Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ ra rằng việc khôi phục đường biên giới năm 1991 của Ukraine - như những tuyên bố trước đây của phía Ukraine - không còn là điều kiện tiên quyết để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, ngay cả khi ông tiếp tục thúc đẩy "công thức hòa bình" của riêng mình.
Ông Zelensky đã cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo Nga vào năm 2022, sau khi Nga đơn phương tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga tại 4 khu vực thuộc Ukraine mà Nga chiếm quyền kiểm soát.
Kể từ đó, ông Zelensky đã vận động được sự ủng hộ của phương Tây đối với "công thức hòa bình 10 điểm", trong đó có việc Nga rút toàn bộ quân đội và khôi phục đường biên giới năm 1991 của Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea, cũng như buộc Moscow phải trả tiền bồi thường, cùng các điều kiện khác.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS tuần này, ông Zelensky cho rằng không cần thiết phải tái chiếm lãnh thổ "bằng biện pháp quân sự", đồng thời cho biết các lực lượng Ukraine tối thiểu nên khôi phục nguyên trạng như năm 2022.
Trong khi đó, Điện Kremlin nhấn mạnh họ vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa và chỉ trích việc thiếu đột phá ngoại giao là do chính quyền Ukraine, những người mà Moscow cho là từ chối chấp nhận thực tế trên thực địa. Cuộc đàm phán gần nhất giữa Moscow và Kiev được tổ chức tại Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm 2022 nhưng đã sụp đổ khi mỗi bên cáo buộc nhau đưa ra yêu cầu phi thực tế.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng việc khôi phục hiện trạng đất nước Ukraine như năm 2022 là đủ để khởi động các cuộc đàm phán với Nga. Ảnh: CBS |
Ông Putin cho biết phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Moscow nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận. Theo đài RT, nguyên nhân được cho là Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson khuyên Kiev từ chối việc ngừng bắn và "tiếp tục chiến đấu", với cam kết sẽ có sự hỗ trợ hoàn toàn từ phương Tây.
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho rằng những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc phương Tây có thể gửi quân tới Ukraine dường như nhằm"nâng cao uy tín trong nước vốn đang giảm sút của ông Macron".
Theo ông Lavrov, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và các lãnh đạo trong liên minh quân sự này đã nhắc nhở ông Macron rằng mọi quyết định trong khối đều được đưa ra trên cơ sở tập thể.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng việc triển khai quân đội của NATO ở Ukraine sẽ không làm thay đổi được cục diện, đồng thời cảnh báo hậu quả của động thái này là "bi thảm".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin