Rạn nứt trong mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu những ngày qua đang ngày càng sâu hơn. Hai bên đang bất đồng quan điểm về việc Israel muốn triển khai quân tấn công TP Rafah (miền nam Gaza), nơi có hơn một triệu người Palestine đang tị nạn vì xung đột ở Gaza.
Màn đáp trả gay gắt
Theo đài CNN, vào ngày 8-5, Tổng thống Biden cảnh báo rằng Washington sẽ ngưng viện trợ vũ khí cho Israel nếu quân đội nước này tiến quân vào Rafah. “Dân thường đã thiệt mạng ở Gaza do hậu quả của những quả bom này cũng như những phương thức tấn công khác của Israel vào các trung tâm dân cư” - ông Biden nói, đề cập những quả bom nặng hơn 900 kg mà Mỹ từng gửi đến Israel trước đây.
Tổng thống Biden cho biết Israel chưa tiến vào Rafah nhưng nếu Israel đổ bộ TP này, Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí cho Tel Aviv. Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng Washington sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí phòng thủ cho Israel, bao gồm hệ thống phòng không Vòm sắt, nhưng các chuyến hàng khác sẽ chấm dứt nếu Tel Aviv mở một cuộc đổ bộ lớn vào Rafah.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: REUTERS |
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo Israel được an toàn về Iron Dome và khả năng đáp trả các cuộc tấn công vào Israel gần đây từ Trung Đông. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không cung cấp vũ khí và đạn pháo” - ông Biden nói.
Những tuyên bố trên được xem là lằn ranh đỏ mà ông Biden vạch ra đối với Israel, sau khi xe tăng và quân đội Israel tiến vào các quận phía đông của Rafah vào tối 6-5, chiếm giữ cửa khẩu biên giới chính giữa Gaza và Ai Cập.
Trước tuyên bố của ông Biden, Thủ tướng Netanyahu ngày 9-5 đáp trả rắn, theo hãng tin Reuters. Nhà lãnh đạo Israel tuyên bố nước này sẽ tự thân chiến đấu nếu không ai giúp đỡ. “Người Israel luôn sẵn sàng chiến đấu, cho dù chỉ có hai bàn tay trắng thì chúng tôi cũng sẽ chiến đấu đến cùng. Nếu không có ai giúp đỡ, chúng tôi sẽ tự chiến đấu. Tôi tin rằng với sức mạnh tinh thần, và với sự giúp đỡ của Chúa, quân đội Israel sẽ có thể giành chiến thắng” - ông Netanyahu tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Netanyahu cho biết rằng ông hy vọng ông và ông Biden có thể vượt qua những bất đồng về cuộc chiến ở Gaza. "Chúng tôi thường có những thỏa thuận nhưng cũng có những bất đồng. Tôi hy vọng chúng tôi có thể vượt qua các bất đồng đó ngay bây giờ, nhưng chúng tôi sẽ làm những gì phải làm để bảo vệ đất nước của mình” - ông Netanyahu nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Gregory Treverton, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định rằng việc Mỹ đình chỉ chuyển vũ khí cho Israel không tạo tác động gì trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì sẽ khiến Tel Aviv đối mặt một bài toán nan giải.
Israel là nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ và nhận được nhiều hỗ trợ quân sự của Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác kể từ Thế chiến thứ hai. Tính từ khi xung đột Gaza bùng nổ hồi tháng 10-2023 đến đầu tháng 3 năm nay, Mỹ đã chuyển hơn 100 lô vũ khí tới Israel, theo tờ The Conversation.
Hai bên đều chịu áp lực lớn
Chia sẻ với CNN, cựu Tổng Lãnh sự Israel tại Mỹ Alon Pinkas nói rằng sự rạn nứt công khai giữa ông Biden và ông Netanyahu về vấn đề Rafah đánh dấu một trong những thời điểm khó khăn chưa từng có trong quan hệ Mỹ-Israel. “Tôi thực sự nghĩ rằng [quan hệ Washington-Tel Aviv] đang ở mức rất thấp] - ông nói.
Theo hãng tin AP, mối quan hệ Biden-Netanyahu hiện đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, và không rõ các nhà lãnh đạo sẽ vượt qua các bất đồng quan điểm như thế nào.
Ưu tiên của Biden là đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và xoa dịu cuộc tranh luận chính trị gay gắt trong nước về việc liệu chính quyền của ông có gây đủ áp lực lên ông Netanyahu để hạn chế số thương vong nặng nề cho dân thường ở Gaza hay không. Trong khi đó, mục tiêu của Israel là đè bẹp thành trì cuối cùng của Hamas ở Rafah, theo tờ The Wall Street Journal.
Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel ở TP Rafah (cực nam Gaza) hôm 6-5. Ảnh: REUTERS |
Ông Netanyahu hiện đang đối mặt áp lực rất lớn từ dư luận trong nước và đối thủ chính trị liên quan cuộc chiến ở Gaza. Sự sống còn chính trị của ông Netanyahu có thể phụ thuộc vào cuộc tấn công của Rafah.
Nếu ông Netanyahu không thể chinh phục được Rafah, những người theo đường lối cứng rắn trong liên minh của ông rất có thể sẽ tìm cách lật đổ chính phủ và tiến hành các cuộc bầu cử mới vào thời điểm mà các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Netanyahu sẽ thua cuộc.
“Để giữ chân các đối tác của mình, ông Netanyahu cần phải duy trì huyền thoại 'chiến thắng toàn diện' - và điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách tránh thỏa thuận với Hamas” - ông Anshel Pfeffer, tay bút chính trị của nhật báo Haaretz, bình luận.
Ông Aviv Bushinsky, cựu phát ngôn viên và chánh văn phòng của ông Netanyahu, cho biết nhà lãnh đạo Israel vẫn tập trung vào mục tiêu chính của cuộc chiến là đánh bại Hamas, vì lo ngại về hình ảnh và di sản của ông. Theo ông Bushinsky, ông Netanyahu đã dành cả sự nghiệp để xây dựng thương hiệu là “nhân vật cứng rắn trong việc chống khủng bố”, do đó ông ấy vẫn sẽ kiên quyết xóa sổ Hamas.
Phần mình, ông Biden phải đối mặt sự phản đối ngày càng tăng từ giới trẻ Mỹ, một bộ phận cử tri quan trọng cho cuộc đua của ông vào Nhà Trắng năm nay. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đang phải đối mặt phản ứng dữ dội từ những người Mỹ theo đạo Hồi, một khối cử tri quan trọng ở bang chiến trường Michigan. Một số cử tri đã dọa sẽ không bầu cho ông trong cuộc bầu cử tháng 11 tới để phản đối cách chính quyền đương nhiệm xử lý cuộc xung đột Israel-Hamas.
Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Vermont - ông Bernie Sanders nói rằng ông Biden nên tiến xa hơn và đình chỉ việc giao tất cả vũ khí tấn công cho Israel. “Đúng là Mỹ nên đứng về phía các đồng minh, nhưng các đồng minh cũng phải tôn trọng các giá trị và luật pháp của Mỹ. Chúng ta phải sử dụng tất cả công cụ hiện có để ngăn chặn thảm họa ở Gaza trở nên tồi tệ hơn” - ông Sanders nói.
Trong khi đó, tuyên bố của ông Biden về việc Mỹ sẽ ngừng chuyển vũ khí cho Israel vấp phải chỉ trích của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump nói rằng: “Những gì ông Biden đang làm đối với Israel thật đáng hổ thẹn. Nếu bất kỳ người Do Thái nào bỏ phiếu cho ông Biden, họ nên xấu hổ về chính bản thân mình. Ông ấy hoàn toàn bỏ rơi Israel”. Còn Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch nói rằng động thái của ông Biden đang mang lại “chiến thắng vĩ đại cho Hamas”.
LHQ: Viện trợ tê liệt vì Israel đóng cửa các cửa khẩu ở Gaza
Ngày 9-5, ông Andrea De Domenico, người đứng đầu văn phòng Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) tại Gaza, cho biết rằng việc Israel đóng cửa các cửa khẩu vào Gaza đã khiến dòng viện trợ nhân đạo không thể tiếp cận khu vực, theo hãng tin AFP.
“Chúng tôi đã mất điểm tiếp nhận chính cho tất cả viện trợ nhân đạo” - ông Domenico cho biết, nói thêm rằng việc Israel đóng cửa các cửa khẩu khiến dòng viện trợ bị chững lại, đặc biệt là nhiên liệu.
“Ở Gaza không có kho dự trữ nhiên liệu. [Việc đóng cửa] hoàn toàn làm tê liệt các hoạt động nhân đạo” - ông Domenico nói thêm.
Trước đó, hôm 8-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết rằng các bệnh viện ở miền nam Gaza chỉ còn nhiên liệu đủ cho ba ngày sử dụng.
Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Catherine Russell cảnh báo rằng nếu nhiên liệu không tới được Gaza, thì “hậu quả sẽ được cảm nhận gần như ngay lập tức”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin