền phớt lờ lệnh bắt bằng cách đưa ra diễn giải của riêng họ về những điều khoản miễn trừ trong Quy chế Rome. "Điều đó cuối cùng vẫn do ICC quyết định", bà nói.

Quy chế Rome về ICC được thông qua tháng 7/1998 và có hiệu lực từ tháng 7/2002, quy định mọi quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực thi quyền tài phán hình sự đối với tội phạm quốc tế.

Nam Phi sẽ phải cố gắng thuyết phục ICC về tính hợp lệ trong lập luận về quyền miễn trừ theo "luật tập quán quốc tế". Dù vậy, các thẩm phán ICC khó có thể bị thuyết phục bởi họ từng ra phán quyết chống lại lập luận này với trường hợp cựu tổng thống al-Bashir.

"Nếu các quốc gia thành viên từ chối thực hiện lệnh bắt dựa trên cách diễn giải kiểu như vậy, điều đó sẽ khiến mọi quyết định từ ICC trở nên vô hiệu", bà nói.

Mark Kersten, phó giáo sư tư pháp hình sự tại Đại học Fraser Valley, Canada, nhận định nếu Nam Phi không thực thi lệnh bắt ông Putin, điều đó sẽ gây tổn hại cho chính nước này lẫn ICC. Việc đó sẽ "khiến ICC bị giảm uy tín, nhưng có lẽ chịu tác động nặng nề hơn là uy tín của tòa án Nam Phi", ông nói. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, hồi tháng 7/2018. Ảnh: Reuters

Mọi nỗ lực chống lại lệnh bắt cũng có thể gây tổn hại mối quan hệ giữa Nam Phi với phương Tây, đồng thời làm suy yếu tuyên bố trung lập của họ trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, giới quan sát đánh giá.

"Đây sẽ là bằng chứng cho thấy Nam Phi đang ủng hộ Nga ngay giữa lúc Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đang muốn xây dựng hình ảnh bản thân là một nhà hòa giải trung lập trong sứ mệnh kiến tạo hòa bình cho Nga và Ukraine", Geoffrey York, bình luận viên kỳ cựu từ báo Global and Mail, Canada, đánh giá.

Giới quan sát cho rằng một giải pháp khác với Nam Phi là để ông Putin dự hội nghị BRICS qua Zoom, nhưng điều này nhiều khả năng sẽ không được Tổng thống Nga chấp thuận. Truyền thông Anh đưa tin Nam Phi đã xem xét phương án để Trung Quốc, nước không phải thành viên ICC, tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bác bỏ thông tin.

Theo giới quan sát, điều này khiến tình thế khó xử của Nam Phi càng thêm trầm trọng. Nó cũng đặt ra câu hỏi lớn về việc BRICS, một nhóm các quốc gia lớn với nền kinh tế, chế độ chính trị và xã hội rất khác nhau, liệu có thể thực sự đạt được nhất trí khi đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan như vậy hay không.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện