Số liệu của Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Indonesia cho biết, tính đến ngày 18/5, có 584 trẻ em Indonesia ở độ tuổi từ 0-5 tuổi mắc Covid-19 và có 1.196 ca mắc Covid-19 ở độ tuổi từ 6-17 tuổi. Ngoài ra có 3.324 trẻ em đang trong tình trạng theo dõi nghi mắc Covid-19. Đáng nói, trong số này có ít nhất 14 trẻ em đã tử vong do Covid-19 và 129 trẻ em tử vong khi còn ở dạng tình nghi mắc đại dịch này.
Dịch Covid-19 đe dọa sức khỏe trẻ em Indonesia. |
Theo ông Aman Bhakti Pabang - Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Indonesia, số trẻ em bị mắc và tử vong do Covid-19 tại Indonesia là rất cao và việc xử lý covid-19 ở đối tượng trẻ em vẫn còn nhiều chậm trễ. Ông dẫn chứng, tại Singapore, quốc gia đang là ổ dịch Covid-19 của Đông Nam Á, tại Malaysia quốc gia láng giềng Indonesia, hay tại Italia nơi có 9.000 người chết do Covid-19, cũng không có nạn nhân nào là trẻ em. Ngay cả tại Trung Quốc, quốc gia bùng phát dịch Covid-19 cũng chỉ có 2 trường hợp trẻ em tử vong do Covid-19.
Ông Aman cho rằng, nếu được phát hiện Covid-19 sớm thì số trẻ em ở trong diện theo dõi giám sát và được xác định dương tính không cao đến như vậy. Hiện nay, Indonesia có 90 triệu trẻ em, trung bình mỗi năm có 5 triệu trẻ em được sinh ra. Tuy nhiên các xét nghiệm liên quan đến Covid-19 ở trẻ em mới chỉ đạt vài trăm người.
Bên cạnh đó, các trẻ em Indonesia tử vong không hoàn toàn do Covid-19 mà đa phần là do có thêm bệnh viêm phổi. Đây được coi là "kẻ giết trẻ em" số một của Indonesia. Theo số liệu của UNICEF, năm 2018 có hơn 19.000 trẻ em Indonesia dưới 5 tuổi chết vì viêm phổi hoặc mỗi giờ có hơn 2 trẻ chết vì viêm phổi. Tỷ lệ viêm phổi ở trẻ em ở Indonesia cao là do một số yếu tố, bao gồm vệ sinh kém, ô nhiễm khói thuốc lá và tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Dịch Covid-19 đe dọa tương lai trẻ em Indonesia
Theo đại diện UNICEF tại Indonesia, nếu không có những biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch Covid-19, hạnh phúc, tương lai và sự an toàn của trẻ em Indonesia có thể bị đe dọa. Dịch Covid-19 đã phá vỡ thu nhập của các gia đình Indonesia. Hầu hết trong số họ, những người nghèo khổ cùng cực, đều không được bảo vệ bởi hệ thống an sinh xã hội. Điều này sẽ đe dọa đến sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đồng thời tăng thêm sự bất bình đẳng giới cũng như làm tổn thương thêm nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em khuyết tật.
Ông Debora Comini, đại diện UNICEF tại Indonesia khẳng định: "Ngay cả sau đại dịch, trẻ em trên khắp Indonesia sẽ tiếp tục cảm nhận được tác động trong nhiều năm tới". Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 kéo dài sẽ làm tỷ lệ thấp còi tăng lên do thiếu dinh dưỡng, tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng tăng lên do hạn chế hoạt động thể chất và tiêu thụ thực phẩm chế biến nhiều đường, muối và chất béo.
Dữ liệu của UNICEF cũng cho thấy, gần 60 triệu trẻ em Indonesia không thể đến trường do dịch Covid-19. Việc học trực tuyến từ xa vẫn là thách thức với chính phủ nước này. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của UNICEF, việc phong tỏa cũng làm tăng khả năng gia tăng bạo lực, quấy rối và bỏ bê liên quan đến chăm sóc trẻ em tại nhà hoặc trại trẻ mồ côi do áp lực từ nhiều phía.
Tăng cường nỗ lực bảo vệ trẻ em Indonesia trước đại dịch Covid-19
Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa Indonesia đã yêu cầu mở rộng xét nghiệm với đối tượng là các trẻ em và cải tiến quy trình lấy mẫu bệnh phẩm ở cổ để xét nghiệm phản ứng chuỗi PCR đối với trẻ em. Tăng cường truy tìm các trường hợp liên quan đến mắc Covid-19 ở trẻ tại Indonesia. Xây dựng quy trình y tế tại các trung tâm sức khỏe cộng đồng và cơ sở tiêm chủng để đảm bảo không gian sạch sẽ cho trẻ.
Ngay cả sau đại dịch, trẻ em trên khắp Indonesia sẽ tiếp tục cảm nhận được tác động trong nhiều năm tới. |
Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia cần xây dựng các giao thức y tế nghiêm ngặt khi bắt đầu cuộc sống bình thường mới, trong đó sắp xếp theo nhu cầu cơ bản của sự tăng trưởng và sức khỏe của trẻ em, bởi điều này sẽ quyết định tới chất lượng thế hệ tương lai của Indonesia.
Trong khi đó, tổ chức UNICEF khuyến nghị chính phủ nước này hỗ trợ đáp ứng nhu cầu các gia đình trong chăm sóc trẻ em, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ em, trong đó có cả phụ nữ mang thai và cho con bú, mở rộng phạm vi và lợi ích chương trình an sinh xã hội cho tất cả các gia đình bị ảnh hưởng kinh tế bởi đại dịch.
Chính phủ Indonesia cần hỗ trợ trẻ em học tập, mở rộng phương pháp học tại nhà thay thế cho trường hợp không có công nghệ, giám sát việc học của học sinh trên nền tảng trực tuyến, tăng cường dạy kỹ năng và kiến thức cần thiết trong tình huống nguồn lực hạn chế.
Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bóc lột và lạm dụng. Cung cấp hỗ trợ sức khỏe tâm thần và xã hội cho trẻ em dễ bị tổn thương; xây dựng chiến lược để giải quyết các rủi ro của bạo lực đối với trẻ em.
Và cuối cùng là Cung cấp tài chính công cho đối tượng trẻ em. UNICEF khuyến nghị Indonesia đảm bảo rằng việc giảm tài trợ và phân bổ ngân sách chính phủ trong bối cảnh phòng chống đại dịch không làm gián đoạn dịch vụ cho trẻ em trong các lĩnh vực như giáo dục và dịch vụ xã hội./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin