Hình phạt người Việt có thể đối mặt vì kết hôn giả ở Mỹ
Các nhà điều tra liên bang Mỹ hôm 13/5 triệt phá một đường dây chuyên dàn xếp hôn nhân giả cho những người Việt muốn định cư ở Mỹ, bắt 50 người trong số gần 100 nghi phạm của vụ án, trong đó một nửa là công dân Việt Nam không có giấy tờ hợp lệ. Nghi phạm cầm đầu đường dây là Ashley Yen Nguyen, 53 tuổi, phụ nữ gốc Việt điều hành hoạt động của băng nhóm ở thành phố Houston, Texas.
Mỹ quy định hôn nhân giả là việc lợi dụng kết hôn để lách các quy định về di trú chứ không nhằm mục đích chung sống thật sự, thường diễn ra theo hình thức một công dân Mỹ được trả tiền hoặc hưởng các lợi ích khác để đăng ký kết hôn với công dân nước ngoài muốn định cư ở Mỹ.
Theo quy định của luật pháp nước này, người phạm tội, cả công dân Mỹ lẫn công dân nước ngoài, đều có nguy cơ ngồi tù lên đến 5 năm và bị phạt tiền lên đến 250.000 USD. Ngoài ra, họ và những kẻ dàn xếp các "thương vụ" kết hôn có thể bị buộc tội gian lận visa, chứa chấp trái phép người nước ngoài hay khai man. Công dân nước ngoài kết hôn giả còn có nguy cơ bị trục xuất và từ chối đơn xin thị thực sau này.
Trong vụ đường dây kết hôn giả ở Texas, một số nghi phạm bị cáo buộc lừa đảo qua thư, gian lận nhập cư, khai man về đăng ký giấy tờ của người nước ngoài, giao dịch nhập tịch bất hợp pháp, cản trở công lý và mua chuộc nhân chứng, nạn nhân hoặc người cung cấp thông tin. Các tội danh lừa đảo qua thư và mua chuộc nhân chứng có thể bị phạt tù lên đến 20 năm. Các tội còn lại có thể bị phạt tù lên đến 10 năm.
Phanh phui tình trạng kết hôn giả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) và Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE). Giới chức Mỹ thường kiểm tra tính hợp lệ của cuộc hôn nhân bằng cách phỏng vấn người nộp đơn và bạn đời của họ trong tiến trình điều chỉnh tình trạng di trú thành thường trú nhân (xin thẻ xanh).
Giới chức Mỹ có thể yêu cầu người nộp đơn kể về quá trình hai người phát triển mối quan hệ, yêu cầu nộp album ảnh, hợp đồng thuê nhà hay sao kê tài khoản ngân hàng.
Nếu trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, nhân viên di trú Mỹ cảm thấy có chi tiết mâu thuẫn hay khả nghi, họ có thể tổ chức cuộc phỏng vấn thứ hai, đôi khi ngay lập tức. Người xin nhập cư và bạn đời được tách ra và hỏi cùng một bộ câu hỏi, sau đó câu trả lời của họ được so sánh. Chẳng hạn, nếu người chồng nói rằng họ luôn mừng sinh nhật trên bãi biển nhưng người vợ nói rằng họ luôn đến vùng núi, họ có thể gặp rắc rối.
Những câu hỏi có thể liên quan đến bất kỳ vấn đề gì của cuộc sống hàng ngày như món quà gần đây nhất tặng nhau, hình thức tránh thai, tần suất và thời gian gọi điện, nhắn tin cho nhau, những ngày lễ kỷ niệm cùng nhau hay các vấn đề tài chính. Cặp vợ chồng có thể thuê luật sư để xuất hiện cùng mình trước giới chức. Ngoài so sánh câu trả lời, giới chức Mỹ cũng chú ý đến ngôn ngữ cơ thể và thái độ của cặp vợ chồng trong quá trình phỏng vấn.
Trong trường hợp đường dây kết hôn giả ở Texas, tổ chức này bị cáo buộc đã chuẩn bị các album ảnh cưới giả, giấy tờ với chữ ký giả, địa chỉ không có thật và thư xác nhận việc làm giả. Các đôi vợ chồng giả không chung sống với nhau và chỉ gặp gỡ ngay trước khi có giấy đăng ký kết hôn.
"Kết hôn giả không phải là hành vi phạm tội không có nạn nhân hay có ảnh hưởng không đáng kể. Đây không phải là một vấn đề nhỏ. Tham gia vào hành vi này và đánh đổi an ninh của Mỹ để thu lợi cá nhân là trọng tội phải bị trừng phạt nghiêm khắc", ICE cảnh báo trên website của mình.
Theo VNE
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin