Điều tra luận tội có đe dọa tương lai Tổng thống Trump?
Cuộc luận tội Tổng thống Trump tại Mỹ đang bước vào những giai đoạn căng thẳng mới, khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ vừa thông qua các điều khoản luận tội, bao gồm lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Động thái này đã mở đường cho một cuộc bỏ phiếu luận tội vào hôm nay (18/12 - theo giờ Mỹ) tại toàn thể Hạ viện Mỹ, đánh dấu lần thứ 4 một Tổng thống Mỹ phải đối mặt với một sự kiện như vậy.
Trình tự luận tội Tổng thống Mỹ
Sau tiến trình điều trần và tranh luận nảy lửa, ngày 13/ 12, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Trump, bao gồm lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Tại cuộc bỏ phiếu hoàn toàn mang tính đảng phái, có 23 thành viên đảng Dân chủ ủng hộ trong khi 17 thành viên đảng Cộng hòa phản đối luận tội ông Trump.
Sau khi Ủy ban Tư pháp, đầu mối chịu trách nhiệm chính trong tiến trình luận tội đã thông qua hai điều khoản nêu trên, ngày 17/12, Ủy ban Nội quy Hạ viện cũng đã quyết định về thời lượng tranh luận và thời điểm bỏ phiếu luận tội. Giờ đây, theo quy định của Hiến pháp Mỹ, quyền hành và trách nhiệm thuộc về Hạ viện. Theo kế hoạch, trong ngày 18/12 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức phiên họp toàn thể để tranh luận bổ sung, sau đó tiến hành bỏ phiếu thông qua hai điều khoản luận tội mà Ủy ban Tư pháp đã đệ trình.
Cũng theo quy định của Hiến pháp Mỹ, chỉ cần đa số tối thiểu, tức 218/435 hạ nghị sỹ bỏ phiếu phê chuẩn nghị quyết hoặc các điều khoản luận tội, ông Trump sẽ trở Tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, sau các ông Andrew Johnson và Bill Clinton, bị Hạ viện luận tội. Hai ông Andrew Johnson và Bill Clinton, đã bị Hạ viện luận tội, nhưng không bị Thượng viện kết án. Riêng Tổng thống Richard Nixon đã chủ động từ chức nhằm tránh bị cách chức khi luận tội.
Với việc đảng Dân chủ hiện nắm 235/435 ghế tại Hạ viện và đại đa số các nghị sỹ đang công khai ủng hộ, không có gì phải nghi ngờ khi Tổng thống Trump bị Hạ viện Mỹ luận tội trong phiên bỏ phiếu ngày 18/12.
Dự báo các kịch bản luận tội
Việc Tổng thống Trump chính thức bị Hạ viện Mỹ luận tội dường như là điều không thể đảo ngược. Tiếp sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với một phiên xét xử tại Thượng viện để xác định ông có nên bị kết tội và bãi nhiệm hay không. Phiên xét xử dự kiến bắt đầu từ ngày 7/1, sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm Mới của Quốc hội Mỹ.
Theo quy định, Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts sẽ giữ quyền Chủ tọa phiên xét xử; các thành viên chủ chốt của đảng Dân chủ tại Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tình báo Hạ viện sẽ trình bày luận cứ chống lại ông Trump; đội ngũ pháp lý của Tổng thống sẽ đưa ra ý kiến phản hồi và các thượng nghị sỹ đóng vai trò là thành viên bồi thẩm đoàn. Phiên xét xử còn bao gồm thu thập lời khai từ các nhân chứng.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer, đã gửi thư cho Lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell, đề nghị gửi trát yêu cầu 4 người, gồm quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, Cố vấn cao cấp của ông Mulvaney là Robert Blair, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và nhân viên Văn phòng Quản lý và Ngân sách Michael Duffey, ra làm chứng trong phiên xét xử sắp tới của Thượng viện. Ông Schumer cho rằng, một phiên tòa mà không có nhân chứng thì sẽ không có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell từ chối.
Sau phiên xét xử với một lịch trình làm việc dày đặc, trong đó các thủ tục tố tụng diễn ra từ 6 ngày đến 6 tuần, Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua nghị quyết kết tội và bãi nhiệm Tổng thống Trump.
Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, để kết tội và bãi nhiệm Tổng thống Trump, phải có đa số tuyệt đối thượng nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ, tức cần ít nhất 67 phiếu. Hiện tại, trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, đảng Cộng hòa nắm 53 ghế, đảng Dân chủ nắm 45 ghế và 2 thành viên độc lập. Như vậy, trong trường hợp cả 47 thượng nghị sỹ Dân chủ và độc lập bỏ phiếu ủng hộ, tương lai chính trị của Tổng thống Trump sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của ít nhất 20 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa.
Từ những cơ sở nêu trên, nhiều chuyên gia phân tích chính trị tại địa bàn nhận định, kịch bản Tổng thống Trump bị Thượng viện Mỹ kết tội và bãi nhiệm trong phiên xét xử sắp tới là điều không thể xảy ra, nhất là sau khẳng định chắc như đinh đóng cột của Lãnh đạo phe đa số McConnell, rằng ông Trump sẽ "không đời nào" bị phế truất.
Tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Cuộc điều tra luận tội ông Trump mà đảng Dân chủ đang thúc đẩy sẽ không ảnh hưởng quả nhiều tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, xuất phát từ hai lý do sau.
Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao và tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp kỷ lục.
Cụ thể, báo cáo điều chỉnh do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/11 cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới trong quý III năm nay đạt 2,1% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn mức 1,9% công bố trước đó một tháng. Còn hãng CNBC dẫn báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 6/12 cho biết, trong tháng 11 vừa qua nền kinh tế Mỹ tạo ra 226.000 việc làm, cao hơn dự báo trước đó của giới chuyên gia là 180.000, qua đó đưa tỷ lệ thất nghiệp trở lại mốc 3,5%, mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.
Ba chỉ số cơ bản trên thị trường chứng khoán Mỹ, gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều tăng điểm và lập những kỷ lục mới, trái ngược với bầu không khí ảm đạm trong năm ngoái. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Trump còn đạt được hai thỏa thuận thương mại quan trọng trong cùng một tuần, gồm Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) phiên bản mới và thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Trung Quốc.
Dù còn vấp phải sự chỉ trích từ cả hai đảng, sự hoài nghi của chuyên gia và truyền thông, nhất là thỏa thuận với Trung Quốc, song đây là thành quả đáng ghi nhận. Đây là những yếu tố quan trọng nhất để cử tri Mỹ quyết định bầu cho ứng cử viên nào. Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường chứng khoán ổn định, cơ hội để ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử 2020 là khá rõ nét.
Thứ hai, bất chấp cuộc điều tra luận tội đang bước vào giai đoạn nước rút căng thẳng, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump hiện vẫn đạt mức cao. Kết quả thăm dò mới nhất do Đại học Quinnpiac tiến hành và công bố ngày 16/12 cho thấy, tính trung bình, có tới 43% trong số 1.390 cử tri Mỹ được hỏi ý kiến qua điện thoại, cho biết hộ ủng hộ Tổng thống Trump, tăng hai điểm so với kết quả thăm dò công bố hôm 10/ 12. Đáng lưu ý, 92% người theo đảng Cộng Hòa ủng hộ hành động của ông chủ Nhà Trắng./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin