Các lực lượng Mỹ và Anh tiến hành cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen ngày 3/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo kênh NBCNews, đối với các phi công trên tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Eisenhower, nỗ lực bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại qua Biển Đỏ đòi hỏi họ phải sử dụng kỹ năng công nghệ cao trong một nhiệm vụ mới.
Thiếu tá Hải quân Travis Keating cho biết: “Chúng tôi không huấn luyện để đến phía Nam Biển Đỏ làm những gì chúng tôi đang làm”. Keating, phi công máy bay F/A-18 Super Hornet nói: “Khi chúng tôi mới đến đây, chúng tôi có rất nhiều điều chưa biết”.
Keating nói về mục tiêu khó khăn của các phi công: xác định và phá hủy các kho vũ khí được Houthi giấu ở Yemen - một quốc gia có địa hình đồi núi gồ ghề.
Keating cho biết: “Chúng tôi có thể thích ứng và linh hoạt với các nhiệm vụ được giao. Đối với tôi, đó có lẽ là điều tuyệt vời nhất mà chúng tôi từng thấy ở đây”.
Vào tối 3/2, hơn 20 máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet và máy bay hỗ trợ đã bay khỏi tàu sân bay USS Eisenhower để tham gia vào một nhiệm vụ chung giữa Mỹ và Anh nhằm tấn công các tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) mà lực lượng Houthi đã sử dụng để tấn công 30 tàu chở hàng trên Biển Đỏ kể từ ngày 19/11/2023. Cùng với các cuộc không kích, các tàu khu trục Mỹ đi cùng tàu sân bay đã bắn tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu của Houthi trên bờ.
Các quan chức Mỹ cho biết tổng cộng, Mỹ và Anh đã tấn công 36 mục tiêu của Houthi tại 13 địa điểm ở Yemen. Bất chấp các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu, Houthi đã tuyên sẽ tiếp tục tấn công ở Biển Đỏ cho đến khi Israel dừng chiến dịch quân sự chống Hamas ở Dải Gaza.
Đại úy Hải quân Marvin Scott, chỉ huy một đơn vị không quân trên tàu sân bay USS Eisenhower, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi liên tục lên kế hoạch. Chúng tôi lên kế hoạch cho tất cả các loại tình huống bất ngờ khi chúng tôi tìm kiếm các mục tiêu quân sự trên khắp Yemen mà Houthi kiểm soát. Chúng tôi liên tục tìm cách để có thể đưa ra các lựa chọn cho giới lãnh đạo nhằm làm suy giảm khả năng của họ”.
Ông Scott nhận xét các cuộc không kích được thực hiện ngày 3/2 ở Yemen đã có hiệu quả. Ông nói: “Đúng vậy, tôi có thể coi nhiệm vụ đó là một thành công. Chúng tôi đã tiêu diệt tất cả các mục tiêu mà chúng tôi đang cố gắng tấn công”.
Máy bay xuất kích để tấn công hàng chục mục tiêu của Houthi ở Yemen ngày 3/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ở một mức độ nào đó, nhiệm vụ của các phi công như Keating và Scott không phải là mới. Trong hơn hai thập kỷ qua, các máy bay chiến đấu của Mỹ hoạt động trên các tàu sân bay ở Trung Đông đã thực hiện các cuộc không kích vào nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, lực lượng của nhà lãnh đạo Saddam Hussein ở Iraq và các tay súng Taliban ở Afghanistan, cũng như các nhiệm vụ khác.
Trong những trường hợp đó, máy bay chiến đấu thường xuyên phối hợp với binh sĩ Mỹ hoặc các đối tác khác trên mặt đất để giúp xác định mục tiêu. Keating và các phi công khác thiếu sự hỗ trợ đó ở các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các cuộc không kích tăng cường của Mỹ và Anh có dập tắt được các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu chở hàng thương mại hay không. Các nhà phân tích quân sự cho rằng lực lượng Houthi rất giỏi trong đối phó với các cuộc không kích. Năm 2023, Saudi Arabia, do không thể đánh bại hoàn toàn lực lượng Houthi, đã đồng ý đàm phán hòa bình.
Các cuộc tấn công của Houthi bằng tên lửa và UAV đã buộc tập đoàn Maersk và các công ty vận tải khác phải chuyển hướng tàu sang các tuyến đường dài hơn, tốn kém hơn. Khoảng 12% hàng hóa toàn cầu đi qua tuyến đường biển chiến lược hàng ngày và các cuộc tấn công gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với chuỗi cung ứng, có thể gây gia tăng giá tiêu dùng.
Các phi công Mỹ cũng có các nhiệm vụ khác: bảo vệ đội tàu Hải quân ở Biển Đỏ trước tên lửa chống hạm hoặc UAV của Houthi đang lao tới, hỗ trợ các tàu thương mại đang bị đe dọa và bay qua khu vực để chứng minh rằng Biển Đỏ an toàn cho hoạt động hàng hải.
Keating nói: “Chúng tôi sẽ bay trên không và sau đó, nếu được giao nhiệm vụ, chúng tôi sẽ thay đổi vị trí để bảo vệ những con tàu đang gặp nạn nếu được yêu cầu. Hiện diện của chúng tôi là điều quan trọng để chứng minh rằng hoạt động ở phía Nam Biển Đỏ là an toàn”.
Các quan chức Mỹ nói rằng mỗi nhiệm vụ có thể kéo dài từ một đến sáu tiếng. Việc lập kế hoạch bắt đầu khoảng 12 giờ trước khi cất cánh, khi các phi công họp để vạch ra nhiệm vụ. Sau đó, các phi công sẽ họp với một đội tình báo, xem xét các mối đe dọa và mục tiêu tiềm tàng. Trước đó vài giờ, các phi công sẽ thông báo ngắn gọn cho phi hành đoàn và sau đó ra máy bay khoảng một giờ trước khi cất cánh khỏi tàu sân bay USS Eisenhower.
Các nhiệm vụ tấn công của Hải quân Mỹ diễn ra trong những ngày gần đây là trải nghiệm chiến đấu đầu tiên của một số sĩ quan cấp dưới trên tàu USS Eisenhower, nhưng các phi công và phi hành đoàn cho biết họ tin rằng họ đang thực hiện nhiệm vụ thành công.
Thiếu tá Hải quân Alex Morgan đã lái chiếc trực thăng MH-60 Sierra trong nhiệm vụ ngày 3/2. Trách nhiệm của ông là giải cứu bất kỳ phi công nào có máy bay bị bắn rơi. Do đó, máy bay trực thăng là phương tiện đầu tiên cất cánh từ tàu sân bay và là phương tiện cuối cùng quay trở lại đây.
Được trang bị tên lửa, rocket và súng gắn gần cửa, trực thăng đôi khi cũng được điều đi để bảo vệ tàu sân bay nói trên. Vào những thời điểm khác, các trực thăng này cung cấp đồ tiếp tế cho tàu sân bay.
Morgan cho biết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng giải cứu ở bất kể vị trí nào nơi kẻ thù có thể ở xung quanh”.
Keating nói rằng khi có quá nhiều việc xảy ra quá nhanh, điều quan trọng là phải tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Khi phi công trở về sau các cuộc không kích, họ xem xét lại các hoạt động và điều chỉnh chiến thuật cho lần tiếp theo. Chu trình lập kế hoạch lại tiếp tục.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin