Thế giới

Xung đột Israel - Hamas bùng nổ

08:00, 08/10/2023
Cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ về quy mô lẫn cách thức của Hamas được xem là thất bại về mặt tình báo cho Israel

Hoàn toàn không phòng bị trước, hầu hết người Israel bị đánh thức bởi tiếng còi báo động vào 6 giờ 30 phút sáng 7-10 (giờ địa phương), khi hàng ngàn rốc-két từ dải Gaza bắn vào nhiều khu vực ở miền Trung và Nam nước này.

Cuộc tấn công của nhóm vũ trang Hamas được đánh giá là chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô cũng như cách thức trong vòng 16 năm qua, kể từ khi nhóm này bắt đầu kiểm soát dải Gaza.

Ngoài các đòn rốc-két quen thuộc, các tay súng Hamas đã xuyên qua được nhiều điểm trên biên giới được canh phòng cẩn mật của Israel, tấn công vào đây bằng cả đường không (dù lượn), đường bộ và đường biển.

Với "sức mạnh đáng ngạc nhiên" - như AP nhận xét, Hamas khiến còi báo động phòng không vang lên tận các thành phố phía Bắc Israel như Tel Aviv, Jerusalem… Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin và hình ảnh chưa kiểm chứng rằng Hamas bắt cóc người Israel.

Người dân Israel nỗ lực dập lửa ở TP Ashkelon, một trong những nơi trúng nhiều rốc-két bắn từ Gaza hôm 7-10 Ảnh: REUTERS
Người dân Israel nỗ lực dập lửa ở TP Ashkelon, một trong những nơi trúng nhiều rốc-két bắn từ Gaza hôm 7-10 Ảnh: REUTERS

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết các cuộc đấu súng diễn ra liên tục trong ngày ở ít nhất 7 thị trấn giáp biên giới với dải Gaza, gồm Kfar Aza, Sderot, Sufa, Nahal Oz, Magen, Be’eri và Re’im.

Tuy bị bất ngờ do đất nước đang trong ngày lễ lớn, song IDF cũng nhanh chóng đáp trả bằng chiến dịch "Kiếm sắt". Hàng chục chiến đấu cơ của Israel đã không kích nhiều vị trí của Hamas ở Gaza.

Chính thức tuyên bố "đất nước có chiến tranh" chiều cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát động cuộc động viên quân đội quy mô lớn trên truyền hình. "Kẻ thù sẽ phải trả cái giá chưa từng có" - ông nhấn mạnh, đồng thời ra lệnh cho quân đội nhanh chóng tái kiểm soát các thị trấn mà Hamas đã xâm nhập.

Chỉ huy quân sự Mohammad Deif của Hamas gọi cuộc tấn công đột ngột ngày 7-10 là "Chiến dịch bão Al-Aqsa", mục đích là trả đũa việc Israel "xúc phạm" đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. Đền Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng xếp thứ ba của đạo Hồi và lại tọa lạc trong thánh địa mà người Do Thái gọi là Núi Đền.

Ông Deif đồng thời cáo buộc Israel đã giết và làm bị thương hàng trăm người Palestine trong năm nay và kêu gọi người Ả Rập ở Jerusalem và bên trong Israel tham gia cuộc chiến. Theo The Guardian, đã xuất hiện bạo lực tại Jerusalem và khu Bờ Tây.

Đáng lưu ý, theo AP, một chiến dịch lớn như vậy sẽ khiến Hamas phải lên kế hoạch và chuẩn bị trong nhiều tháng. Tuy nhiên, phía Israel dường như hoàn toàn bị động. Nói trên Kênh 12 của Israel, cựu Giám đốc tình báo IDF Amos Yadlin gọi đó là "thất bại lớn về tình báo".

Tờ The Guardian thậm chí mô tả đây là "thất bại tình báo lớn trong nhiều thế hệ", bởi dịp này là lúc Israel tưởng niệm 50 năm cuộc chiến Yom Kippur. Tháng 10-1973, Israel bị liên minh các quốc gia Ả Rập tấn công bất ngờ vào đúng Lễ Đền tội Yom Kippur, ngày lễ linh thiêng nhất của đạo Do Thái.

Theo trang Arab News, nhiều quốc gia đã lập tức lên tiếng. Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Ai Cập… kêu gọi người Israel và Palestine cùng kiềm chế. Trong khi đó, Liên minh châu Âu, Ý, Pháp, Nga, Mỹ… lên án vụ tấn công của Hamas, đồng thời nhấn mạnh các bên kiềm chế để tránh làm tổn thương thêm dân thường.

Theo Time of Israel, đến cuối ngày 7-10 (giờ Việt Nam), Bộ Y tế Israel cho biết đã có ít nhất 100 người thiệt mạng và hơn 900 người bị thương. Nhà chức trách đã kêu gọi hiến máu để tiếp cho các bệnh viện.

Còn phía Gaza báo cáo khoảng 200 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.600 người khác bị thương. Bộ trưởng Bộ Y tế Palestine May Alkaila đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại mọi bệnh viện trên dải đất này.

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện